Lê Minh Phong: Tiếng hót tìm bầy

11/05/2018 - 14:00

PNO - Đôi khi tôi tò mò không hiểu, ở thế đứng cheo leo ấy nhìn cuộc đời, Lê Minh Phong thấy gì? Tranh của Phong, cũng như văn của Phong trước đây, vẫn là những cuộc truy vấn về thân phận không ngơi nghỉ.

Ám ảnh thân phận

Phong nói, thế giới hôm nay ngày càng khoét sâu vào anh những vết thương. Những vết thương vô hình luôn khủng khiếp hơn những vết thương có thể nhìn thấy. Phong nỗ lực chạm vào đáy mọi vết thương, dù điều đó không hề dễ dàng. Truy vấn về thân phận vẫn nhất quán trong thực hành nghệ thuật của anh.

Hội họa Lê Minh Phong chưa bao giờ đoạn tuyệt với văn chương. Chúng chỉ nối tiếp, chồng đè lên nhau, thành một ám ảnh, thành một cơn cớ trong hành trình đi tìm sự thật và diễn giải nó. Khác chăng trước đây là bằng câu chữ thì bây giờ bằng màu sắc, bố cục.

Le Minh Phong: Tieng hot tim bay

Một tác phẩm thuộc series Hót của họa sĩ Lê Minh Phong

Trong số 26 bức tranh sơn dầu trên bố của Phong trong triển lãm , có bảy bức thuộc series , 13 bức thuộc series . Đó là tiếng hót của một con chim tìm bầy, đứng từ rìa vực để yêu đời và rầu đời, để rồi bay đi trong cơn mộng ảo của mình. Lạc loài và vong thân trở thành hai cảm trạng thường trực trong không gian nghệ thuật của Lê Minh Phong. Với Phong, bị/được đứng ở ngoại biên hay tự cho mình thuộc về ngoại biên mang lại sự khát khao hướng tới cái khác của mỹ học.

Đánh đu với chốn hồ nghi 

Quê ở Hà Tĩnh, sống và làm việc ở Huế, Phong từng nói, anh luôn bị nhốt trong tâm thức lãng mạn của một kẻ lưu trú trên mảnh đất nhỏ hẹp nhiều bề. Anh luôn đi tìm quê hương (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) cho tâm hồn mình. Tranh của Phong chứa rất nhiều cuộc trở về, nhưng là trở về để rồi ra đi - đi mất hình mất dạng, đi trong xiêu vẹo, tan nát.

Ai đó từng nói, thế giới này chỉ là thế giới của những phân thân. Ở đó, ta gặp phân thân của chính mình, phân thân của phân thân cứ thế lũy thừa đến n lần, tạo ra những chuỗi hình ảnh.

“Tôi thực hành nhiều series khác nhau. Mỗi series có những tín hiệu ngôn ngữ riêng của chúng. Ngầm ẩn sau những hình thể ấy là những yếu tố nối tiếp của cả một quá trình. Có lúc tôi muốn gọi tên thế giới bên trong mình bằng việc cho các biểu tượng va đập với nhau để tạo sinh nghĩa.

Có khi tôi cố mô phỏng những hình thể bên ngoài mà tôi nhìn thấy, cộng những khơi gợi của các hình ảnh từ giấc mơ của tôi. Bằng cách ấy, tôi nói được những tiếng nói bên trong và bên ngoài mình. Một lần nữa, tôi muốn nói rằng, tôi luôn tin vào sự vẫy gọi của những giấc mơ” - Lê Minh Phong diễn giải.

Tranh của Phong cũng đầy rẫy khuôn mặt cô đơn, điên tàng, lạnh ráo, bướng bỉnh, hoang mang… đến quái đản. Trút bỏ những xiêm y lộng lẫy, vẻ đoan trang, dịu dàng, những người nữ trong tranh của Phong hiện lên với nhiều góc cạnh. Họ mang theo nỗi băn khoăn, hoài nghi về cuộc đời. 

Le Minh Phong: Tieng hot tim bay

Phong thú nhận, anh muốn chạm được vào tâm thức của mình, của thế hệ mình. Không gian nghệ thuật của Phong không còn là giả định về một thế giới đã hoàn tất, ngay ngắn và bình ổn. Không gian đó luôn bị bủa vây bởi những câu hỏi về thân phận và sự gãy đổ các giá trị.

Nghệ sĩ thường dùng nghệ thuật để giải thoát mình khỏi những cơn mơ hồ, để giải quyết câu chuyện trong tâm hồn họ. Lê Minh Phong khác. Mơ hồ ngày càng dày, nối tiếp nhau, dẫn dụ đi vào mê lộ. Phong không viết, vẽ về cuộc phiêu lưu của tâm tưởng mà muốn tận hưởng khoái cảm hiện sinh ấy, ngay trong cuộc phiêu lưu ấy. Lê Minh Phong là một người điên biết buồn, là một nghệ sĩ phản tỉnh đến phản trắc. Nghệ thuật của anh là một thứ tiếng hót tìm bầy giữa đám đông xa lạ.

Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống là đánh đu với chốn hồ nghi”. Bao giờ ta ra khỏi cuộc đời thì nỗi hồ nghi kia mới không tồn tại nữa. Lê Minh Phong cũng là một dạng sống, viết, vẽ và đánh đu như vậy. 

Sinh năm 1985, Lê Minh Phong là một cá tính văn chương đặc biệt của Huế nói riêng và văn học Việt Nam đương đại nói chung. Mấy năm nay, bên cạnh văn chương, Phong lấn sang hội họa. Nối tiếp là triển lãm cá nhân thứ hai của anh (hiện đang diễn ra tại Viện Pháp, số 1 Lê Hồng Phong, TP.Huế, tới hết ngày 18/5), sau triển lãm Bên trong vào năm 2015.

Triển lãm lần này gồm bốn series. Mỗi series thuộc về một giai đoạn sáng tác, với những tín hiệu ngôn ngữ riêng nhưng đều là sự nối tiếp của một quá trình kế thừa và phủ định (những) series trước đó. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI