Lan Ngọc: Tạo hạnh phúc là chồng, giữ hạnh phúc là vợ

06/09/2013 - 09:27

PNO - PNCN - “Đứng tuổi rồi mà đi đâu cũng có nhau, đêm nào cũng thấy vợ chồng chị cùng sánh bước đến phòng trà Ân Nam thật lãng mạn, nên nhiều người ví von bà Ngọc (ca sĩ Lan Ngọc) với ông bác sĩ Tâm (chồng chị) là một cặp đẹp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nghĩ về hạnh phúc mình đang có sau gần 50 năm chung sống, chị nói vui: “Chỉ con gái miền Bắc, nhiều chiêu như tôi mới... trị nổi tính lãng mạn đào hoa nhưng gia trưởng của đàn ông miền Trung thôi. Con gái miền Nam mà gặp đàn ông Huế, kiểu như ông Tâm thì có mà… khóc cả đời”.

Theo chị kể, chồng chị luôn đặt tôn ti trật tự trong nhà lên hàng đầu. Thứ bậc được duy trì trong mọi ứng xử. Người trên bảo, người dưới phải răm rắp làm theo mà không cần biết lý do. Thậm chí, bạn bè chị tới nhà chơi, khi về mà chào: “Tui về nghe ông...” là chị bị anh chỉnh liền sau đó: “Em nói với bạn em, anh đâu có ngang vai phải lứa với họ mà nói kiểu cá mè một lứa như vậy!”. Lúc đầu, không hiểu thì nghĩ là anh khó tính, nhưng dần dần tôi thấy điều đó cũng đúng. Quan hệ trong nhà mà luông tuồng thì ứng xử ngoài xã hội tất cũng loạn xị lên thôi...”.

Lan Ngoc: Tao hanh phuc la chong, giu hanh phuc la vo

Phòng trà Ân Nam, hơn mười năm nay, luôn chung thủy với dòng nhạc tiền chiến, nhạc xưa, nhạc Trịnh, giá vé ổn định lại khá bình dân nên ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận, Ân Nam phát triển được là nhờ sự đồng thuận của cả vợ lẫn chồng ca sĩ Lan Ngọc.

Sự đồng thuận giữa vợ chồng không tự nhiên mà có, cũng không phải nhờ may mắn. Trong biết bao nhiêu bác sĩ ngỏ ý với mình, chị chọn anh “vì thấy vỏ ngoài có vẻ đàng hoàng, hiền lành, ít nói... chứ đâu biết ảnh giấu kỹ nhiều tính “xấu”... khó chịu như vậy...”. Chị nói: “Lấy nhau xong, mới biết chồng mình cũng là con ngựa chứng. Nhưng tôi lại là người biết cương đúng chỗ biết nhu kịp thời mới giữ được tới giờ”. Theo chị, người đàn bà khôn khéo là biết nhún nhường, dẹp tự ái, bao dung thì gia đình mới có hạnh phúc. Còn ngược lại, cái tôi quá lớn, lúc nào cũng cậy vào việc ta đây làm ra tiền, thậm chí còn hơn chồng thì... đổ. Người đàn ông lúc nào cũng muốn hơn vợ, đó là bản tính được ông trời sắp đặt sẵn. Vì thế, đôi khi trời sinh ra mình có nhỉnh hơn chồng đôi chút thì cũng không nên chứng tỏ là hơn. Hãy mở cửa cho chồng về, nếu cứ khép cửa là chồng đi luôn. Ngược lại, gần nửa thế kỷ đi chung đôi, ngủ chung giường, ăn chung mâm... anh hiểu chị là người không thích lăng nhăng trong quan hệ nam nữ, không giỏi chuyện nội trợ, cũng có lúc không kìm nén được cơn giận, nhưng lại là người biết chuyện, không làm chồng... “quê” với anh em, bạn bè, không làm chồng phân tâm khi bước vào phòng khám bệnh và cũng sẵn lòng nhắm mắt làm ngơ nếu anh có điều gì chưa phải.

Lan Ngoc: Tao hanh phuc la chong, giu hanh phuc la vo

Chị khoe, vừa rồi con gái đưa hai đứa cháu ngoại về chơi khiến chị phải thức khuya vì cháu lệch múi giờ không ngủ được. Thức khuya, lại hát nhiều nên chị bị viêm thanh đới phải nghỉ hát gần hai tháng. Khi đưa kết quả xét nghiệm cho vợ, anh cằn nhằn: “Nói hoài không nghe. Cứ cố hát. Đây giữ cái giấy bệnh mà làm kỷ niệm!”. Khoe cháu thật ra là khoe chồng, dù người chồng đã từng làm sóng chén trong nhà không ít lần rung khua...

Sau ngày thống nhất đất nước, dòng nhạc đỏ hừng hực khí thế chiến thắng tràn ngập các nẻo đường. Không khí trầm lắng của dòng nhạc tiền chiến không còn phù hợp. Lan Ngọc, cô ca sĩ hát phòng trà từ năm 1967, cũng chìm cùng thế hệ ca sĩ miền Nam suốt một thời gian. Sau đó, lại thấy Lan Ngọc xuất hiện với Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, với Hà Nội niềm tin và hy vọng, với Đất nước, Một đời người một rừng cây, Bài ca không quên, và cả Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Đến bây giờ, nhiều người không quên chất giọng trầm khàn đầy tình cảm của Lan Ngọc, mỗi lần nghe ai đó hát lại Cánh hoa bay của Giáp Văn Thạch, như thể bài hát ấy được khán giả đóng đinh vào tên chị. Ông bác sĩ cũng bớt buồn, bớt nhậu khi được Nhà nước lưu dụng, rồi cho phép mở phòng mạch tư. Căn nhà thuê được chuyển thành tên chung của vợ chồng nhờ chính sách hóa giá của Nhà nước. Giờ đây, dù chỉ có một con gái, nhưng con rể hiền lành, giỏi giang, yêu thương vợ con nên việc “nối dõi tông đường” không còn là chuyện “nhức đầu” của ông chồng người Huế của chị. Bởi, “Giờ ảnh đã coi con rể như con trai của mình rồi” - chị nói.

Đúc kết cuộc sống chung của mình chị kết luận, có thể không đúng với nhiều người, nhưng đúng với thực tế của chị: người tạo ra hạnh phúc cho vợ là chồng, nhưng người giữ hạnh phúc được cho gia đình là vợ.

Nguyễn Thiện

Từ khóa Lan Ngọc
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI