Mất điểm vì thiếu độ nhạy văn hóa

17/01/2018 - 07:43

PNO - Thương hiệu thời trang Thụy Điển - H&M đang đối mặt với làn sóng giận dữ ngày một dâng cao liên quan đến hình ảnh quảng cáo - một cậu bé gốc Phi mặc chiếc áo in dòng chữ bị cho là phản cảm.

Toàn bộ cửa tiệm của H&M tại Nam Phi đã phải đóng cửa vì đám đông cuồng nộ tìm đến đập phá. Sự việc khởi nguồn từ dòng chữ trên chiếc áo do mẫu nhí mặc: “Chú khỉ ngầu nhất trong rừng” (Coolest monkey in the jungle). Hình ảnh này bị chỉ trích vì so sánh lộ liễu, tạo nên hình ảnh phản cảm với cộng đồng người gốc Phi. H&M đã lập tức xin lỗi nhưng không kịp xoa dịu dư luận.

Mat diem vi thieu do nhay van hoa

Hình ảnh quảng cáo bị cho là mang thông điệp phân biệt chủng tộc của Dove

Chị Terry Mango, mẹ của mẫu nhí, chia sẻ trên Facebook rằng đây chỉ là sơ suất. Bản thân chị không thấy đó là câu chữ xúc phạm, vì chị nghĩ rằng bất cứ đứa trẻ nào cũng có nét tinh nghịch, đáng yêu như một chú khỉ con.

Tuy nhiên, sự việc thể hiện sự thiếu cân nhắc, thiếu nhạy cảm về yếu tố văn hóa của bộ phận thiết kế tại H&M. Câu chuyện ngày càng bị đẩy đi xa khi hàng loạt ngôi sao nổi tiếng thể hiện thái độ. Ca sĩ The Weeknd và G-Eazy ngay lập tức chấm dứt vai trò đối tác với H&M. Ngôi sao bóng rổ chuyên nghiệp người Mỹ - LeBron James và cầu thủ bóng đá người Bỉ - Romelu Lukaku, hiện đang chơi cho câu lạc bộ Manchester United cũng lên tiếng phản đối cách làm việc thiếu thận trọng của H&M.

Thiếu hiểu biết hoặc cẩu thả với yếu tố văn hóa, dẫn đến nội dung, hình ảnh quảng cáo được suy ra là phân biệt chủng tộc không phải là chuyện hiếm gặp trong thế giới quảng cáo.

Cuối năm 2017, thương hiệu Dove của tập đoàn Unilever đã gặp rắc rối và phải xin lỗi vì quảng cáo sữa tắm bị xem là phân biệt chủng tộc. Trong quảng cáo, một phụ nữ da sậm màu, sau khi cởi bỏ chiếc áo đã biến thành phụ nữ có làn da trắng. Những nhà hoạt động xã hội và rất nhiều người tiêu dùng cho rằng, bộ phận phụ trách nội dung quảng cáo cho Dove đã quá thiếu hiểu biết.

Mat diem vi thieu do nhay van hoa
Hình ảnh khiến H&M hứng chịu sự phẫn nộ của công chúng

Đoạn quảng cáo chẳng khác nào ám chỉ phụ nữ có làn da sậm màu là những người bẩn thỉu, cần được tẩy rửa, làm trắng. Năm 2011, Dove cũng từng dính ồn ào tương tự với hình ảnh làn da một phụ nữ dần trở nên sáng màu hơn sau khi sử dụng sản phẩm Dove VisibleCare Body.

Trong lúc nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì lỗi phân biệt chủng tộc trong nội dung quảng cáo, với một số công ty, thông điệp chống phân biệt chủng tộc lại mang lại cho họ cơ hội lấy lòng khách hàng.

Tháng 9/2017, công ty mỹ phẩm L’Oréal của Pháp cắt hợp đồng với người mẫu chuyển giới nổi tiếng Munroe Bergdorf của hãng sau khi cô này đưa những lời bình luận lên án người da trắng trên mạng internet. Munroe viết: “Tất cả những người da trắng đều là những người phân biệt chủng tộc”.

Trong thông cáo của mình, L’Oréal viết: “L’Oréal xem cách phê phán này là khác biệt với những giá trị không thể tranh cãi của công ty. Khẩu hiệu mà L’Oréal luôn trung thành là đa dạng hóa”. Phản ứng nhanh, kịp thời của L’Oréal đã ghi điểm với người dùng. 

Thiên Anh (theo Guardian, NY Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI