#Metoo sẽ chỉ là đốm tàn tại Việt Nam?

10/05/2018 - 11:00

PNO - Tại Mỹ, Hàn Quốc, #Metoo đã bùng nổ thành phong trào có sức ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam lại có nhiều nguyên nhân khiến phong sự kiện này có khả năng bị “chìm xuồng” khi mọi việc vẫn chưa đi đến đâu.

#Metoo: Khán giả Việt ném đá nạn nhân

Những ngày tháng 4/2018, làng giải trí Việt xôn xao với thông tin vũ công Phạm Lịch “tố” ca sĩ Phạm Anh Khoa gạ tình. Sự việc chưa kịp dịu xuống thì vũ công Nga My tiếp tục lên tiếng khi từng bị ca sĩ trên gạ gẫm. 

Mới đây, Phương Trinh Jolie cho biết từ thuở học phổ thông đã từng bị thầy giáo quấy rối. Nữ ca sĩ cũng tiết lộ từng nhận được những lời mời gọi đổi chác để có được giải thưởng, danh tiếng và sự thăng tiến nhanh chóng trong làng giải trí.

Trước những ồn ào của Phạm Lịch và Phạm Anh Khoa, ca sĩ Tóc Tiên cũng bày tỏ sơ lược về những gì cô từng gặp phải: “Lạm dụng tình dục trong giới showbiz là hoàn toàn hiện hữu. Tôi vào nghề từ rất bé, không thiếu những lời mời có cánh hay những ánh mắt như soi xuyên thấu trang phục mình đang mặc”.          

#Metoo se chi la dom tan tai Viet Nam?
Việc Phạm Lịch tố Phạm Anh Khoa gạ tình gây xôn xao dư luận trong thời gian qua

Ngọc Lan, Khánh Hiền, Võ Hạ Trâm, Pha Lê… là những nghệ sĩ nữ cũng từng lên tiếng chia sẻ việc bị gạ gẫm, quấy rối hay bị tấn công tình dục. Con số ít ỏi này dường như vẫn chưa phản ánh được hết những góc tối của showbiz Việt. Tuy nhiên, đây cũng là những tín hiệu đầu tiên cho thấy #Metoo đang dần bùng lên tại Việt Nam.

Nhưng chuyện gạ tình, quấy rối tình dục không quá mới mẻ với showbiz Việt. Nhiều năm về trước khi một số nghệ sĩ trẻ lên tiếng tố đích danh Minh Béo, dư luận đã ồn ào một thời gian.

Giữa năm 2017, cư dân mạng truyền tay nhau hình ảnh nhạy cảm cùng loạt tin nhắn được cho là của đạo diễn Phạm Nguyên Bắc gạ các cô gái tham gia phim hài có cảnh nóng. Trong những đoạn tin nhắn được cho là của Phạm Nguyên Bắc, nam đạo diễn khuyên các cô gái nên đóng cảnh nóng để mau nổi tiếng và chủ động hẹn gặp để hướng dẫn ở nơi vắng vẻ. Tuy nhiên, với sự im lặng của Phạm Nguyên Bắc, vụ việc ồn ào này cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.      

#Metoo se chi la dom tan tai Viet Nam?
Minh Béo bị bắt vào năm 2016 tại Mỹ vì có hành vi gạ tình, quấy rối trẻ vị thành niên

#Metoo đã thực sự đến Việt Nam, nhưng lẽ ra cần sớm hơn hiện tại rất nhiều, nhưng lại cho thấy dấu hiệu "chết yểu" ngay từ khi bắt đầu. 

Suốt những ngày sau công khai việc bị Phạm Anh Khoa gạ tình, nữ vũ công Phạm Lịch phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận. Thậm chí, có ý kiến còn đặt vấn đề cô ấy phải như thế nào mới bị gạ tình hoặc cho rằng Phạm Lịch đang cố tình đạp lên danh dự của người khác để đánh bóng tên tuổi sau nhiều năm hoạt động nhưng không mấy nổi bật.

Dư luận dễ dàng hoài nghi, đặt người ở thế yếu vào trong những tình huống bất lợi. Trong khi đó, khán giả lại bênh vực thần tượng vô tội vạ, đến nỗi Phạm Lịch phải cầu cứu khi có quá nhiều tin nhắn đả kích, đe doạ cô. Phạm Anh Khoa vẫn thản nhiên giữ im lặng.

Trước khi bị bắt tại Mỹ, đã có khoảng 6 ca sĩ, diễn viên trẻ lên tiếng “tố” Minh Béo gạ tình, lợi dụng công việc để sàm sỡ hoặc có những hành vi không đứng đắn. Nhưng lòng tin của dư luận lại không đặt ở các nạn nhân, mà cho rằng có thể họ bám vào tên tuổi của Minh Béo để được chú ý. Nếu không bị bắt tại Mỹ, chắc chắn những việc làm trong bóng tối của Minh Béo vẫn được nguỵ trang với cái mác quá hoàn hảo bên ngoài. Thậm chí, đây sẽ vẫn là cái tên sáng giá của làng hài Việt.

Việc các nghệ sĩ lên tiếng liên quan đến những bê bối tình dục lại vô hình trung khiến hình ảnh của họ bị ảnh hưởng tiêu cực, dù là nạn nhân. Họ bị soi xét, cười chê nhiều hơn là cảm thông, chia sẻ. Giữa được và mất, họ có xu hướng chọn cách im lặng hoặc để sự việc chìm vào quên lãng nhằm bảo vệ hình ảnh.

Trong khi đó tại Mỹ hay Hàn Quốc, mọi thứ lại diễn ra theo chiều ngược lại. Chỉ cần các nạn nhân lên tiếng, ngay lập tức họ nhận được sự ủng hộ từ dư luận, ít nhất để sự việc được phơi bày trắng, đen rõ ràng. Các ngôi sao cũng không cần mang bất kỳ chứng cứ nào để thanh minh với dư luận, mọi việc đều có cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra.

#Metoo se chi la dom tan tai Viet Nam?
Võ Hạ Trâm - nữ ca sĩ từng gây xôn xao khi công bố thông tin bị bầu show tấn công tình dục

Khán giả Việt dễ hoài nghi, thiếu phân tích nhưng lại có sự bao dung lạ thường với cái xấu. Cô ca sĩ A nổi tiếng với chuyện làm người thứ ba vẫn đi hát, thậm chí còn đắt show, anh chàng diễn viên B nổi tiếng lăng nhăng vẫn được đón nhận sau khi scandal tạm lắng xuống, cô người đẹp C dùng hết chiêu trò tình cảm để lăng xê thì cát-sê cũng tắng đến vài chục lần. Sau hàng loạt tai tiếng, những gương mặt ấy vẫn có thể tồn tại, thậm chí sống tốt trong làng giải trí Việt. Câu chuyện về #Metoo bùng lên trong làng giải trí Việt sớm muộn cũng rơi vào lối mòn này khi khán giả, dư luận chưa có thói quen tẩy chay cái xấu và dùng quyền lực đúng chỗ.                                                                                        

Trong khi đó, Harvey Weinstein phải tiêu tan sự nghiệp sau loạt bê bối. Tại Hàn Quốc, nam ca sĩ Jin Sung Ho, Park Shi Hoo, Park Yoo Chun… là những cái tên phải trả giá khi vướng vào bê bối lạm dụng tình dục. Họ phải đối mặt với những chỉ trích, bỏ nghề... Gần đây nhất, nam diễn viên Jo Min Ki phải chọn cách tự tử khi những vết nhơ lạm dụng tình dục trong quá khứ bị phơi bày. Từ chuyện người ngẫm đến chuyện ta, rõ ràng khán giả Việt  đã đặt lòng bao dung, sự vị tha không đúng chỗ, và tiếp tay cho cái xấu được tồn tại.                    

#Metoo: Khi các hội đoàn im lặng

Ngày 14/10/2017, chỉ vài ngày sau khi thông tin về vụ lạm dụng, tấn công tình dục của Harvey Weinstein bị phanh phui, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) đã có cuộc họp liên quan đến bê bối này. Theo kết quả biểu quyết từ cuộc họp, Harvey Weinstein buộc phải rời khỏi AMPAS. Cũng trong thời điểm này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho tiến hành các bước thu hồi Huân chương Bắc Đẩu bội tinh trao tặng cho Harvey Weistein vào năm 2012.

#Metoo se chi la dom tan tai Viet Nam?
Harvey Weinstein tiêu tan sự nghiệp vì lịch sử bê bối tình dục hơn 3 thập kỷ

Ngày 1/5 vừa qua, ban lãnh đạo tổ chức Oscar thông qua quyết định đuổi Bill Cosby, Roman Polanski dựa trên tiêu chuẩn đạo đức công bố vào tháng 12/2017. Đây là 2 nhân vật cũng vướng phải bê bối tình dục trong một khoảng thời gian dài. Hành động của ban lãnh đạo Oscar như một tiếng nói chính thức về việc ủng hộ phong trào #Metoo nhằm mang đến sự trong sạch cho môi trường nghệ thuật.

Mới đây, giải Nobel văn học 2018 đã chính thức bị huỷ do những bê bối tình dục liên quan đến các thành viên trong Viện hàn lâm Thuỵ Điển. Sự kiện này một lần nữa gióng lên hồi chuông về những vết nhơ trong làng nghệ thuật thế giới.

Trong khi đó tại Hàn Quốc, chính phủ phải vào cuộc trước sự lan rộng một cách chóng mặt của phong trào #Metoo. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, lên tiếng trấn an dư luận và động viên các nạn nhân lên tiếng để những kẻ thủ ác phải bị trừng trị.

#Metoo se chi la dom tan tai Viet Nam?
#Metoo bùng lên thành phong trào mạnh mẽ tại Hàn Quốc sau hàng loạt vụ bê bối của các nghệ sĩ bị phanh phui

Không chỉ các hội đoàn, những đơn vị tư nhân cũng góp tiếng nói vào phong trào #Metoo. Kevin Spacey bị cấm cửa bởi Netflix sau khi sự việc tấn công tình dục với một nam diễn viên trẻ bị phanh phui. Các kênh truyền hình của Hàn Quốc cũng ra quyết định hoãn chiếu hoặc tìm cách thay thế các diễn viên dính bê bối tình dục dù phim đã lên sóng.

Tại các lễ trao giải danh giá như: Grammy, Oscar... thì thông điệp về chống lạm dụng tình dục, ủng hộ #Metoo, Time's Up luôn được các BTC đề cao. Mới đây nhất, BTC LHP Cannes 2018 đã cho in tờ rơi có hình nơ cà vạt màu đen với dùng hashtag #NeRienLaisserPasser (Đừng để chuyện gì xảy ra) để ủng hộ phong trào #Metoo. Hàng loạt các tổ chức công, tư nhân cùng chung tay để #Metoo có được sự ảnh hưởng rộng rãi nhất có thể.

#Metoo se chi la dom tan tai Viet Nam?
Tờ rơi kêu gọi ủng hộ #Metoo tại LHP Cannes 2018

Nhưng các hội đoàn tại Việt Nam thì không có sự chủ động như thế. Các nạn nhân lên tiếng, tự đấu tranh với dư luận. Tại Việt Nam, Hội Điện ảnh, Hội Âm nhạc, Hiệp hội của người biểu diễn... đều đã được thành lập, tuy nhiên, các nghiệp đoàn này hầu như đứng ngoài cuộc của sự vận hành nghề nghiệp. Chưa bao giờ, chưa một lần nào các nghiệp đoàn này cho thấy tiếng nói của mình trước các vấn đề nóng có liên quan.

Không được bất kỳ đơn vị nào bảo vệ, cộng với tâm lý của văn hoá Á Đông vốn mặc định chuyện bị lạm dụng là chuyện đáng xấu hổ, cần được giấu kín hoặc tìm cách giải quyết trong êm thấm, để tránh xấu mặt, đã khiến nhiều nạn nhân ngậm ngùi cam chịu một mình.

Chưa kể, showbiz Việt không có tiền lệ lẫn thói quen đoàn kết. Còn nhớ với sự việc của Harvey Weinstein, diễn viên hài Bill Cosy hay nam diễn viên Jo Min Ki, hàng loạt, thậm chí hàng chục nạn nhân đã nối tiếp lên tiếng để đủ tạo sức ép với dư luận và các cơ quan công quyền. Trong khi đó, tại Việt Nam, Phạm Lịch, Nga My hay Khánh Hiền, Võ Hạ Trâm... đều lên tiếng một cách riêng lẻ khiến sự việc chưa kịp bùng lên đã bị dập tắt. Với sự việc của ca sĩ Phạm Anh Khoa trong những ngày qua, theo thông tin từ Phạm Lịch có ít nhất 3 người nữa mà cô biết đã gặp phải trường hợp tương tự. Nhưng đến hiện tại vẫn chưa có thêm bất kỳ nhân vật nào can đảm lên tiếng.

#Meetoo đã có những bước tiến nhất định khi tạo hiệu ứng lan toả ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để cuộc chiến này thực sự có ý nghĩa không chỉ cần người trong cuộc can đảm lên tiếng mà còn cần sự chung tay của cộng đồng, các hội đoàn, cơ quan chức năng liên quan. Hơn hết, dư luận cần có cái nhìn tư duy đa chiều hơn xoay quanh câu chuyện nhạy cảm này. Một khi tư duy tiếp nhận thay đổi, chúng ta mới dám chờ mong những tín hiệu thực sự khả quan về #Metoo tại Việt Nam.    

Những ngày tháng 10/2017, làng giải trí thế giới rúng động khi ông trùm Hollywood - Harvey Weinstein bị phanh phui lịch sử hơn 3 thập kỷ tấn công, lạm dụng tình dục các nữ diễn viên. Một khoảng thời gian ngắn sau đó, nhiều nhân vật khác cũng bị tố cáo về những hành vi lạm dụng, gạ tình... Làng giải trí nước Mỹ nói chung và Hollywood nói riêng nhuốm màu đen của sự nhơ nhớp lẫn những nỗi sợ hãi. Từ đây, phong trào #Metoo (Tôi cũng vậy) được hình thành để góp tiếng nói vào việc chống lạm dụng, xâm hại tình dục trong làng giải trí nói riêng và xã hội nói chung.                                            

Thời điểm chuyển giao giữa năm 2017 và năm 2018, #Metoo bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ tại Hàn Quốc. Hàng loạt đạo diễn, nghệ sĩ bị phanh phui quá khứ xâm hại tình dục hoặc có những hành vi không đứng đắn.

#Metoo se chi la dom tan tai Viet Nam?
#Metoo nhận được sự hưởng ứng của nhiều người nổi tiếng lẫn khán giả trong hơn nửa năm qua

Tại nước Anh, #Metoo lại được biểu hiện ở một hình thái khác khi NSX Rebecca Long, hãng phim Boudica đã phối hợp với các đối tác, cộng sự để hình thành nên phong trào #NoPredators (tạm dịch: Không còn những kẻ lạm dụng tình dục). Tại Israel, nhiều nghệ sĩ nữ cũng lên tiếng tố cáo những hành vi đồi bại và mong có được môi trường hoạt động trong sạch hơn. Tại Pháp, #Metoo tồn tại dưới dạng #BalanceTonPorc (tạm dịch: Hãy nói câu chuyện của bạn) hay #gifnadtagning, #silenceaction (tạm dịch: Hành động im lặng) ở Thuỵ Điển.

Ở các quốc gia khác nhau, #Metoo tồn tại dưới nhiều hình thái, hashtag nhưng đều mang một thông điệp ý nghĩa chung thể hiện mong muốn chấm dứt việc lạm dụng tình dục, tạo nên một môi trường sống, làm việc sạch sẽ, an toàn.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI