Lưu lạc trong 'Không gia đình'

30/12/2018 - 09:24

PNO - Trong một độ nén cao về diễn biến chuyện, bộ phim của đạo diễn Antoine Blossier chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Hector Malot dường như đã bộc lộ rõ hơn vai trò của phép phủ định trong bút pháp kể chuyện.

Dù là Không gia đình, Sans Famille (tên tiếng Pháp của tiểu thuyết) hay Remi, Nobody's boy - cũng đều là một phép phủ định. Trong một độ nén cao về diễn biến chuyện, bộ phim của đạo diễn Antoine Blossier chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Hector Malot dường như đã bộc lộ rõ hơn vai trò của phép phủ định trong bút pháp kể chuyện.

Phim đang bắt đầu mạch tự sự của “ông cụ Remi" trên nền những đồi cỏ bạt ngàn của vùng Chavaron. Giữa đồng cỏ nhấp nhô, tít tắp, một ngôi nhà gỗ đứng một mình với một cây cao tỏa bóng rộng. Con bò Bownie đang nhẩn nha đứng nhìn ra đồng cỏ. Bownie là nguồn sữa và nguồn nguyên liệu làm bánh của mẹ con Remi. Đời sống thôn dã đơn giản mà ngọt ngào, vừa vặn và ấm cúng.

Luu lac trong 'Khong gia dinh'
Một cảnh trong phim

Nhưng, mạch chuyện như chợt choàng tỉnh khỏi những dữ kiện đang lần lượt liệt kê ở thước phim dạo đầu. Con bò Bownie bị bán đi. Đứa trẻ bị cuốn phăng khỏi gia đình, đi khỏi vùng quê Chavaron. Câu chuyện thực sự chỉ bắt đầu bằng phép phủ định gốc rễ nhất với một đứa trẻ 10 tuổi. Lời phủ định đến từ người cha nuôi: “Cô ấy không phải mẹ mày. Tao cũng không phải bố mày".

Nhiều người gọi tên hành trình của “không gia đình" là hành trình tìm về gia đình, nguồn cội. Những hình ảnh về gia đình và khát khao giải mã lai lịch bản thân của Remi cũng là một mạch kể giàu sức lay động.

Luu lac trong 'Khong gia dinh'

Con bò Bownie bị cái nghèo lấy đi. Đứa trẻ vừa êm ấm đã trở thành vô gia cư. Chavaron xa biền biệt.  Suốt bộ phim là chuỗi những phép phủ định đến tận cùng: Mất tri kỷ duy nhất. Lạc mẹ. Lưu lạc khỏi quê hương. Con khỉ Tốt bụng qua đời. Gia đình vừa tìm thấy đã hiện nguyên hình là những kẻ cựu thù. Thầy Vitalis cũng chết. Thế nhưng, dường như tất cả những phép phủ định nối tiếp nhau, những thử thách nối tiếp nhau suốt bộ phim không chỉ là những phép ngăn trở Remi về với gia đình.

Và, trong phim của Antoine Blossier, những phép phủ định thực sự mấu chốt được vang lên từ chính nhân vật trung tâm. Lúc Remi vừa được bán cho thầy Vitalis, cụ ông giàu trải nghiệm đã sớm khẳng định cậu bé có khả năng ca hát. Thế nhưng, đứa trẻ sống ở vùng quê hoang vắng chỉ quen thầm thì hát để khẽ dỗ dành những nỗi sợ. Ngay trong màn trình diễn ban đầu, trước sự mong đợi của mọi người, Remi chỉ đứng chết trân. Trên đồng cỏ cao nửa người, đứa trẻ dằn dỗi như bỏ chạy khỏi niềm tin của cụ già: “Cháu sẽ không bao giờ hát được!".

Lúc trốn thoát khỏi âm mưu giết hại của những kẻ mạo danh gia đình, trời nổi bão tuyết. Đường phố trong đêm tối như một biển tuyết trắng toát không lối ra. Đội trưởng Capi lết đi dưới mặt đất phủ tuyết như sắp ngập chiều cao của một chú chó. Đêm tối, thiên tai, những ngã ba đường xa lạ như đẩy những con người vừa liên tục bị đả thương vào tận cùng nghịch cảnh. Remi nói: “Chắc ta không đến được rồi". 

Và ngay cả cái hành trình phủ định xuyên suốt về gốc gác của đứa trẻ: từ việc bị cuốn phăng khỏi mẹ Barberin, trao nhầm chiếc áo kỷ vật cho người chú độc ác, vào nhầm hang ổ của kẻ thù, và vô vọng lạc trong cơn bão tuyết trên đường tìm đến nhà mẹ ruột… 

Luu lac trong 'Khong gia dinh'

Tất cả chúng, dường như đã đi rất xa sau phép phủ định lạnh lùng của ông Barberin: “Cô ấy cũng không phải mẹ mày. Tao không phải bố mày." Nó không còn là phủ định về lai lịch đơn thuần nữa.

Vậy nên, những phép khẳng định ngay sau đó mới cứu rỗi những tình huống tuyệt vọng. Mạch phim cũng vì thế mà tiếp diễn ngay giữa cánh đồng dằn dỗi của đứa trẻ sợ hãi không chịu thoát khỏi vùng an toàn, khi ông Vitalis khẳng định khẽ khàng mà chắc nịch: “Cháu có một tài năng đấy, Remi. Cháu lay động trái tim mọi người".

Hay ngay giữa cơn bão tuyết dữ dội như muốn cuốn phăng những hy vọng yếu ớt sau cùng, khi Remi đã tưởng là “không thể", cụ Vitalis húng hắng cái sức tàn của một bệnh nhân lao phổi trong rét mướt: “Ta hứa với cháu là chúng ta sẽ đến được".

Hay cũng lại là cụ Vitalis, đã thả ra một lời khẳng định cứu vãn cả bi kịch “không gia đình" khi chiếc áo kỷ vật dường như đã trao nhầm người: “Bài hát ru chính là thân phận của cháu"...

Tất cả đều là những phép khẳng định vô hình. Tất cả đều bất khả xâm phạm. Và có lẽ, những điều đang được khẳng định đó cũng là những dữ kiện khiến ông Vitalis tự tin khước từ hứa hẹn nuôi dưỡng Remi của người phụ nữ thượng lưu Milligan: “Tôi biết gợi ý của bà sẽ giúp Remi được yên ấm, an toàn. Nhưng, nỗ lực của bà là để đào tạo thằng bé trở thành một người hầu. Còn những khó khăn khi đồng hành cùng tôi sẽ khiến nó đủ bản lĩnh để sánh đôi với con bé mà không phải hổ thẹn".

Luu lac trong 'Khong gia dinh'

Đó chính là lời đáp từ mãnh liệt nhất về những giá trị siêu hình, những phép gắn bó siêu hình. Và cảnh ngộ không gia đình đó, những va đập liên hoàn đả thương cả con tim lẫn tinh thần của con người đó - dường như đều là phép thử ngăn trở con người với bản thể của mình. Nó có thể khiến Remi trở thành một cậu bé không bao giờ dám hát.

Một cậu bé chọn dừng chân ở một sự an bình tạm bợ. Một cậu bé khuất phục cơn bão tuyết trên hành trình tìm về nhà mình. Một cậu bé sợ hãi sự cô đơn và cô độc. Vượt qua bi kịch “không gia đình", tất cả đều là một giả định về những bi kịch sâu xa hơn, bản chất hơn và bất khả giải hơn - của loài người.

Trailer phim Không gia đình:

Không gia đình đã không còn là “không gia đình" nữa vào cuối bộ phim. Lên màn ảnh rộng, câu chuyện của Hector Malot năm nào được gửi tặng bạn đọc những cảnh quan Tây phương đẹp như cổ tích, những phép ứng xử quý tộc, lãng mạn đúng chất Pháp. Những đặc điểm của một tác phẩm kinh điển sẽ dễ đánh thức trong bạn đọc/khán giả quen lang bạt trong bút pháp hậu hiện đại một cảm giác lạ về cách trao gửi thông điệp trực tiếp, chân thành. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI