Liveshow Khánh Ly lại nợ tiền tác quyền

15/01/2017 - 06:30

PNO - Ban tổ chức liveshow Khánh Ly (diễn ra ngày 2/12/2016 tại SVĐ Quân Khu 7) là một trong 5 đối tượng sẽ bị kiện vì nợ tiền tác quyền.

Theo Trung tâm bảo vệ quyền Tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), sắp tới Trung tâm sẽ tiến hành khởi kiện 5 đơn vị cố tình tránh né, không thực hiện nghĩa vụ tác quyền âm nhạc. Đó là các đơn vị tổ chức chương trình Độc và Đẹp 52, chương trình Yan Beat Fest... và liveshow Khánh Ly (diễn ra ngày 2/12/2016 tại SVĐ Quân Khu 7).

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Ban tổ chức liveshow Khánh Ly này  bị VCPMC lên án chuyện không tuân thủ tác quyền. Đã có rất nhiều lần hai bên "khẩu chiến với nhau", thậm chí gần như xô xát nhau về vấn đề này, và vướng mắc của hai bên nằm ở chỗ BTC cho rằng VCPMC đưa ra giá tiền tác quyền quá cao và không hợp lý.

Liveshow Khanh Ly lai no tien tac quyen
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (trái) và đại diện BTC liveshow Khánh Ly lớn tiếng với nhau trước giờ mở màn chương trình tại Đà Nẵng

Năm 2014, khi Khánh Ly đơn vị này tổ chức liveshow Khánh Ly đầu tiên sau khi bà được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam, ở Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC còn đến tận sân khấu trước giờ diễn để gây sức ép buộc BTC phải trả tiền.

Mặc dù hai bên đã đạt được thoả thuận ban đầu tại chỗ, chương trình diễn ra tốt đẹp nhưng phải đến mấy tháng sau, với sự vào cuộc của Bộ VH-TT-DL, số tiền tác quyền của đêm diễn đó mới được thống nhất, là 250 triệu đồng (con ssoos đầu tiên mà VCPMC đưa ra là 400 triệu đồng).

Điều tương tự đã diễn ra với liveshow Khánh Ly tại Đà Nẵng vào tháng 8/2014. Đích thân nhạc sĩ Phó Đức Phương bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng để đòi tiền tác quyền, và những lời to tiếng giữa hai bên đã diễn ra tại đây, trước giờ liveshow mở màn.

Cũng vì vấn đề tác quyền, liveshow Khánh Ly ở Bình Dương năm 2014 phải tạm hoãn.

Được biết, với liveshow Khánh Ly tại SVĐ Quân Khu 7 vừa qua, vấn đề mà mà hai bên không thể đạt được thoả thuận với nhau cũng vẫn là mức giá tác quyền.

Theo VCPMC, bước tiến quan trọng nhất về mặt tác quyền âm nhạc trong 2016 là VCPMC đã đạt được thoả thuận với YouTube. "Với đà phát triển mạnh của YouTube tại Việt Nam và toàn cầu, đây hứa hẹn là một nguồn thu khổng lồ", nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC phía Nam cho biết. 

Cũng trong 2016, VCPMC đã đứng ra giải quyết thành công nhiều trường hợp vi phạm bản quyền, như: Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đề nghị gỡ bỏ 1 video trên YouTube do sử dụng bài hát Oản tù tì khi chưa có sự cho phép của ông; Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc thiện đề nghị gỡ bỏ clip quảng cáo vi phạm bản quyền bài hát Xúc xắc xúc xẻ; nhạc sĩ Lương Bằng Quang đề nghị VietJet bồi thường vì sử dụng tác phẩm "Tung bay" của anh trong video quảng cáo...

Theo thống kê của VCPMC, đến hết năm 2016 tổng số thành viên của VCPMC trên cả nước là 3.550 người, tỏng đó có 156 ca sĩ, tác giả là mới. 

Lương Hàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI