Mỹ nhân nhạt nhòa dấu ấn sáng tạo

14/11/2015 - 07:44

PNO - Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, niềm tin vào dòng phim Nhà nước vừa nhen nhóm, thì bộ phim Mỹ nhân lại khiến công chúng tỉnh mộng.

Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, khi niềm tin vào dòng phim Nhà nước đặt hàng vừa nhen nhóm, thì sự xuất hiện của bộ phim Mỹ nhân (Hãng phim Giải Phóng sản xuất, đạo diễn Đinh Thái Thụy) lại khiến công chúng tỉnh mộng rằng mình đã tin hơi sớm.

Biết là thể loại lịch sử, cổ trang rất "khó nhằn" với các nhà làm phim nhưng với sản phẩm được Nhà nước đầu tư, thì chất lượng phải ngang bằng hoặc hơn những tác phẩm cổ trang do tư nhân làm như Khát vọng Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng là đòi hỏi không hề quá đáng. Thế nhưng Mỹ nhân lại một lần nữa cho thấy cái bắt tay giữa Nhà nước với một hãng phim Nhà nước không đem lại hiệu quả cao như khi Nhà nước phối hợp với đơn vị tư nhân.

Kịch bản của Mỹ nhân có nhiều yếu tố để tạo nên một bộ phim hấp dẫn: chính trị, tình yêu, âm mưu, phản bội. Đó là những cuộc chiến tranh quyền đoạt vị nơi triều đình, những cuộc phiêu lưu tình ái giữa người đẹp và các bậc đế vương chốn cung cấm, tất cả đều từ những sự kiện lịch sử có thật đủ làm người xem tò mò.

Khán giả muốn biết sự kiện ba tàu chiến của công ty Đông Ấn Hà Lan tiến vào cửa Thuận An định đánh chúa Nguyễn nhưng bị thế tử Nguyễn Phúc Tần đánh tan tác đến mức viên thuyền trưởng Pieter Baek của tàu đô đốc Wijdenes phải châm lửa vào kho thuốc súng, tự đốt cháy tàu như thế nào.

Hay sự kiện Nguyễn Phúc Tần cùng vua cha Nguyễn Phúc Lan ra Quảng Bình đánh úp quân Trịnh lúc nửa đêm ra sao. Rồi chuyện Nguyễn Phúc Trung đã tập hợp vây cánh làm một cuộc nổi loạn kéo vào cung tìm giết Phúc Tần, cháu ruột của mình, nhưng thất bại.

Những câu chuyện này được đưa vào phim nhưng đáng tiếc các cảnh chiến đấu không đủ ấn tượng, hoành tráng để phản ánh đúng tầm vóc của sự kiện. Cảnh đối đầu trên biển giữa phía chúa Nguyễn Phúc Tần và các tàu nước ngoài được tái hiện sơ sài, không thể lột tả tính chất khốc liệt của trận chiến.

Đại cảnh quân Trịnh - Nguyễn giáp lá cà tuy phô diễn được lực lượng hùng hậu nhưng thời lượng khá hạn chế, nếu đầu tư kỹ sẽ có những trường đoạn hành động đẹp mắt, thỏa mãn thị giác người xem.

Cách dàn dựng những tình tiết “đinh” như vậy phần nào thể hiện kinh phí có lẽ không nhỏ, dù con số đầu tư cho Mỹ nhân không được tiết lộ. Phim cổ trang tốn kém là lẽ đương nhiên nhưng một khi Nhà nước đã đầu tư, phải làm sao cho xứng tầm.

Bối cảnh trong phim thời chúa Nguyễn Phúc Lan đến Nguyễn Phúc Tần nắm ngôi là giai đoạn Đàng Trong thịnh vượng nhưng quang cảnh triều đình khiêm tốn từ không gian đến số quan lại hiện diện.

Phòng làm việc của chúa nhỏ hẹp, nhìn ngỡ như gian phòng của nhà quan hơn là của người đứng đầu thiên hạ. Xem cảnh họp triều, thấy ngoài nhân vật Nguyễn Phúc Trung có miếng bổ tử trên phẩm phục thêu hình sai, phải dùng kỹ xảo khắc phục, còn có thêm vài ba nhân vật khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Tên phim là Mỹ nhân nhưng thời lượng nhấn vào câu chuyện về hai người phụ nữ có nhan sắc làm điên đảo cả triều đình là Tống Thị và Thị Thừa chưa đậm. Thị Thừa là nhân vật nữ chính của phim nhưng được miêu tả khá nhạt nhòa, chưa đủ để người xem cảm nhận đây là mỹ nhân làm điêu đứng giang sơn, khiến chúa Nguyễn mê muội mà sợ hãi phải ra lệnh giết chết.

My nhan nhat nhoa dau an sang tao
Hoa hậu Triệu Thị Hà phù hợp với hình tượng mong manh, trong sáng của Thị Thừa, nhưng nhân vật được miêu tả khá nhạt nhòa

Lần đầu tiên đóng phim, hoa hậu Triệu Thị Hà thể hiện sự cố gắng khi hoàn thành khá tròn vai, kể cả trong những cảnh “nóng”. Nhân vật nữ quan trọng còn lại của phim Tống Thị qua hóa thân của Kim Hiền toát ra được chất xảo quyệt nhưng thật tiếc khi diễn xuất của cô hơi cường điệu, nhất là ở những đoạn thể hiện sự giận dữ khi đánh con, khi sắp sửa bị đem ra xử tử…

Mỹ nhân được làm bằng tâm huyết của ê kíp mà đứng đầu là đạo diễn Đinh Thái Thụy, thấy rõ nhất trong việc khai thác những cảnh “nóng” rất khéo léo và đẹp. Nhưng để cho ra một tác phẩm điện ảnh lịch sử đáng đồng tiền đầu tư của Nhà nước, chỉ tâm huyết thôi chưa đủ.

Khán giả xem phim truyện lịch sử không muốn thấy một tác phẩm mang tính minh họa lịch sử mà phải có những chi tiết mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của người làm. Có như vậy, khán giả mới không ngán dòng phim này.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI