Lộng lẫy tuồng cổ trên tranh

12/12/2019 - 15:57

PNO - Năm mươi chín tác phẩm gồm tranh sơn dầu, sơn mài và giấy dó, Lê Nguyên Chính đã “dựng” lại những khoảnh khắc uy nghi, rạng rỡ của các nghệ sĩ trong quá trình sửa soạn cho một vở tuồng.

1. Đây không phải lần đầu những bức tranh vẽ nghệ thuật hát tuồng của Lê Nguyên Chính ra mắt khán giả. Bởi tranh của anh đã hiện diện ở không ít triển lãm từ Quảng Nam - quê hương anh, cho đến Sài Gòn, mà gần đây nhất là triển lãm Vẽ về hát bội, từng gây tiếng vang trong giới hồi tháng 2/2018.

Nhưng triển lãm lần này đặc biệt với Chính, bởi ở đó chân dung và cảm xúc của anh - một họa sĩ trót đắm say tuồng, những váy áo, những động tác uyển chuyển hay màn họa mặt điêu luyện của các nghệ sĩ, những giọt mồ hôi, sự uy nghi lẫn nỗi lo mưu sinh khi loại hình nghệ thuật này dần mai một - hiện lên rõ rệt hơn bao giờ.

Long lay tuong co tren tranh

Niềm đắm say của Chính với tranh vẽ tuồng tương tự như ma lực sân khấu với các “ông hoàng, bà chúa” phải vật lộn áo cơm mỗi ngày, một khi đã bén hơi thì khó lòng rời chân đi. Có một sợi dây buộc ngầm trong huyết mạch từ quê hương, sự rung động trước mỹ cảm của nghệ thuật tuồng, sự cảm thông và ngưỡng vọng dành cho người nghệ sĩ, và sự chắt chiu thời gian để mở rộng vỉa tầng kiến thức từ những nhân chứng, buổi diễn sống của loại hình nghệ thuật đang hấp hối này.

Tuồng cổ trở thành chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của Lê Nguyên Chính, và được anh khai thác sự lộng lẫy, từ trang phục cho đến nghệ thuật họa mặt độc đáo. Chính không dạo chơi để trầm trồ, anh chọn lọc khai thác những nét cô đọng, đa dạng và đặc thù nhất những dáng hình lẫn nội tâm của người “sắm vai”.

“Trong không gian, thời gian chật hẹp đã sản sinh ra những điệu bộ, động tác diễn kết hợp với hình tượng, màu sắc của lớp trang điểm, thể hiện nét tinh tế và độ sâu sắc trong nghệ thuật tuồng”- Chính chia sẻ.

Long lay tuong co tren tranh

2. “Người ta xem tuồng và cảm nhận buồn vui qua diễn biến câu chuyện trên sân khấu, còn tôi thì cảm nhận từ hậu trường. Trải qua khâu trang điểm công phu, thay đổi y phục, bước ra sân khấu để diễn, sau đó là bước tẩy trang mất rất nhiều thời gian và không mấy dễ chịu, các nghệ sĩ tuồng phải hóa thân đến mấy lần. Quãng đường từ hậu trường ra sân khấu (và ngược lại) của họ tuy rất ngắn, nhưng lại là cả cuộc đời đầy tâm trạng và cảm xúc”. 

Vì thế, 59 bức tranh trong triển lãm đều được Chính gói trong không gian hậu trường sân khấu, nơi các cô đào, anh kép đang tỉ mỉ hóa trang, ban hậu cần tấp nập chuẩn bị cho vở diễn (Dặm mặt, Soi gương, Hóa trang, Chuẩn bị cho vở diễn…) cho đến lúc hóa trang hoàn tất, xiêm y lộng lẫy, chuẩn bị ra sân khấu (Vào vai, Đổng Kim Lân, Đào Tam Xuân…). Tất cả các hình tượng được nâng lên bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, tạo vẻ trang nghiêm, kính cẩn như lòng thành kính của các nghệ sĩ dành cho thánh đường nghệ thuật này.

Long lay tuong co tren tranh

Riêng loạt tranh được đánh số và có tên chung Sắm vai được Lê Nguyên Chính chọn vẽ bằng màu nước trên giấy dó, sự nhập nhòe trong tranh gợi cảm giác được mất, như trầm luân của tuồng trong đời sống hiện đại. Cũng như Chính và nhiều người trẻ nặng lòng với nghệ thuật truyền thống, vô vọng nhìn nỗ lực của mình bùng cháy phút chốc rồi như ánh sáng lướt qua tay. 

Long lay tuong co tren tranh

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI