Một buổi chiếu phim đặc biệt

22/01/2018 - 07:53

PNO - Nếu như ở nước ngoài, chuyện chiếu phim cho người mù xem không còn lạ thì ở Việt Nam, mô hình này chỉ mới xuất hiện ở Cinestar.

9g ngày 18/1, nhiều chiếc Grabcar, Uber đỗ xịch trước cửa cụm rạp Cinestar Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM). Từng tốp người bước xuống, đặt tay lên vai nhau, chân dọ dẫm bước lên bậc tam cấp, lần lượt tiến vào phòng chiếu, bàn tay lần mò từng hàng ghế, chậm chạp ngồi vào đúng chỗ. 

Ai cũng háo hức vì sắp được thưởng thức những thước phim hoạt hình vui nhộn bên bịch bắp rang thơm phức và ly nước ngọt mát lạnh. Một khán giả hí hửng khi phát hiện “cái ghế này nhún được nè”. Thế là những người ngồi cạnh cũng lao nhao, ngả người thử độ êm của ghế. Tiếng nói cười vang lên rộn rã.

Mot buoi chieu phim dac biet

Buổi chiếu phim đặc biệt, ngày 18/1, tại Cinestar

Phải mất hơn 30 phút các nhân viên mới ổn định được họ để buổi chiếu bắt đầu. Khác với những buổi chiếu phim thông thường - khán phòng thường lặng im, chỉ nghe tiếng nhân vật; trong buổi chiếu này, ngoài âm thanh của phim còn có giọng thuyết minh mô tả những gì đang diễn ra trên màn ảnh.

Đó là những gì diễn ra trong buổi chiếu phim Paddington 2 dành cho học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - một hoạt động cộng đồng định kỳ mà cụm rạp Cinestar triển khai từ năm 2016. Cô bé Phương Uyên, 15 tuổi, học sinh lớp Tám của trường, khoe: “Con được đi nhiều buổi chiếu phim như vầy rồi. Con đã xem Kungfu panda, Cậu bé rừng xanh. Con vui và thích lắm”.

Nếu như ở nước ngoài, chuyện chiếu phim cho người mù xem không còn lạ thì ở Việt Nam, mô hình này chỉ mới xuất hiện ở Cinestar. Ý tưởng tổ chức các suất chiếu phim dành cho trẻ em khuyết tật xuất phát từ vợ chồng anh Ái và chị Hằng - chủ rạp Cinestar - vốn từng tham gia chương trình sách nói cho người mù của Trường Nguyễn Đình Chiểu. Mọi chi phí - từ tiền bắp, nước, thuê người thuyết minh đều do rạp chi trả.

Trả lời về những khó khăn khi thực hiện chương trình này, anh Trần Quang - Phó tổng giám đốc Cinestar - bày tỏ mong muốn các đơn vị phát hành phim có chế độ riêng cho các suất chiếu dạng này, bởi hiện nay rạp vẫn phải trả phí như một suất chiếu thương mại bình thường.

Nhìn những khán giả nhí hồn nhiên, háo hức nối đuôi nhau bước theo hướng dẫn của cô giáo - tình nguyện viên,  khó ai ngăn nổi xúc động trước những gì số phận buộc các em gánh chịu. Diễn viên lồng tiếng Nhất Duy (con trai diễn viên Công Hậu) - người gắn bó với việc thuyết minh phim trong các buổi chiếu cho người mù - từng bật khóc trong lần đầu đảm nhận công việc đặc biệt này: “Thương các em lắm. Các bé rất lanh lợi, ngoan. Sau mấy lần thuyết minh, giờ chỉ cần tôi cất tiếng là mấy bé nhận ra liền”.

Phim ảnh ngày nay không còn là thú giải trí xa xỉ đối với nhiều người, nhưng với những em khuyết tật, kém may mắn, được ra rạp xem phim vẫn là mơ ước lớn, đặc biệt đối với những trẻ mất thị lực bẩm sinh. Ước mơ đó đã thành hiện thực nhờ những con tim biết chia sẻ với cộng đồng. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI