Một cảnh không có trên phim… nhưng có ngoài đời thực

24/12/2018 - 14:00

PNO - Có thể nói, đây là một trong những truyện xúc động nhất, hay nhất của Hồ Huy Sơn trong tập truyện ngắn vừa ra mắt: 'Một cảnh không có trên phim' (nhà xuất bản Phụ Nữ vừa ấn hành).

“Sau đám tang, tôi ra ngồi một mình ngoài đồng. Gió đồng thổi mơn man. Sóng lúa xanh chạy dài mênh mang. Chú Xuyện đã thanh thản ra đi. Người không để lại một lời trăn trối nào cả. Có lẽ sợi dây vô hình ngày nào không còn ràng buộc được chú nữa. Và chú phải đi” - những dòng này trên bìa bốn tác phẩm, trích từ truyện Thả chim về trời thu hút tôi.

Có thể nói, đây là một trong những truyện xúc động nhất, hay nhất của Hồ Huy Sơn trong tập truyện ngắn vừa ra mắt: Một cảnh không có trên phim (nhà xuất bản Phụ Nữ vừa ấn hành).

Mot canh khong co tren phim… nhung co ngoai doi thuc

Mạch truyện nhẹ nhàng nhưng lại khiến người đọc thấy day dứt, bùi ngùi. Thả chim về trời chạm đến cái gọi là “thân phận con người” với những rung cảm đẫm chất văn chương. Chú Xuyện ở một ngôi làng xa xôi nào đó vì tin lời người ta mà vô tình trở thành kẻ buôn người. Vì muốn giúp trai làng đi làm công nhân ổn định, đổi đời nhưng không ngờ lại tiếp tay cho kẻ xấu, đẩy họ vào làm việc ở bãi vàng.

Khi mọi chuyện vỡ lở, chú Xuyện trở thành tội đồ, mất sự tín nhiệm của người làng, mất cả người thân yêu. Chỉ sau một đêm, chú trở thành “người không ra người ngợm không ra ngợm”. Mỗi năm mùa xuân về, chú cứ đi bẫy chim én rồi thả về trời, cô đơn đến nghẹn lời. Cho đến lúc chú lìa đời, chỉ để lại một nỗi thương không thành tiếng trong lòng đứa trẻ năm nào bây giờ đã là một chàng trai…

Hồ Huy Sơn nói: “Trước khi chuyển đến sống ở các đô thị, tôi có gần 20 năm lớn lên ở quê. Tôi thấy rằng, thực tế làng quê Việt Nam đang thay đổi và đó chính là mảnh đất màu mỡ cho văn chương. So với một số bạn viết sinh ra ở thành thị, tôi cho rằng trải nghiệm ở thôn quê là một thế mạnh của mình”. Tôi chia sẻ được đều này và thấy điều đó hoàn toàn đúng. Không gian làng quê thoáng đãng, với biết bao thân phận và những ngã rẽ, bi kịch. Thế hệ 8x “đời giữa” (sinh năm 1985) như tôi và Sơn lớn lên giữa buổi giao thời, giữa những cuộc chuyển thế hệ và cả đổi thay về kinh tế, văn hóa xã hội.

Trang viết của những cây bút 8x từng sống ở thôn quê cũng vì thế mà sâu thẳm. Ở Một cảnh không có trên phim, có sự pha trộn giữa phận người quê và cuộc sống đô thị. Truyện của Sơn ít kịch tính, không có bi kịch lên đến đỉnh điểm. Hầu hết là những lát cắt của đời sống được ghi nhận và phát triển tình huống theo tư tưởng của nhà văn. Những cái kết thường ngọt ngào, có hậu.

Cũng có những cái kết gây bất ngờ cho người đọc, để lại nhiều suy ngẫm và ấn tượng sâu. Trong văn chương, tạo ra được những chi tiết đắt đủ để người đọc nhớ lâu cũng là thành công của người viết. Với tác phẩm mới này, Hồ Huy Sơn ít nhiều đã làm được điều đó.

Mỗi người viết có riêng một vùng đất - một không gian để sáng tác. Tôi đọc Sơn từ những tác phẩm đầu tiên, nhìn thấy sự trưởng thành của một người viết trẻ. Đến thời điểm này, đọc qua hết những câu chuyện trong Một cảnh không có trên phim (với 16 truyện ngắn) tôi vẫn mong chờ Hồ Huy Sơn tiếp tục phát huy hết thế mạnh của mình. Đó là kể những câu chuyện từ không gian làng quê, từ những trải nghiệm và cảm nhận. Để những tác phẩm sau sẽ có được một tiếng vọng dài và ngân sâu hơn nữa. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI