Lỗi không phải ở người trẻ

30/10/2018 - 10:00

PNO - Công chúng Việt nhìn chung vẫn thiên về tính giải trí, dễ chiều, thiếu chiều sâu cũng như bản lĩnh trước 'độc tố' văn hóa.

Việt Nam thiếu một thế hệ công chúng có trình độ?

Khi mổ xẻ một hiện tượng hoặc một toàn cảnh nào đó, nhiều người thực hành văn hóa, các nhà sư phạm, những trí thức hay nói rằng: Việt Nam đang thiếu một thế hệ công chúng có trình độ, thiếu chiều sâu văn hóa, nặng tính giải trí, hời hợt. Điều đó đúng không?

Bài 1Công chúng dễ dãi hay ngây thơ?

Công chúng Việt nhìn chung vẫn thiên về tính giải trí, dễ chiều, thiếu chiều sâu cũng như bản lĩnh trước “độc tố” văn hóa. Điều đó xuất phát từ việc giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông không được quan tâm đúng mức suốt hàng chục năm qua. 

Loi khong phai o nguoi tre
Nhạc kịch Con dơi được đánh giá rất cao về chuyên môn, nhưng ta chưa đủ công chúng để hiểu

Sư phạm nghệ thuật thiếu sáng tạo

Không phải tự nhiên mà chất lượng công chúng ở các nước phương Tây khá đồng đều. Những bộ môn nghệ thuật đích thực được quan tâm và có vị trí quan trọng trong dòng chảy văn hóa. Để có một lớp công chúng trưởng thành và nhận diện được những giá trị cốt lõi, phù hợp với mình, họ đã chuẩn bị và giáo dục các em ngay từ nhỏ. Trong khi đó, ở ta, chẳng thể nào đếm nổi số lần thực hiện cải cách, nhưng tới nay, “thành quả” giáo dục vẫn chưa thoát khỏi hai chữ “lệch chuẩn”.

Sự thực dụng nghiền nát hầu hết những giá trị nhân văn, ngay cả trong nhà trường. Hội họa, âm nhạc… được đưa vào giảng dạy qua quýt, nặng tính đối phó. Thậm chí, hai bộ môn quan trọng là văn học và lịch sử ngày càng bị “rẻ rúng” trong lựa chọn của số đông phụ huynh, công chúng.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đánh giá: “Thời gian qua, sư phạm âm nhạc cũng như những bộ môn nghệ thuật khác ở ta thiếu sự sáng tạo và không hiệu quả. Các giáo viên đã không làm tốt công việc. Ở nhiều nước, giờ học nhạc giống những giờ thưởng thức âm nhạc - trẻ em được giới thiệu nhiều thể loại âm nhạc, sờ đụng, tìm hiểu và chơi các nhạc cụ khác nhau. Ở ta thì giáo viên dành quá nhiều thời gian để dạy các em những kỹ năng của người làm nhạc là đọc và viết nốt nhạc.

Thậm chí, tại các trường đại học, học viện chuyên môn… giáo dục âm nhạc cũng đang tồn tại nhiều điểm bất cập, lạc hậu so với xu thế thế giới”. Họa sĩ Nguyễn Trung Tín nhận xét về môn mỹ thuật ở trường phổ thông: “Giáo trình quá hỏng. Người biên soạn giáo trình kém, không hiểu bản chất của mỹ thuật”.

Loi khong phai o nguoi tre
Các đêm diễn của HBSO luôn kén khán giả

Nhớ lần sang Hàn Quốc, theo chân các em nhỏ xem tranh ở các bảo tàng, nhận thấy ứng xử của các em rất tốt, họa sĩ Nguyễn Trung Tín tìm đọc giáo trình của Hàn mới thấy họ dạy trẻ bài bản, chi tiết. Việt Nam ta toàn dạy các em vẽ cái này, kẻ cái kia và nghĩ đó là dạy mỹ thuật; thậm chí, vì điểm số hoặc đối phó với nhau, phụ huynh hoặc giáo viên vẽ giùm luôn cho trẻ. Chúng ta không dạy thẩm mỹ mỹ thuật mà đang áp đặt cái ta nghĩ lên các em. 

Thiếu một đám đông chất lượng

Trong một cuộc cà kê vài năm trước, nhà văn Bảo Ninh gay gắt nói “đó là một thế hệ làm bộ làm tịch, chẳng hiểu gì” khi nhận xét về lứa nhà văn và độc giả trẻ hiện nay. Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu thì bảo công chúng Việt là một “công chúng ngây thơ” khi tiếp cận những bề nổi của đời sống văn hóa - giải trí.

Quả thực, chúng ta đang có một lớp công chúng dễ chiều lòng, thiếu bản lĩnh, thiếu trình độ để nhận diện các giá trị. Tất nhiên, cái hay của nghệ thuật là vô cùng, cảm thụ nghệ thuật lại nghiêng về chủ quan. Song, theo biên đạo múa -  NSƯT Trần Ly Ly, “cái hay đúng là vô cùng, nhưng như thế nào là hay thì chúng ta phải học, phải được giáo dục từng bước mới biết được”.

Loi khong phai o nguoi tre
Không nhiều khán giả tìm đến những đêm hòa nhạc vì chưa đủ trình độ thưởng thức

Cái Việt Nam đang thiếu hiện nay không phải là lực lượng nghệ sĩ mà là một lớp công chúng nghệ thuật đủ lớn. Do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh, giáo dục nghệ thuật ở ta bị đứt đoạn, thậm chí bỏ quên suốt một thời gian dài. Ngoài những người có năng khiếu nghệ thuật, được cha mẹ cho đi học thêm bên ngoài, còn nếu chỉ học trong trường phổ thông thì xem như chỉ cưỡi ngựa xem hoa, chẳng mang lại mấy hiệu quả.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết, ở các nước tiên tiến, trẻ em học nhạc từ bé. Sau khi học xong cấp III, trình độ nhạc lý của học sinh tương đương với trung cấp âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam. Một số trường cấp III của nước bạn còn có cả dàn hợp xướng trong trường. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, học sinh giỏi đều, toàn diện, trở thành lực lượng khán giả hết sức cao cấp. Trần Mạnh Hùng gọi đó là một đám đông chất lượng - điều chúng ta đang thiếu hiện nay.

Chỉ khi giáo dục được quan tâm đúng và chuẩn, chúng ta mới mong có một thế hệ công chúng mới, có trình độ, đủ năng lực để nhận diện giá trị cũng như lý giải hiện tượng của đời sống văn hóa - giải trí. Khi đủ khả năng đề kháng, công chúng sẽ miễn nhiễm với “độc”. 

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - Hội Mỹ thuật TP.HCM: "Chúng ta chẳng dạy gì cho các em cả”

Ở Pháp, bạn có thể hỏi một ai đó bất kỳ về Marc Chagall, Picasso… Trình độ thưởng thức nghệ thuật của họ rất cao. Họ có một lớp người trưởng thành đủ trình độ, có thị hiếu tốt về nghệ thuật. Chúng ta chưa làm được điều đó. Ở ta, hỏi một lãnh đạo về tranh của một tác giả trong nước, rất hiếm người biết. Đã tới lúc ta xem lại toàn bộ giáo trình mỹ thuật nói riêng cũng như những lĩnh vực nghệ thuật khác trong trường phổ thông. Chỉ khi nào các em được đào tạo đàng hoàng, ta mới có một lứa công chúng mới có bản lĩnh, trưởng thành.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI