Lẽ ra chúng ta phải hiểu biết hơn thế

30/10/2019 - 06:30

PNO - Sau bao nhiêu thế hệ nữa, chúng ta sẽ ăn hết cái vốn gốc đấy, và khi không còn gì trong tay để làm nền tảng cho phát triển, chúng ta sẽ làm gì?

Nếu xem Chúa tể những chiếc nhẫn, hẳn bạn còn nhớ, ở tập Hai tòa tháp, trùm phù thủy Haruman đã phá hủy hàng loạt cánh rừng để lấy gỗ, xây đập ngăn sông để lấy nước, đục rỗng cả núi để lấy quặng mà xây dựng đội quân yêu tinh của mình. Sự tàn phá của Haruman kinh khủng đến nỗi Treebeard - thủ lĩnh của những rừng cây cổ xưa nhất còn sót lại - vốn rất kiệm lời cũng phải nổi giận mà thốt lên rằng: “Một phù thủy lẽ ra phải hiểu biết nhiều hơn thế!”. Cuộc tấn công trở lại của cây rừng ngay sau đó vô cùng dữ dội: đá lăn, đập vỡ, ngập lụt trắng pháo đài.

Tốc độ phá rừng tự nhiên của chúng ta trong nhiều năm qua có lẽ không kém Haruman là mấy. Trong thời gian 20 năm (từ năm 1975 đến năm 1995), vì mục tiêu tái thiết, diện tích rừng tự nhiên của cả nước, tức khu vực có mức độ đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất, đã giảm 2,8 triệu héc-ta. Sinh cảnh và môi trường sống của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, do đó liên tục bị chia cắt, thu hẹp, suy thoái, gây suy giảm nghiêm trọng số lượng loài và số lượng cá thể trong từng loài.

Le ra chung ta phai hieu biet hon the
Sự tấn công trở lại của cây rừng - một cảnh trong Chúa tể những chiếc nhẫn, tập Hai tòa tháp

Sau năm 1995, rừng tự nhiên vẫn tiếp tục mất do lạm dụng quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng vì phát triển kinh tế. Hậu quả là chúng ta đã và đang bị tấn công trở lại, cũng không khác nhiều so với bộ phim kia: đá lở, đất trượt, lũ lụt, thiệt hại về người, về của xảy ra ngày càng nhiều. Đấy chính là giá của mất rừng, mất các dịch vụ hệ sinh thái rừng - những cái giá mà người ta luôn “quên” khi xây dựng các bảng kê tài chính, tính toán lợi ích kinh tế. Chúng ta lẽ ra phải hiểu biết nhiều hơn thế.

Ở một tập khác của Chúa tể những chiếc nhẫn - Nhà vua trở về, nhiếp chính vương Denethor đệ nhị cai quản Gondor suốt 35 năm, trong lúc nhà vua thực sự của Gondor vắng mặt. Denethor đệ nhị, vô năng và tham lam, đã làm cho vương quốc chia rẽ và yếu ớt, âm mưu soán vị, chối bỏ quyền thừa kế của vị vua đích thực và ngăn cản sự trở về của nhà vua.

Denethor không phải là chủ nhân của Gondor mà là người nhiếp chính, là người thay mặt và đại diện quốc vương xử lý triều chính, quản lý lãnh thổ, tài sản, là quản gia của quốc vương. Một quản gia tốt, một quản gia có đạo đức, là người hành động vì lợi ích của gia chủ, chứ không phải là vì lợi ích của cá nhân mình. Một quản gia có năng lực là người sẽ giao lại một khối tài sản lớn hơn cho người kế nhiệm so với khối tài sản nhận được từ người tiền nhiệm.

Theo cách hiểu của thời đại phát triển bền vững, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo và mỗi cá nhân của thế hệ chúng ta không phải là chủ nhân thực sự, mà chỉ là người nhiếp chính, người đại diện cho thế hệ này quản lý tài sản để truyền lại cho những thế hệ mai sau. Tài sản đó chính là kiến thức và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, là “vốn gốc” để thế hệ này và thế hệ sau phát triển.

Và như thế, một nhà lãnh đạo có năng lực phải đảm bảo cho bằng được rằng, cá nhân họ và những cá nhân thuộc thế hệ này sẽ không hy sinh cơ hội của những thế hệ mai sau, bằng cách vắt kiệt nguồn tài nguyên đang tạm thay quyền quản lý. Đáng tiếc, có vẻ như trong rất nhiều trường hợp, các vị quản gia đang lỏng tay cho các dự án kinh tế ăn vào vốn gốc. Chúng ta lẽ ra phải hiểu biết nhiều hơn thế.

Rừng là của ai? Của các cộng đồng sống trong, sống quanh, sống phụ thuộc vào tài nguyên của khu rừng đó? Rừng là của riêng một tỉnh, một quốc gia? Hay rừng là tài nguyên chung của nhân loại? Ở một chừng mực nào đó, mọi người đều có quyền sở hữu đối với rừng, chỉ là, quyền sở hữu đó được thể hiện ở các mức độ khác nhau mà thôi. 

Rừng nói riêng và tài nguyên thiên nhiên nói chung, là vốn gốc của loài người, của muôn loài. Ta sống nhờ có nó. Ta phát triển nhờ vào nó. Giờ đây, dường như chúng ta đang “bóc ngắn cắn dài”, cắn cả vào cái vốn gốc ấy, không cho vốn gốc của chúng ta có đủ thời gian để tự tái tạo và phục hồi. Sau bao nhiêu thế hệ nữa, chúng ta sẽ ăn hết cái vốn gốc đấy, và khi không còn gì trong tay để làm nền tảng cho phát triển, chúng ta sẽ làm gì?

Loài người có năng lực cải biến thiên nhiên, nhưng không có năng lực tạo ra tài nguyên thiên nhiên. Khi sử dụng đến cạn kiệt tài nguyên, tự bản thân chúng ta không sáng tạo ra được thiên nhiên nữa. Câu chuyện sẽ diễn ra trong một thời gian dài, không phải ngày một ngày hai, nhưng chúng ta đã đi khá gần đến điểm không thể phục hồi của thiên nhiên. Chúng ta lẽ ra phải hiểu biết nhiều hơn thế. 

Việt Nam có nhiều cam kết quốc tế, từ cam kết phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, đến phát triển kinh tế một cách hài hòa với các giá trị xã hội, và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên. Những cam kết đó đều là những lý tưởng cao đẹp, là “luật chơi chung” của thế giới tiến bộ, là trách nhiệm đối với thế hệ bây giờ và tương lai. Thực hiện cam kết lại là điều không hề dễ dàng, và dường như chúng ta đang thực hiện chưa đủ. 

Bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên phải là một trong những tiêu chuẩn đạo đức của những quản gia có trách nhiệm thuộc thế hệ này. Bảo tồn không có nghĩa là lúc nào cũng phải đặt một hàng rào bảo vệ quanh tài nguyên thiên nhiên và giữ nguyên trạng tài nguyên bằng mọi giá. Những người làm công tác bảo tồn và các nhà bảo vệ môi trường cũng không phản đối việc khai thác tài nguyên ở mức độ chấp nhận được để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Một nhà quản lý, một quản gia có năng lực cần xác định đúng đâu là “mức độ chấp nhận được”. Trên thực tế, Việt Nam và thế giới không thiếu kiến thức chuyên môn, công cụ, phương tiện kỹ thuật để xác định “mức độ chấp nhận được” này. Một quản gia có trách nhiệm sẽ kiên quyết không cho phép khai thác tài nguyên xa hơn mức độ chấp nhận được đấy. Nếu không, chúng ta sẽ lại là một trùm phù thủy Haruman hay một Denethor đệ nhị khác.

Là quản gia của thời đại phát triển bền vững, chúng ta lẽ ra phải hiểu biết nhiều hơn thế. 

Chuyên gia bảo tồn Trần Lê Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI