Ngán như chuyện duyệt phim

13/04/2013 - 00:29

PNO - PN - Câu chuyện kiểm duyệt phim lần nữa lại bùng lên quanh việc bộ phim Bụi đời Chợ Lớn phải dời ngày chiếu.

Ngan nhu chuyen duyet phim

Tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông sáng 9/4, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã thông báo ý kiến của Cục Điện ảnh về lý do bộ phim Bụi đời Chợ Lớn chưa được cấp phép. Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, nội dung phim phản ánh tình trạng “vô chính phủ” ở TP.HCM - không đúng với thực tế và có nhiều hình ảnh bạo lực phạm vào điều cấm của Luật Điện ảnh.

Theo như thông báo của Cục Điện ảnh, phim Bụi đời Chợ Lớn vi phạm những điều cấm quy định tại điểm 2, điều 11 Luật Điện ảnh và điều 9 Nghị định 54/2010/NĐ-CP. Phim được yêu cầu cắt bỏ những cảnh hai nhóm xã hội đen dùng dao, kiếm chém giết nhau hỗn loạn; cắt bỏ cảnh hai nam thanh niên làm tình.

Cục này cho rằng, các báo đã chỉ căn cứ vào thông cáo báo chí do đơn vị sản xuất cung cấp và phát biểu của một số nghệ sĩ tham gia làm phim để quy chụp cơ quan cấp phép khắt khe, cản trở sáng tạo của nghệ sĩ, gây nhiễu thông tin, khiến dư luận bức xúc.

Đây là lần đầu tiên việc kiểm duyệt phim trở nên lớn chuyện đến độ phải có sự can thiệp của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông trong việc định hướng báo chí.

Dù biết để xảy ra sự cố trên, lỗi trước hết thuộc về ê kíp sản xuất phim Bụi đời Chợ Lớn, họ đã không sửa chữa và bổ sung vào kịch bản một số nội dung trình thẩm định kịch bản trước khi đưa vào sản xuất theo công văn ngày 26/10/2012 của Cục gửi Công ty TNHH Chánh Phương.

Nhưng, câu chuyện đặt ra về sự thông thoáng trong công tác phân loại, dán nhãn phim và tạo tự do cho những người làm nghề sáng tạo là nhu cầu có thật. Bởi, rất khó để cân định những câu chữ như “không phù hợp với văn hóa phương Đông, thiếu thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực,…” như các lý do của những phim bị cắt vẫn gặp.

Muốn điện ảnh Việt hội nhập được với thế giới, trước hết cần sự hội nhập của những người làm quản lý và của những văn bản chính sách. Không thể cứ đưa những ngôn từ chung chung vào luật để rồi cùng nhau suy diễn, cân nhắc mỗi khi duyệt phim. Như thế, những nhà làm phim sẽ rất đau tim khi đưa phim của mình cho Hội đồng thẩm định duyệt.

Chính sách kiểm duyệt phim ở ta đi sau các nước rất nhiều. Ở các nước, người ta chỉ làm công tác hậu kiểm. Tức là không duyệt kịch bản phim trước khi đưa vào sản xuất. Luật Điện ảnh chỉ quy định những điểm cấm hết sức rõ ràng mà các nhà làm phim phải tránh tuyệt đối.

Nếu không vi phạm những điểm cấm trên, phim làm ra sẽ không phải bị cắt gọt hay cấm chiếu, ngay cả khi nó bị cho là phân biệt chủng tộc, phỉ báng tôn giáo hay bạo lực, kích động… Người ta giải quyết chuyện này bằng cách phân loại phim theo độ tuổi, kèm lời cảnh báo về nội dung có thể gây ảnh hưởng đến người xem.

Có lẽ đã đến lúc nên có sự đối thoại rõ ràng giữa cơ quan kiểm duyệt và những người làm phim, phát hành phim để tìm tiếng nói chung. Trong bối cảnh nền điện ảnh thương mại nước nhà còn yếu, thiết nghĩ cơ quan quản lý nên có sự chủ động tháo gỡ những khúc mắc trong chính sách quản lý để dẹp bỏ những rào cản sẽ bóp nghẹt nền điện ảnh non trẻ đang trên đà phát triển của nước nhà.

M.I.N.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI