Một người phụ nữ đã 'Mở ra cánh cửa'

10/03/2018 - 06:30

PNO - Tác giả Isabelle Müller có cha người Pháp, mẹ người Việt, hiện sống tại Đức, đã hóa thân vào ngôi thứ nhất, xưng “tôi” khi viết về cuộc đời của người mẹ.

“Nếu thế giới ngoài kia không còn muốn lắng nghe ta, ta hãy xây dựng một thế giới cho riêng mình và hãy cầu nguyện để đừng một kẻ nào có thể hủy hoại nó”. Đây cũng là cách mở ra cánh cửa khác khi thế giới ta phải đối diện xám xịt, mờ mịt phía tương lai. Đó là chủ đề xuyên suốt của tập sách (nguyên bản Loan - Aus dem Leben eines Phönix), Trương Hồng Quang dịch, nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Mot nguoi phu nu da 'Mo ra canh cua'

Tác giả và bà Trương Mỹ Hoa

Tác giả Isabelle Müller có cha người Pháp, mẹ người Việt, hiện sống tại Đức, đã hóa thân vào ngôi thứ nhất, xưng “tôi” khi viết về cuộc đời của người mẹ. Bà tên thật là Đậu Thị Cúc, sinh năm 1929, ở làng quê Hà Tĩnh. Sau khi đứa con đầu đời tên Loan mất đi, bà đã lấy tên con như một ngụ ý “để con chim phượng hoàng vẫn tiếp tục sống”. Isabelle Müller và Loan là chị em cùng mẹ khác cha. Isabelle viết vì lòng ngưỡng mộ: “Mẹ là hiện thân từng bị thiêu cháy nhiều lần và mỗi lần lại trỗi dậy từ đám tro tàn”.

Tác giả Isabelle Müller:

Bằng cách viết lại câu chuyện của mẹ và nhà xuất bảnTrẻ xuất bản cuốn sách tại Việt Nam, tôi đã có thể đưa mẹ về quê hương, về lại nhà của bà. Nhiều chi tiết trong tập sách này rất có ý nghĩa đối với tôi. Khi bị tai nạn, tàn phế, bà không muốn sống nữa, nhưng một chị bạn khuyên “không được phép chết” vì: “Em phải tiếp tục sống để một ngày nào đó kể lại cho thế giới câu chuyện của đời mình”. Mẹ tôi đã làm được điều đó.

Do quan niệm lạc hậu thời ấy, bà Loan không được đến trường. Lần nọ, nhân lúc người anh đi học, Loan tò mò lấy vở của anh mở ra xem, nào ngờ bị người anh bắt gặp: “Anh lôi tôi xềnh xệch từ gầm bàn. Cầm chiếc hèo tre của bố trên tay, anh quật như điên dại vào người tôi và khi tôi khuỵu xuống dưới những cú đánh, anh dùng cả hai chân đá tôi, lúc đầu vào bụng, sau đó vào sườn, lưng và cuối cùng là vào mặt. Tôi không tìm cách bỏ chạy và giữ thế bất động, với hy vọng cơn khùng của anh sẽ chóng trôi qua. Nhưng anh ta không hề ngưng, rốt cuộc tôi bất tỉnh”.

Sợ phải làm vợ lúc mới 12 tuổi để cha được nhận thửa ruộng, Loan bỏ trốn. Sau vì nhớ mẹ, nhớ em, bà quay về nhà: “Không nói một lời, anh ta đấm thẳng vào mặt tôi, cú đấm mạnh tới mức tôi ngã gục xuống đất. Như bố đã làm ngày trước, anh cả buộc tóc tôi vào chân giường, giật phăng chiếc áo mỏng khỏi lưng tôi trước khi đi lấy chiếc hèo tre. Sau đó, anh ta đánh tôi 
tóe máu”.

Người anh ấy tên gì, bà không nói. Cả người cô ruột bà từng ở chung nhà trên bước đường kiếm sống cũng vậy. Một ngày đẹp trời, người cô “đưa cho tôi một chiếc váy nhung đỏ ngắn tay tuyệt đẹp và một đôi hài màu bạc. Chưa bao giờ tôi được ăn mặc đẹp như vậy”. Ấy là ngày người cô dẫn đứa cháu 13 tuổi đi… bán cho nhà thổ.

Mot nguoi phu nu da 'Mo ra canh cua'

Số phận kỳ lạ, vài chục năm sau, tại Sài Gòn, tháng 10/1955, lúc Loan sang Pháp định cư với chồng - một chuyến đi khiến biết bao người thuở ấy thèm thuồng, khao khát - thì lại gặp người cô đó. “Ông trời có ý định gì đây nhỉ? Tại sao chính người đàn bà độc ác lại là nhân chứng cho chuyến ra đi của tôi? Hay là một hình phạt đối với bà khi nhìn thấy tôi trên con tàu này, ra đi đến với tự do, trong khi bà phải ở lại đây? Tôi không bao giờ tìm được câu trả lời”.

Có những sự việc, nếu không là người trong cuộc, có lẽ lúc kể lại sẽ chẳng ai tin. Lúc đang ngơ ngác trong nhà thổ chờ người cô bước vào trong ngã giá, Loan được các cô gái cùng cảnh ngộ giục chạy trốn, và Loan làm theo. Lần khác, ông chủ nhà sai đi pha cà phê, giữa lúc “Đạn súng máy vãi như mưa xuống mái nhà của chúng tôi. Với ý tưởng rằng, mình sẽ chết ngay tại chỗ, tôi chạy xuống bếp, giữa làn đạn chết chóc bay chíu chíu ở xung quanh”. Dù sợ hãi, Loan cũng phải làm theo lệnh. Lúc Loan bưng cốc cà phê lên, ông chủ đã trúng đạn chết.

Cuộc đời ly kỳ của Loan đã trải qua nhiều biến cố từ các tỉnh miền Bắc vào đến Sài Gòn. Có lúc đối mặt với tai ương, kể cả tù tội, cận kề cái chết, tưởng chừng như gục ngã, nhưng bà vẫn phải đứng dậy. “Điều gì đã thôi thúc tôi? Hy vọng. Hy vọng cho những kẻ bị xua đuổi, bị ruồng bỏ, cho những kẻ cô đơn và những người có đức tin. Hy vọng sẽ để lại một hành trang kinh nghiệm cho các con tôi trên đường đời: rằng chúng ta sẽ xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn so với thế giới mà tôi đã từng biết đến; sẽ đạt thành quả mà tôi không có được”.

Khi đọc Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng, tôi nhớ những câu thơ của Diệp Minh Tuyền: “Nghĩa trang chiều như thư viện mênh mông/ Mỗi ngôi mộ dày như một pho tiểu thuyết…/ Gắng làm sao cho khi ta chấm hết/ Mỗi cuộc đời là một quyển sách hay”. Vâng, Loan là một quyển sách hay. Và quỹ Loan do bà Isabelle Müller lập từ năm 2016 chuyên hỗ trợ cho trẻ em dân tộc thiểu số ở miền Bắc nước ta. 

Bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam):

Loan - một phụ nữ bình thường đã làm được nhiều việc phi thường. Khi tham dự chương trình Bước qua cánh cửa do Hội LHPN TP.HCM, Báo Phụ Nữ TP.HCM cùng HTV thực hiện, tôi đã nghĩ Loan cũng chính là một trong những người phụ nữ tiêu biểu đã bước qua cánh cửa, đã vượt lên chính mình trong cuộc chiến gay go, không cân sức. Cuối cùng, bằng nghị lực họ đã đạt được điều mình ước mơ, mong muốn ở một thế giới tốt đẹp hơn.


Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI