Nghệ sĩ Hương Lan: 'Không có gia đình nào lành lặn'

27/05/2018 - 04:37

PNO - Nữ nghệ sĩ ngẫm rằng, bất kỳ gia đình nào cũng có những vấn đề riêng, nhưng chính sự bao dung, hiểu biết mới khiến họ tìm được sợi dây gắn kết lại bên nhau.

Sau 50 năm miệt mài trên hàng trăm, hàng ngàn sân khấu, Hương Lan vẫn da diết, nỉ non với chất giọng không thể đẹp, mượt mà hơn. Đi qua nửa con dốc cuộc đời, Hương Lan vẫn nhìn nghề đầy trân trọng, như một đạo để tôn thờ. Ngẫm về đời, về chính mình, chị lại nhẹ nhàng, thong dong trong chính những buồn, vui, thăng trầm đã qua.    

Nghe si Huong Lan: 'Khong co gia dinh nao lanh lan'

Vợ chồng ca sĩ Hương Lan bình dị ngồi quán bên đường như bao người Sài Gòn khác sau một đêm diễn tại TP.HCM

Tôi có hai “ưu thế” là năng lực và đam mê 

* Cùng xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng chị lại được nhắc đến rất nhiều, còn em gái Hương Thanh lại ít được biết hơn. May mắn đổ dồn về chị quá nhiều chăng?

- Ca sĩ Hương Lan: Hương Thanh chủ yếu hát cho cộng đồng người Việt tại Pháp và các nước khác như Đức, với dòng nhạc dân ca Việt Nam theo âm hưởng miền Bắc, kết hợp với dàn nhạc hiện đại của phương Tây hoặc nhạc jazz. Em ấy không tiếp xúc nhiều với môi trường nghệ thuật Việt Nam nên khán giả trong nước không biết đến nhiều. 

Tôi và Hương Thanh có hai đường hướng khác nhau hoàn toàn. Lần này, trong live show tôi muốn vinh danh ba tôi, cố nghệ sĩ Hữu Phước nên có Hương Thanh góp mặt. Hai chị em thể hiện một trích đoạn cải lương để nhắc nhớ về nguồn cội của mình. Tôi muốn mọi người biết rằng, ba tôi có hai hậu duệ theo nghề hát, đặc biệt với những ai chưa biết nhiều về Hương Thanh.       

Hiện tại, tôi và em gái ở xa nhau nên hầu như rất khó có cơ hội gặp mặt. Tuy nhiên, hai chị em vẫn giữ liên lạc hằng tuần qua việc hỏi thăm nhau. Chúng tôi nói về gia đình, về cuộc sống hiện tại và những gì vui vẻ nhất. Tôi vẫn thường khuyên Hương Thanh buông bỏ, tha thứ, không nên nhớ đến những chuyện quá khứ thì mới nhẹ lòng để có cuộc sống tốt sau này. Cuộc đời chẳng có gì hoàn hảo cả. 

Nghe si Huong Lan: 'Khong co gia dinh nao lanh lan'

Ca sĩ Hương Lan

Trong suốt những năm qua khi dòng nhạc boléro cực thịnh trên truyền hình, tôi không xuất hiện, bởi game show nghĩa là trò chơi, tôi không thích. Nếu là một chương trình thi thố để chọn những người thực sự làm nghề, một giải thưởng lớn cho nghệ thuật thì chắc chắn tôi không từ chối. Nhìn những em bước ra từ các game show, bao nhiêu người thực sự nổi tiếng vì có ai chăm lo cho các em? Khởi nguồn của tôi là sân khấu thì sống chết vẫn cứ ở sân khấu mà thôi. 

Tôi không có chủ đích để xem những game show về boléro. Xem để làm gì? Xem xong rồi cật vấn vì sao người thế này, người thế kia rồi gieo vào lòng những chuyện bực mình. Tôi muốn tránh những điều phiền phức. Nhưng không có nghĩa tôi đả phá hay bài trừ game show, vì có nhiều chương trình hay thì khán giả cũng có nhiều kênh giải trí hơn. Đơn giản nhất, tôi không thích và không làm. 

Nếu boléro không hay thì làm sao người ta thích? Mấy mươi năm nay chúng vẫn sống trong lòng khán giả chứ có chết bao giờ. Có chăng thời cuộc đã giúp boléro trở lại một cách vinh quang hơn bao giờ hết. Nhưng hiện tại người ta lại lạm dụng boléro quá nhiều, đụng gì cũng boléro, thậm chí nhạc slow cũng thành boléro. Món ăn có ngon đến mấy, ăn nhiều cũng sẽ ngán.

Tôi không ủng hộ việc remix hay làm mới nhạc boléro. Boléro dù có hay cách mấy nhưng khi remix, hát một lượt mấy chục bài thì người nghe cũng muốn bội thực. Các em tự làm khán giả ngán mình, chứ họ không bao giờ ngán nhạc boléro. Hát boléro dù hay cách mấy, chỉ hát một vài bài rồi dừng lại thôi.

* Trong sự nhắc nhớ về nguồn cội ấy, chị có phần nặng tâm tư bởi xuất thân từ một gia đình cải lương nhưng lại phải chứng kiến một thực tế quá đau lòng...

- Năm 1994, khi trở về Việt Nam, tôi được mời quay một số tuồng cải lương nhưng chưa có tuồng nào để Hương Lan có được vai diễn để đời. Tôi thực sự buồn vì điều này nhưng đã là dòng đời thì chẳng có gì để tiếc nuối. Tôi không đi với cải lương đến cùng nên dù có tâm tư, nói ra cũng dễ buồn lòng nhau. 

Cải lương xuống dốc có nhiều yếu tố cộng lại chứ không do một nguyên nhân, bối cảnh nào đó. Vì sao kịch đến nay vẫn sống được? Có tiếc, có buồn thương nhưng thời cuộc đã như thế nên chẳng thể trách cứ ai. Ba tôi ra đi vẫn còn day dứt nhớ về cải lương, nhưng ở trời Tây, tạo dựng một đoàn hát là chuyện không tưởng.

Nghe si Huong Lan: 'Khong co gia dinh nao lanh lan'

* Hào quang, danh vọng vốn sớm hiện hữu cùng Hương Lan. Đã bao giờ chị nghĩ về chúng như một mục đích cần đạt được trong sự nghiệp?

- Tôi chính thức được thu đĩa nhựa vào năm 1968, khi chỉ mới 12 tuổi. Thời điểm này tôi chưa kịp nghĩ ngợi điều gì vì còn quá nhỏ, được hát là sung sướng lắm rồi. Tôi biết ba mình là một nghệ sĩ có tiếng thời bấy giờ nhưng nghĩ hay cầu mong, khao khát đạt được sự nổi tiếng như thế thì chưa bao giờ. Trẻ con ngày xưa không lanh như trẻ bây giờ. Cũng có thể vì thế mà tôi làm nghề thoải mái, bằng cái tâm trong sáng nhất. Còn giờ đây các em sớm nhìn thấy hào quang, danh vọng từ việc đứng trên sân khấu và ôm mộng đeo đuổi.

* Ba chị là một nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ, ít nhất con gái khi đi hát cũng sớm nhận được ưu tiên, đặc quyền... 

- Ba tôi quen biết khá nhiều các chú bên tân nhạc như Trúc Phương, Châu Kỳ... nên cũng gửi gắm rất nhiều, vì ông không biết gì về tân nhạc cả. Nhưng tôi tin người ta chọn mình vì thực tài. Tôi có hai “ưu thế” là năng lực và đam mê. Nhìn thấy năng lực, các chú, các bác sẽ tiếp tục dạy dỗ và nâng đỡ, không phải như hiện tại, cứ quen biết, gửi gắm, không có tố chất, không có năng lực cũng gật đầu cho qua.

Tôi mê hát đến nỗi không còn tâm trí để học hành. Khi tôi vào học ở trường Nguyễn Bá Tòng (nay là trường Bùi Thị Xuân - PV) thì gia đình cấm đi hát. Ba tôi cũng là giáo viên nên hơn ai hết vẫn muốn con cái học hành cho thành đạt. Dẫu vậy, tôi vẫn lén đi vì mê quá không bỏ được. 

Đến bây giờ tôi vẫn tập với ban nhạc 

Sa mưa giông, Còn thương rau đắng mọc sau hè ngoài danh vọng còn cho chị điều gì trong sự nghiệp nữa?

Còn thương rau đắng mọc sau hè, chú Bắc Sơn đã viết trước năm 1975 nhưng gần như bị lãng quên. Tuy nhiên, khi tôi hát thì ca khúc này trở nên nổi tiếng. Chú Bắc Sơn từng viết một bức thư tay cảm ơn tôi vì đã làm bài hát sống lại. Về sau, mối quan hệ này trở nên thân tình hơn. Sự gần gũi đó giúp tôi hát nhạc của chú Bắc Sơn mượt mà, tình cảm hơn bởi tôi hiểu những gì chú muốn nói.

Người nghệ sĩ phải hiểu tác giả muốn gửi gắm điều gì thì bài hát mới được khán giả đón nhận. Người hát không hiểu mình đang hát gì thì làm sao người nghe hiểu? Chúng ta có nhiều ca sĩ nhưng các em không chịu đào sâu. Hát boléro để cho người Nam bộ nghe, đừng điệu, hãy cứ mộc mạc, chân tình, thật thà. Để hiểu được điều này đòi hỏi ca sĩ phải có vốn sống và chiều sâu hiểu biết về văn hóa, bởi có giọng hát thôi vẫn chưa đủ. Đối với tôi, vốn văn hóa là quan trọng nhất. Một người văn hóa kém, chỉ cần nhìn vào một dấu chấm phết là biết.

Ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè với tiếng hát Hương Lan

 * Không khó để cảm nhận được chị là người khá kỹ tính...                                                                                                         
- Nhiều người tỏ ra sợ vì tôi khó tính, kỹ tính, nhưng hai yếu tố này đã tồn tại trong tôi từ rất lâu rồi. Không có gì là hoàn hảo, ở tuổi này tôi vẫn chưa bao giờ hài lòng với mình trong công việc. Cũng vì vậy, tôi đặt trọng tâm vào công việc hơn là đi soi mói người khác.

Có thể với tôi hiện tại, có lỡ hát sai thì cũng chẳng ai dám chỉnh vì họ nghĩ mình hát lâu năm rồi. Nhưng nếu tôi là người không hiểu biết gì thì làm sao? Vì thế, trước tiên hãy tự khó tính với chính mình thì mới có uy tín để nói chuyện với đàn em. Nhưng có lẽ cũng không nhiều người có cơ hội gần gũi, trò chuyện với tôi bởi có duyên, có đam mê thật lòng thì mới ngồi xuống nói chuyện với nhau được.                                               

* Thời gian đứng sân khấu không còn nhiều, lại không có thế hệ kế thừa, liệu một lúc nào đó tên tuổi Hương Lan cũng chỉ còn là dĩ vãng?                   

- Khi nhận ai đó làm học trò và nhận mình là thầy thì trách nhiệm nặng nề lắm. Vì thế, tôi rất hạn chế. Tôi có một đứa con nuôi đồng thời cũng là học trò, dù đi đâu, hát bài gì cũng phải cho tôi biết, hát cho tôi nghe trước. Tôi chỉnh từ cách sắp chữ cho đến phát âm. Có thể có người cho rằng, việc này quá khắt khe nhưng đó là trách nhiệm đi cùng
tình thương.

Không ai biết được ngày mai thì việc gì phải lo nghĩ để rước vào mình những chuyện không vui. Nói cho nhiều, mơ mộng cho lắm rồi lỡ qua đêm nay phải nhắm mắt lìa đời thì sẽ ra sao? Tôi chỉ băn khoăn trên con đường mình đi, ai sẽ là người tiếp nối? Các em phải có niềm đam mê, sự hy sinh lớn cho nghề thì mới mong một ngày rạng danh. Tôi cũng mong các em đừng tự mãn, cứ đôi ba người khen hát hay, hát ngọt là không màng tập luyện, trau dồi. Đến giờ tôi vẫn còn phải tập với ban nhạc, vẫn phải học bài mỗi ngày thì có lẽ các em cũng không có lý do gì để dừng lại.

* Là người thích ẩn mình nhưng có lẽ chị cũng rất thẳng thắn và bộc trực?           
- Có lẽ vì thế mà đến hôm nay tôi vẫn đam mê gần như vẹn nguyên với nghề, như ngày đầu. Nếu dính đến quá nhiều chuyện không vui, mang vào mình những thị phi thì có lẽ tôi đã bớt mê nghề từ lâu lắm rồi.

Tôi chỉ làm tốt công việc của mình, còn việc của ai đó đừng nên phán xét họ. Nhưng tốt nhất đừng có bất kỳ việc gì không phải đạo xảy ra trước mặt tôi. Đời sống bên ngoài của bạn có thể ra sao thì tùy, nhưng khi đụng đến sân khấu mà không chuẩn mực thì tôi sẵn sàng nói thẳng. Tôi không có thói quen nói sau lưng ai và cũng không thích việc làm này. Có thể, sự thẳng thắn trong môi trường đầy rẫy sự nhạy cảm này sẽ là một thiệt thòi, nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận.

Nghe si Huong Lan: 'Khong co gia dinh nao lanh lan'

Chín bỏ làm mười 

* Sau cánh cửa bếp, chị tự vẽ chân dung mình như thế nào?

- Tôi là người phụ nữ Việt của gia đình, có chăng cuộc sống cực hơn ở Việt Nam đôi phần. Tôi vừa làm chủ vừa làm tớ trong nhà mình, tự dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, tự lái xe... Cuối tuần, thường tôi bay đi hát. Ở nhà, tôi vui vẻ, hài hước hơn so với lúc trong công việc. Nhưng với các con, tôi không dễ dãi.

Bây giờ, chúng đã trưởng thành nên tôi cũng bớt khó khăn. Hơn 30, gần 40 tuổi, các con tôi đều gọi dạ bảo vâng. Con tôi không biết một tiếng chửi tục, dù là tiếng Anh, không hút thuốc, không rượu chè. Tôi dạy con được như vậy một phần vì cứng rắn, nhưng một phần cũng may mắn vì bản tính chúng hiền lành, ngoan ngoãn. Trong gia đình anh, chị, em đều xưng hô với nhau một cách chuẩn mực, tuyệt đối không được gọi mày, tao. 

* Nghĩa là guồng xoay của gia đình chị vẫn đậm chất Việt Nam giữa trời Tây?

- Có những gia đình vì mải lo làm ăn để con cái mất gốc, không thể nói tiếng Việt. Nhưng gia đình tôi vẫn giữ nếp sống rất Việt Nam. Tôi có quan điểm khá thoáng, cái gì hay của văn hóa Việt thì mình giữ, cái nào tốt của văn hóa Âu, Mỹ, mình cũng nên học.                                                                                     
Tôi buộc các con khi về nhà phải nói tiếng Việt. Khách đến nhà, phải biết thưa gửi. Đó là nguyên tắc lễ nghĩa căn bản nhất của người Việt Nam mà không bao giờ được quên. Có đôi lần con cái quên, về nhà lại nói tiếng Anh với mẹ. Tôi sẽ không trả lời hoặc hồi đáp với chúng rằng, tôi không hiểu. Có lần con hỏi vì sao thấy mẹ nói chuyện tiếng Anh với người khác nhưng với con cái lại không, tôi thẳng thắn: “Mẹ nói với người ta, mẹ không nói với con”.

* Là mảnh ghép của hai gia đình từng một lần dở dang và trong từng lời của chị tràn ngập sự tự hào về các con...                                             

- Các con tôi thì ở gần, trong khi đó ba người con của ông xã lại ở xa. Con cái quả là niềm hạnh phúc và tự hào lớn cho tôi và ông xã. Hiện tại, các con đã thành tài và đều sống rất ngoan ngoãn.

Chúng tôi không có tư tưởng sống dựa vào con cái. Dẫu vậy, hằng tháng các con vẫn gửi một ít để làm quà cho bố mẹ. Nhiều lúc, chúng tôi cũng không muốn nhận. Các con ở gần sẵn sàng hỗ trợ cha mẹ khi có việc cần. Những việc nhỏ thế thôi nhưng tôi hạnh phúc vô cùng. Cha mẹ nuôi con 10 đồng, chỉ cần chúng cho lại 1 đồng đã vui vì con còn nhớ đến mình, chứ không phải mừng vì đến lúc hưởng phước.

Lòng hiếu thảo, sự kính trọng là bài học căn bản nhất mà tôi dạy các con. Không đâu xa, chính mình là tấm gương để các con soi rọi. Còn nhớ ngày trước nhìn tôi chăm sóc ba tôi, các con đều bảo sau này con sẽ chăm lo cho mẹ như mẹ từng lo cho ông ngoại. Mưa thì trên trời mưa xuống, từ nhỏ trong đầu chúng đã có một ý thức rất tốt.

Nghe si Huong Lan: 'Khong co gia dinh nao lanh lan'

* Ở tuổi này, chị vẫn còn đi hát. Ông xã chị có giúp được nhiều việc để vợ bớt gánh nặng không? 

- Ngày trước, ông xã tôi còn đi làm thì không giúp được việc nhà. Nhưng từ khi nghỉ hưu anh ấy san sẻ rất nhiều. Hoa, cây cảnh, rau trong vườn đều do một tay ông xã tôi trồng, còn tôi thi thoảng phụ tưới nước. Ông xã tôi cũng là người tính toán giỏi và thạo trong việc xây sửa nhà cửa.

Trong hơn 30 năm, ông xã là bờ vai, bức tường, là chỗ dựa rất vững cho tôi, nếu không thì mọi việc đã lỡ dở từ lâu lắm rồi. Cuộc đời của nghệ sĩ có nhiều khó khăn nên nếu không có sự cảm thông thì khó ở với nhau đến trọn đời. Người đàn ông bên cạnh chúng tôi phải thực sự bao dung, độ lượng, quan trọng nhất là sự hiểu biết. Cuộc sống vợ chồng đừng bảo ai hơn, ai thua, mà cứ hiểu biết là sống với nhau đến trọn đời, giàu nghèo không quan trọng. Nhưng nghĩa vợ chồng còn là chữ duyên nữa.

* Chị vẫn còn được ông xã cưng chiều như thuở ban đầu chứ?

- Bây giờ con cái đã ở riêng hết nên chỉ còn hai tấm thân già nương tựa vào nhau. Ông xã vẫn vậy, vẫn cưng tôi như thuở nào. Tôi nghĩ mình là người phụ nữ may mắn.

Đâu có gia đình nào lành lặn, cũng có những sóng gió, giận hờn, cãi vã nhưng không thể làm tôi và ông xã lung lay được. Đó là điều đáng mừng, đáng tự hào nhất về cuộc hôn nhân trong 30 năm qua. Tùy theo mỗi câu chuyện mà chúng tôi tự biết trách nhiệm của mình để xử sự cho phù hợp.Ai không muốn một chồng một vợ nhưng duyên số hết là hết. Chuyện đời vốn dĩ là vậy. Chín bỏ làm mười thì sẽ có được bình yên, hạnh phúc như mong muốn. Cuối đời có được gia đình bình yên, hạnh phúc thì đó là niềm vui lớn. 

* Xin cảm ơn chị!

 Thành Lâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI