Kỷ niệm không có mưa

02/08/2018 - 12:30

PNO - Nhà thơ Ý Nhi từng nói, sau 'Ý Nhi tuyển tập' (in năm 2011), bà đã nghĩ như thế là quá đủ cho một đời thơ. Thế nhưng, ở cái tuổi cổ lai hy, bà vẫn viết như 'duyên nợ không thể nào lý giải được'.

Năm 2014, bà in tập truyện ngắn Có gió chuông sẽ reo, mở đầu chặng đường mới với văn xuôi. Cùng thời gian đó, bà bắt đầu viết các bài ký, chân dung các nhà văn cùng thời. Thành quả là cuốn Kỷ niệm không có mưa (nhà xuất bản Đà Nẵng) vừa phát hành.

Ky niem khong co mua

Kỷ niệm không có mưa khiến người đọc chùng lòng ngay từ dấu tích của người xưa. Những chữ ký, dòng thư, lời đề tặng hiện diện khắp nơi trong quyển sách hơn 300 trang này.

Ở đó, có một Nguyễn Minh Châu hiện lên rõ ràng từ phong cách viết, quan điểm sáng tác đến cá tính, cuộc sống đời thường. Có một Xuân Quỳnh đằm thắm, nữ tính và chu toàn trong tình yêu, tình chồng vợ, ngoài thơ. Rồi những tên tuổi Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Xuân Sách, Trang Thế Hy, Dương Bích Liên, Bùi Giáng, Bùi Xuân Phái…

Cuộc đời, sự nghiệp của các văn nhân, họa sĩ thế hệ trước được tái hiện bằng giọng văn mượt mà, tình cảm, trân trọng và thấu hiểu của Ý Nhi. Những người của một thời hiện ra một cách rõ ràng, chân thực, đẹp, buồn, nhớ thương và cũng day dứt.

Đã có rất nhiều bài viết, những cuốn sách về chân dung các nhà văn Việt Nam, nhưng đọc Kỷ niệm không có mưa lại thấy thấm đẫm một chữ tình. Quyển sách như một câu chuyện dài với nhiều nhân vật.

Ý Nhi viết không phải bằng những dịp được gặp gỡ phỏng vấn, trò chuyện mà qua những góp nhặt của một người từng sống hòa trong không khí văn chương, sáng tác; được bên cạnh, sẻ chia cùng các nhân vật của bà.

Mỗi câu chuyện kể đều là ký ức riêng của người viết, cùng sự cảm thụ tác phẩm mà làm nổi bật lên cuộc đời và phong cách riêng của từng nhà văn.

Kỷ niệm không có mưa, nhưng như có những hạt nước rơi vào thăm thẳm ký ức, để tác giả đưa người đọc trở về một thời vàng son của văn chương, hào quang của những tên tuổi; rồi ngậm ngùi khi nhìn lại thời gian, chỉ thấy rượu tiễn đưa người đã khuất cứ chảy tràn. Người ở lại với cuộc đời không còn mấy ai.

“Tôi vẫn mong có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn của mình với những gì tôi nhận được từ họ, hay những tác phẩm của họ - những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tôi từng quen biết. Và tôi đã tự tạo ra cơ hội ấy bằng những trang viết này. Những gì được gọi là kỷ niệm luôn sáng trong và ấm áp” - nhà thơ Ý Nhi bộc bạch.

74 tuổi, mỗi ngày “chăm sóc khu vườn, bận rộn với những công việc không tên”, Ý Nhi vẫn dành thời gian để viết. Ký ức trở thành hơi thở, để “người đàn bà ngồi đan” của năm xưa vẫn tìm thấy ngọn nguồn ấm áp trong từng trang viết của mình.

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI