Nghệ sĩ Hồng Đào: Tôi sẽ có lỗi nếu không hết mình với nghề diễn

21/08/2016 - 06:36

PNO - Không có vẻ đẹp rực rỡ của một minh tinh, nhưng Hồng Đào chinh phục khán giả bởi nụ cuời tỏa sáng, bởi đôi mắt “biết nói” và gương mặt sinh động, đầy biểu cảm.

Nghe si Hong Dao: Toi se co loi neu khong het minh voi nghe dien
Nghệ sĩ Hồng Đào

Nhắc đến diễn viên Hồng Đào, hẳn không ít khán giả của những năm 1980-1990 sẽ nhớ ngay gương mặt nữ “chuyên trị” vai diễn tính cách của nhiều vở diễn nổi tiếng thời bấy giờ: Cô chủ quán xinh đẹp, Sợi dây đay, Tôi chờ ông đạo diễn, Ngôi nhà thiếu đàn ông, Tình nghệ sĩ… Không có vẻ đẹp rực rỡ của một minh tinh, nhưng Hồng Đào chinh phục khán giả bởi nụ cuời tỏa sáng, bởi đôi mắt “biết nói” và gương mặt sinh động, đầy biểu cảm. Với tất cả những lợi thế đó, ngay từ khi còn là sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Hồng Đào đã tạo được sự chú ý đặc biệt trong lần đầu tiên nhận vai nữ chính Inga bên cạnh diễn viên Thành Lộc trong vở Đêm họa mi.

Inga - cô gái Đức bị ám ảnh bởi chiến tranh, luôn sống trong cảm giác mặc cảm, tự ti, được anh lính Xô viết cảm hóa để trở thành người tự tin và tràn đầy hy vọng đã “ghi tên” Hồng Đào vào danh sách gương mặt diễn viên nữ đầy triển vọng của sân khấu TP.HCM vào khoảng đầu những năm 1980. Được đánh giá là một trong những diễn viên thuộc “thế hệ vàng” của sân khấu kịch TP.HCM, nhưng khi tên tuổi đang ở đỉnh cao, chị khiến không ít fan hâm mộ hụt hẫng khi theo gia đình đi định cư ở nước ngoài. Không lâu sau ngày chia tay khán giả trong nước, một lần nữa Hồng Đào lại làm khán giả bất ngờ khi xuất hiện với một diện mạo hoàn toàn khác - diễn viên hài kịch bên cạnh bạn học và đồng nghiệp cũ - diễn viên Quang Minh.

Nghe si Hong Dao: Toi se co loi neu khong het minh voi nghe dien
Quang Minh và Hồng Đào là bạn diễn có“thâm niên” của nhau

* Hẳn chị đã phải mất ngủ nhiều đêm trước khi quyết định rời bỏ sân khấu (SK) khi đang ở đỉnh cao của nghề nghiệp?

- Đúng là tôi từng rất khó khăn khi phải lựa chọn: SK hay gia đình. Chỉ có điều, trong tâm trí của tôi khi ấy không mảy may bận tâm về sự nổi tiếng. Tôi đến với SK bằng đam mê, bằng khát khao được diễn, được sống với nhiều số phận tính cách nhân vật khác nhau. Giờ thì phải chọn lựa hoặc đam mê hoặc gia đình. Cuối cùng tôi đã chọn gia đình vì cho đến lúc đó, với tôi gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Bố mẹ tôi mong muốn lúc nào cha mẹ, con cái cũng bên nhau và tôi thì luôn mong muốn bố mẹ sẽ vui, hạnh phúc.

* Có vẻ như SK với chị là “duyên nợ”, chị lại tìm được mảnh đất để vùng vẫy khi đã đi xa hơn nửa vòng trái đất?

- Tôi rất may mắn khi được trở lại với SK chỉ sau một tuần sang Mỹ. Những cơ hội cứ liên tiếp mở ra sau đó. Không gì hạnh phúc bằng tôi lại được gắn bó với SK, với những vai diễn. Hạnh phúc hơn khi hơn hai mươi năm nay chúng tôi vẫn có một cuộc sống ổn định với thu nhập từ nghề diễn.

Nghe si Hong Dao: Toi se co loi neu khong het minh voi nghe dien

* Và không cần làm thêm một công việc nào khác ngoài nghề diễn?

- Ồ ngược lại, công việc khác ngoài nghề diễn thì có rất nhiều. Viết kịch bản, tổ chức biểu diễn, dàn dựng chương trình, may phông màn, chế tác đạo cụ, làm hậu đài… Nhưng nói chung vẫn là làm những việc loanh quanh… nghệ thuật.

* Làm hậu đài, may phông màn SK…? Nghe hình như không dính dáng gì đến chuyên môn của chị?

- Điều kiện làm nghề ở Mỹ rất khác. Để có thể gắn bó với nghề, không có cách nào khác là mình phải tự thích nghi. Để diễn đúng nhu cầu và gu thưởng thức của khán giả ở hải ngoại, tôi phải bắt đầu làm quen và học mọi thứ, từ văn hóa, suy nghĩ của khán giả đến lối diễn của bản thân… Ở Việt Nam, tôi chỉ diễn chính kịch nên không bao giờ dám nghĩ mình có thể trở thành diễn viên hài. Vượt qua khó khăn để thích nghi với môi trường SK mới và khán giả thì lại đụng phải khó khăn về kịch bản.

Nhờ tác giả ở Việt Nam viết sẽ khó phù hợp với đời sống, suy nghĩ của khán giả hải ngoại. Không còn cách nào khác, muốn có tiết mục thì mình đành phải làm tác giả. Tự tập, tự diễn, tôi kiêm nhiệm luôn việc đi tìm mua đạo cụ, phục trang cho các tiết mục. Đến khi tổ chức diễn kịch dài, để tiết kiệm chi phí, chúng tôi phải tự lo từ A-Z. Có khi vừa xong cảnh diễn, nước mắt còn nhạt nhòa, nhưng đèn SK tắt, tôi đã phải vội vàng “thoát vai” để phụ hậu đài chuyển cảnh. Nhiều khán giả cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi vẫn thấy tôi lang thang khu chợ đồ cũ để tìm mua những thứ cũ kỹ. Có lẽ không mấy người biết vì sao tôi hay đi “sưu tầm” những thứ rẻ tiền đó, trừ khi họ nhìn thấy nó trong các tiết mục, vở diễn trên SK hoặc được ghi hình lại sau đó.

Nghe si Hong Dao: Toi se co loi neu khong het minh voi nghe dien
Gia đình nhỏ của Hồng Đào - Quang Minh

* Ở Việt Nam, chị là một nghệ sĩ nổi tiếng, chỉ cần tập trung tập luyện thật tốt cho nhân vật của mình, mọi thứ sẽ có những bộ phận liên quan phục vụ tận nơi. Sang Mỹ, vừa làm diễn viên, vừa kiêm nhiệm đủ vai trò khác nhau, có bao giờ chị chạnh lòng?

- Chưa bao giờ. Trái lại tôi tìm thấy rất nhiều niềm vui từ những việc tưởng chừng rất nhỏ nhặt đó. Tìm được một đạo cụ ưng ý từ “kho đồ cũ” ngoài chợ, tôi có thể lâng lâng cả ngày. Đó cũng là cách để chăm chút cho nghề của mình đẹp hơn, tốt hơn và không làm gì sai, thì cớ gì mình phải nặng lòng? Bên cạnh đó, tôi luôn được sự hỗ trợ hết mình từ gia đình người thân. Vợ chồng đi diễn xa, các con còn nhỏ, ông bà ngoại tình nguyện làm người giữ trẻ. Tổ chức biểu diễn kịch dài, các con xung phong giúp bố mẹ soát vé. Suốt thời gian tập luyện tại nhà, mẹ tôi trở thành “chị nuôi” cho cả đoàn, sẵn sàng phục vụ các bữa ăn theo yêu cầu.

Luôn là những người theo sát để giúp tôi từ khi bắt đầu tập vở mới, nhưng bố mẹ chưa lần nào được xem tôi diễn trực tiếp trên SK, vì khi đó ông bà còn bận trông các cháu hoặc giúp tôi những việc không tên phía sau hậu trường. Luôn được gia đình ủng hộ như vậy, tôi nghĩ mình sẽ rất có lỗi nếu không dám dấn thân và nỗ lực tối đa cho nghề nghiệp.

* Cùng học một lớp ở trường SK, nhưng khi ra trường, mỗi người ở một đoàn kịch. Sang Mỹ định cư cách nhau bốn năm, người ở miền Bắc, người ở miền Nam nhưng vô tình gặp nhau ở trạm xăng giữa đường. Có vẻ như chị và anh Quang Minh là một cặp đôi “thiên duyên tiền định”?

- Chỉ có thể nói là “duyên nợ”. Duyên nợ “đẩy” chúng tôi cùng đi về một phía trong cùng một thời điểm và vô tình “chạm mặt nhau” ở một nơi không hề hẹn trước. Duyên nợ cho chúng tôi gặp lại nhau và trở thành người một nhà, nhưng cũng như tất cả những cặp vợ chồng bình thường khác, đời sống hôn nhân của chúng tôi cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Cũng vui buồn, hờn giận, cãi cọ... Nhất là thời gian đầu chung sống bởi vợ chồng tôi rất khắc khẩu. Nhưng đến một lúc nào đó, đã là vợ chồng thì không thể không nghĩ đến cái chung, đến hạnh phúc gia đình và con cái. Khi đó mỗi người sẽ tự biết điều chỉnh mình để nhường nhịn nhau... Anh Minh cũng là người rất biết chiều vợ con. Những lúc tôi ốm đau, anh tận tình chăm sóc. Khi tôi mệt, anh sẵn sàng tình nguyện lau nhà, rửa chén… để tôi nghỉ ngơi. Những điều tưởng rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày nhưng đủ sức để giữ hai người ở cạnh nhau. Quan trọng hơn, vợ chồng vẫn có thể làm cho nhau cười được thì vẫn còn “dính” được với nhau.

Chúng tôi còn có một lợi thế khác là cùng có chung một đam mê. Dù ngay cả khi bàn nhau làm kịch bản, dựng tiết mục… “khắc khẩu” cũng vẫn là “đặc sản” của hai vợ chồng, nhưng những “mối bất hòa” dễ được xoa dịu khi chúng tôi cùng nhau chia sẻ niềm vui khi làm tốt một vai diễn, một tiết mục hoặc những trăn trở khi vẫn chưa làm được điều mong muốn. Không ít lần, người này bị người kia dựng dậy lúc nửa đêm vì bất chợt nghĩ ra một ý tưởng thú vị để đưa vào kịch bản. Tất cả những điều đó như những chất xúc tác “kết dính” hai vợ chồng, giúp chúng tôi vượt qua những chặng khó khăn trong cuộc sống lẫn trong nghề nghiệp.

* Mới đây khán giả khá bất ngờ khi nghe chị tiết lộ trên truyền hình, ở nhà ông xã Quang Minh lo chuyện dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… còn chị phụ trách sửa điện, đóng ghế…?

- Tôi là người mạnh mẽ, lý trí. Ngược lại, anh Minh lại là người dễ xúc động và rất tỉ mỉ, chu đáo. Ngày con còn nhỏ, anh luôn giành việc tắm rửa cho con vì nghĩ chỉ có anh mới là người tắm rửa cho con tốt nhất. Khi con gái lớn xa nhà học đại học, bước vào phòng con, nhìn phòng trống trải, anh khóc ngon lành. Mấy ngày sau, khi con gọi điện về thăm gia đình, nghe giọng con, anh lại tiếp tục khóc. Sự khác biệt đó như hai cực của một thỏi nam châm, hút chúng tôi lại gần và bù trừ, hỗ trợ lẫn nhau.

* Ông xã Quang Minh từng thừa nhận so với anh, chị diễn giỏi và đa dạng hơn, nhiều khán giả cũng công nhận điều đó. Có bao giờ chị sợ anh chạnh lòng vì mặc cảm thua kém vợ?

- Vai diễn, SK chỉ là công việc. Nếu tôi có lợi thế hơn về diễn xuất thì anh lại tháo vát hơn trong việc tổ chức các tiết mục biểu diễn, làm việc, thương thảo với bầu show… Rời SK về nhà chúng tôi cũng như tất cả những gia đình khác. Cùng nhau chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái. Và mỗi người luôn được người còn lại tôn trọng để có những quyền quyết định riêng theo đúng vai trò là vợ hoặc chồng của mình. “Mặc cảm thua kém” là khái niệm chưa hề tồn tại trong gia đình.

* Từng có lúc các con xuất hiện cùng anh chị ở một số tiết mục biểu diễn; cô con gái lớn - Vicky vốn là một trong những thành viên tích cực của đội văn nghệ ở trường học, nhưng giờ Vicky lại chọn học ngành y - nha, chị không muốn cho con nối nghiệp cha mẹ?

- Từ bé Vicky rất mê đóng kịch và từng mơ ước sẽ lên New York học ở SK kịch Broadway. Tôi không ngăn cản cũng không khuyến khích, chỉ nói để con hiểu kiến thức quan trọng như thế nào trong cuộc sống, kể cả cuộc sống của một người nghệ sĩ. Tôi cũng đặt ra cho con thấy tất cả những tình huống, những cảm xúc mà con có thể sẽ phải đối mặt dù thành công hay thất bại khi thể hiện một vai diễn và quyết định theo đuổi con đường nghệ thuật. Cuối cùng cháu đã chọn một ngã rẽ khác. Dù không hẳn đã thích sự lựa chọn của con nhưng tôi vẫn để con tự quyết định tương lai.

* Gần đây chị xuất hiện khá nhiều ở các gameshow, anh vừa tham gia gameshow vừa đóng phim nhựa, anh chị sẽ trở về Việt Nam làm nghề lâu dài?

- Hiện tại chúng tôi vẫn đi đi về về vì còn một cháu nhỏ đang tuổi mới lớn và bố mẹ cũng đã lớn tuổi. Để tính chuyện lâu dài hơn có thể phải chờ thêm một thời gian nữa.

* Gameshow đang giết chết hoạt động SK ở TP.HCM, nhưng lần này chị về nước lại chỉ có mặt ở các gameshow?

- Lý do đầu tiên là vì tôi chỉ mới nhận được lời mời tham gia gameshow. Hơn nữa, đã 20 năm tôi mới có cơ hội được quay về hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam, quá nhiều thứ đã thay đổi nên với tôi tất cả đều rất mới mẻ, lạ lẫm, tôi cần phải học hỏi và thích nghi. Tham gia gameshow cũng là cách tôi kiểm tra lại điều gì thích hợp với mình, điều gì không. Tôi quan niệm, trong suốt cuộc đời làm diễn viên, phải dám chấp nhận những thử thách để xem mình hợp hay không? Khả năng của mình đến đâu? Điều mình thể hiện trên SK có còn phù hợp với tuổi tác? Và trong quá trình tự thử thách đó, ý kiến của khán giả rất quan trọng, giúp mình có những góc nhìn chính xác về thực lực của bản thân.

* Với quan niệm diễn hài là con đường ngắn nhất để đi đến thành công, được nhiều khán giả biết đến và có nhiều khả năng kiếm được nhiều tiền, đa số các diễn viên trẻ đang hướng sang diễn hài mà ít thích tham gia chính kịch. Chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang mơ ước trở thành nghệ sĩ hài?

- Hãy làm việc nghiêm túc, trang bị cho mình đầy đủ vốn kiến thức cơ bản để trở thành một diễn viên tốt trước khi nghĩ đến sự nổi tiếng hay tìm những con đường để nhanh nổi tiếng bằng mọi giá. So với diễn bi, diễn hài khó hơn rất nhiều. Ngoài duyên hài, diễn hài đòi hỏi diễn viên nhiều yếu tố khác như sự chân thật, cách sắp đặt những tình huống hợp lý… Dù là hài nhưng mọi sự khiên cưỡng sẽ không thể làm khán giả cười. Cũng đã qua rồi thời hài chỉ đơn thuần là tấu hài, hài hình thể. Khán giả xem hài kịch đã có những đòi hỏi khó tính hơn, họ muốn tìm kiếm những thông điệp phía sau tiếng cười và một cốt truyện hoàn chỉnh dù chỉ ở một tiểu phẩm hài.

* Cám ơn chị.

Thảo Vân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI