Làm phim 21 tỷ, chết trong 2 tuần

19/09/2014 - 21:46

PNO - PNO - Bỏ 21 tỷ đồng để làm phim nhưng Sống cùng lịch sử đã phải chịu thất bại thảm hại sau hai tuần ra rạp và chính thức bị ngừng chiếu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ra rạp vào dịp lễ 2/9 cả ba bộ phim Sống cùng lịch sử (Hãng phim truyền hình Việt Nam), Mộ gió (Hãng phim Nhã Phương, được Cục Điện ảnh tài trợ 400 triệu vì phim đề tài miền núi, hải đảo) và Đam mê (Hãng phim truyện 1) đều chịu chung cái kết thảm hại khi buộc phải ngừng chiếu vì không bán được vé. Trong đó đặc biệt phải kể đến Sống cùng lịch sử - phim được “rót” đến 21 tỷ để sản xuất, NSND Thanh Vân đạo diễn và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản.

Lam phim 21 ty, chet trong 2 tuan
Sống cùng lịch sử - bộ phim có mức đầu tư 21 tỷ đồng và phải ngừng chiếu chỉ sau 2 tuần vì không bán được vé

Sống cùng lịch sử là bộ phim lịch sử pha lẫn yếu tố hiện đại kể về hành trình “phượt” Điện Biên Phủ của một nhóm bạn trẻ, từ đó họ bắt gặp lại hình ảnh các vị cha chú đang sống và chiến đấu với quân thù. Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được khắc họa trong phim. Trong quá trình sản xuất, Sống cùng lịch sử còn có thêm tình tiết đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kinh phí sản xuất khủng, nội dung được đầu tư công phu nhưng chỉ sau hai tuần ra rạp tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và rạp Kim Đồng, Sống cùng lịch sử đã phải ngừng chiếu bởi lượng vé bán ra mỗi suất chỉ lèo tèo vài chiếc.

Đáng nói là ở chỗ, khi thông tin ngừng chiếu của phim được đăng tải thì không ít khán giả đã chia sẻ: "Giờ tôi mới biết đến bộ phim có tên như vậy", "Một ngày tôi vào xem ít nhất năm trang web khác nhau nhưng chưa từng nghe tên bộ phim này", "Tôi không biết gì về bộ phim này, nếu biết thì cũng đi xem"…

Vậy cái “chết” lặng lẽ của Sống cùng lịch sử là do đâu?

Những bộ phim lịch sử, đề tài miền núi, hải đảo Việt Nam luôn được đầu tư nhiều tiền bạc và công sức cho quá trình sản xuất, nhưng doanh thu luôn thấp. Bên cạnh Sống cùng lịch sử, Mộ gió, Đam mê còn phải kể đến những bộ phim của các hãng nhà nước chịu thất thu thảm hại như Rừng đen, Chơi vơi hay Vũ điệu đam mê… Chưa kể, Mùi cỏ cháy hay Tâm hồn mẹ - những phim đã gây được tiếng vang lớn lại không có cơ hội để ra rạp trong nước bởi gặp vấn đề về kinh phí phát hành.

Lý giải về nguyên nhân ế khách của phim lịch sử nước nhà, ngoài yếu tố sản xuất còn thiên về cách thể hiện lối mòn, cốt truyện xa rời thực tế, lời thoại cũ kỹ, mang nặng tính tuyên truyền... thì thất bại của phim còn ở vấn đề PR.

Ra rạp cùng lúc với Sống cùng lịch sử là những bộ phim giải trí của các hãng tư nhân như Scandal 2, Mất xác... Những phim này đều được quảng cáo rầm rộ, thông tin cập nhật đến khán gia liên tục. Cho dù nội dung phim chưa hẳn xuất sắc, nhưng trước mắt cũng đã có thể kéo được khán giả ra rạp và điều này sẽ khiến “sống” được, doanh thu phim tăng lên.

Đạo diễn Thanh Vân từng chia sẻ, bộ phim của ông không quá coi trọng yếu tố kinh doanh mà tập trung truyền tải các thông điệp lịch sử đến khán giả. Nhưng sự thật hiển nhiên là nếu khán giả không biết đến phim, không vào rạp xem phim thì làm sao có thể "truyền tải thông điệp lịch sử" như mong muốn của các nhà làm phim.

Đối với Sống cùng lịch sử, nhiều khán giả cho rằng đơn vị làm phim đã tiết kiệm không đúng lúc, bởi lẽ nếu chịu chi một phần trong số 21 tỷ để quảng bá phim đến công chúng thì liệu phim có thất bại thảm hại và chịu “nhập kho” lặng lẽ như thế. Một số khán giả khác bày tỏ sự "am hiểu" về điện ảnh Việt khi bảo rằng phim làm để... dự thi và tiên đoán rằng phim sẽ đoạt một giải thưởng nào đó và như thế sẽ được gọi là hoàn thành sứ mệnh lịch sử" của nó. Nếu thế thì thật đáng buồn!

AN NHÀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI