Năm mới - lối thoát nào cho thị trường giải trí?

02/01/2016 - 08:48

PNO - Ca nhạc, phim ảnh và sân khấu - ba mảng giải trí trí nổi bật đã khép lại năm 2015 vui ít, buồn nhiều.

Bước sang năm 2016, các nhà làm phim cố gắng tiếp tục phát huy sức bật cả về lượng lẫn chất. Với ca nhạc và sân khấu - hai lĩnh vực có nhiều nốt trầm, người trong cuộc nỗ lực tìm lối thoát để vực dậy tình trạng suy thoái.

Phim Việt cạnh tranh chính mình

Nam moi - loi thoat nao cho thi truong giai tri?
Cảnh trong phim Fan Cuồng - hứa hẹn sẽ là một trong những phim đình đám trong năm 2016

Năm 2015 đánh dấu sự khởi sắc của điện ảnh VN khi có đến 40 phim được phát hành - một con số kỷ lục (tuy vậy, so với 170 phim ngoại ra rạp, lượng phim Việt còn khá khiêm tốn). Đây là năm được mùa doanh thu của phim Việt.

Nếu như các năm trước, mốc 40-50 tỷ là trong mơ đối với các nhà làm phim, rất ít phim đạt được, thì năm nay có đến sáu phim thu từ 60-80 tỷ đồng, trong đó cao nhất là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với 80 tỷ đồng.

Đáng mừng hơn, vài phim còn vượt qua doanh thu “bom tấn” nước ngoài chiếu cùng thời điểm. Em là bà nội của anh (ELBNCA) ra mắt trước siêu phẩm Star War một tuần nhưng trong khi Star War gây sốt hầu như khắp toàn cầu thì tại VN, tiền bán vé của Star War ít hơn hẳn ELBNCA. Hiện ELBNCA đã thu 66 tỷ đồng.

Sức tăng trưởng của thị trường điện ảnh nước nhà thể hiện qua doanh thu phim Việt ngày càng tăng và số cụm rạp mở mới ngày càng nhiều (hiện cả nước có 140 rạp) đã kích thích các nhà làm phim hăng hái tăng tốc sản xuất.

2016 dự báo sẽ là năm bùng nổ lượng phim Việt khi rất nhiều nhà sản xuất, đạo diễn “ngoại đạo” hoặc những Việt kiều có chuyên môn về nước cùng nhập cuộc. Phim Việt giờ đây không chỉ đua với phim ngoại mà còn cạnh tranh nhau.

Nhà sản xuất - đạo diễn Lý Hải - người thắng lớn trong năm qua khi phim Lật mặt của anh thu 70 tỷ đồng, nhận định: “Dự báo năm nay, lượng phim Việt ra rạp sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015. Năm qua, nhiều phim đạt doanh thu rất cao nên người ngoài nhìn vào cứ nghĩ làm phim chiếu rạp dễ ăn, nhiều đơn vị sản xuất phim truyền hình cũng nhảy vào khi phim truyền hình bắt đầu gặp khó, mà không biết rằng sân chơi này không dễ nuốt bởi đâu nhà sản xuất nào dám thừa nhận phim mình lỗ. Hiện kinh phí trung bình đầu tư cho mỗi phim chiếu rạp khoảng sáu-bảy tỷ đồng/ phim, rất ít phim chi hơn 10 tỷ đồng. Kinh phí cũng phản ánh phần nào chất lượng phim nên dự đoá n năm nay phim Việt sẽ xảy ra tình trạng lượng nhiều chất ít. Có lẽ phải qua hết năm 2016, thị trường mới sàng lọc lại những nhà sản xuất phim có chất lượng”.

Ca nhạc - những giải pháp khả thi

Nam moi - loi thoat nao cho thi truong giai tri?
Cẩm Ly trong liveshow Tự tình quê hương

Chỉ có hai liveshow ca nhạc trong năm 2015 ở TP.HCM, đó là Lệ Quyên - Vũ Thành An (tháng Tám) và Tự tình quê hương của ca sĩ Cẩm Ly (tháng Năm), diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình. Đây là dạng liveshow đúng nghĩa với hình thức biểu diễn sân khấu và đo lường khán giả bằng doanh thu bán vé.

Thực tế, năm qua, TP.HCM có khá nhiều liveshow cá nhân lẫn liveshow tập hợp nhiều ca sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, chuyện khán giả bỏ tiền mua vé để thưởng thức âm nhạc không đáng kể, bởi đây hầu hết là những liveshow có tài trợ, hoặc là những đêm nhạc do các nhãn hàng tổ chức.

Chuyện các sân khấu ca nhạc hiu hắt, các bầu sô không còn hào hứng tổ chức liveshow không mới, nhưng 2015 là năm mà tình hình tụt giảm gần như “chạm đáy” tại thị trường TP.HCM.

“Tình trạng này không phải do khán giả gây nên, mà do chính các nhà tổ chức. Hãy tự hỏi vì sao khán giả ngày nay chi tiền cho nhu cầu giải trí rất mạnh, nhưng họ vẫn không bỏ tiền mua vé xem ca nhạc. Chính do việc chụp giật của các nhà tổ chức đã làm mọi thứ như thế”, ông bầu Quang Huy (Giám đốc Công ty WePro) cho biết.

Ông bầu Hoàng Tuấn (Giám đốc Công ty HT Production) thì cho rằng khán giả cần phân biệt rạch ròi giữa chương trình có tài trợ và chương trình do nhà tài trợ tổ chức: “Nhiều nhãn hàng bỏ tiền và mời ca sĩ hát, mục đích là để quảng bá nhãn hàng nên chương trình làm gì có tính nghệ thuật”.

Dẫu vậy, ông Hoàng Tuấn lẫn ông bầu - nhạc sĩ Minh Vy đều cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự “nở nồi” của truyền hình thực tế (THTT), gameshow ca nhạc. Sự “nở nồi” này dẫn đến ca sĩ - nghệ sĩ xuất hiện khắp nơi.

“Nếu mở kênh nào cũng có thể xem thần tượng hát, thường xuyên được xem thần tượng biểu diễn miễn phí thì khán giả sẽ ngán. Không đâu như VN, ca sĩ cứ xuất hiện tràn lan. Khán giả “đói” thì khán giả mới đến sân khấu”, ông bầu Hoàng Tuấn nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI