Kinh doanh kiểu bất chấp

13/03/2019 - 17:30

PNO - Xin đừng quên, những cái đang được đưa lên và tiếp nhận là những cái mà thế giới văn minh, cụ thể trong trường hợp này là YouTube, cũng không chấp nhận nổi, buộc phải ra tay xử lý.

Dù tuyên bố sẽ đảm bảo mọi quyền lợi cho đối tác trước việc bị YouTube chấm dứt lưu trữ nội dung đối với các công ty đầu tư tài chính và công ty con có hoạt động kinh doanh liên quan đến YouTube AdSense, bao gồm Springme (Thái Lan), Yeah1 Network và ScaleLab LLC (Mỹ), khủng hoảng của Yeah1 không chỉ là chuyện tiền. Được biết, quyết định của YouTube đưa ra vì nhận thấy trên hệ thống các kênh video trực thuộc Yeah1 chứa quá nhiều nội dung không phù hợp với các tiêu chuẩn cộng đồng của mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới này, nôm na là các nội dung không lành mạnh.

Kinh doanh kieu bat chap
Những nội dung phản cảm trong trò Love game vẫn được chia sẻ liên tục và không hề giới hạn độ tuổi (ảnh chụp màn hình)

Ngay sau quyết định của YouTube, cổ phiếu của Yeah1 đã liên tục giảm giá sàn trong các phiên giao dịch, khiến tập đoàn này mất đến 35% giá trị vốn hóa trên thị trường, tương ứng khoảng 2.300 tỷ đồng. Động thái mới nhất diễn ra vào khuya 8/3: Yeah1 quyết định bán đứt ScaleLab LLC, chấp nhận giảm 2/3 lượng người dùng và 1/2 lượt xem video trên hệ thống của mình, đánh mất vị trí một trong 8 network có lượng người xem lớn nhất thế giới của YouTube.

Đây là cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có của Yeah1, tác động trực tiếp đến hàng ngàn kênh YouTube của Việt Nam và những người đang kiếm tiền thông qua việc phát hành các nội dung số lên mạng YouTube. Nhưng cuộc khủng hoảng này cũng được cho là hợp lý sau khoảng thời gian dài Yeah1 “dung túng” cho những kênh YouTube nhảm, bẩn tồn tại, đầu độc người xem, đặc biệt là trẻ em; đồng thời là sự đáp trả thích đáng đối với những nhà kinh doanh sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi phương thức, bất chấp các chuẩn mực văn hóa, giá trị cốt lõi của cộng đồng.

Còn nhớ, cuối năm 2017, dư luận xôn xao với kênh Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life, thuộc hệ thống Yeah1 Network, chuyên phát clip cho trẻ em, chứa các nội dung không lành mạnh - những cảnh kinh dị, máu me và cả những chi tiết nhạy cảm vốn chỉ dành cho người lớn.

Khi vụ việc nổ ra, hàng loạt phụ huynh ngỡ ngàng, choáng váng trước những gì con em mình đang xem mỗi ngày, núp trong lớp vỏ “dành cho trẻ em” và các nhân vật hoạt hình như người nhện, công chúa Elsa… mang về những món tiền khổng lồ cho các “nhà sáng tạo” ra chúng. Đỉnh điểm của vụ việc là Yeah1 Network bị YouTube cấm thu nhận kênh trong một thời gian và bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt 20 triệu đồng.

Có lẽ vì khoản tiền phạt quá nhỏ so với lợi nhuận, Springme - công ty con của Yeah1 vẫn tiếp tục chào mời các youtuber Việt Nam tham gia hệ thống, bật tính năng kiếm tiền thông qua video (theo quy định mới nhất của YouTube, chỉ những kênh có lượt người đăng ký trên 10.000 mới được phép bật tính năng kiếm tiền thông qua các video chia sẻ. Nếu các kênh này trực thuộc một network lớn thì có thể bật kiếm tiền ngay) với giá từ 10-50 triệu đồng.

Kinh doanh kieu bat chap
Nhiều clip dành cho thiếu nhi nhưng có hình ảnh phản cảm

Vì đã chi tiền, các nhà quản lý kênh đã cố tìm cách thu hút lượt view bằng đủ loại nội dung thượng vàng (thì ít) hạ cám (thì đầy dẫy). Chẳng hạn kênh Văn Nhật có hàng trăm clip với nhân vật là trẻ em, được cho là hướng đến trẻ em; nhưng các clip phát ở đây lại hết sức nhảm nhí và phi giáo dục - các clip chế, cảnh các bé trai ngồi gác chân nhậu nhẹt, chửi thề… đạt hàng triệu lượt xem. Kênh Vibe Digital với những nội dung bị người xem đánh giá là không khác gì phim cấp 3 trong trò Dare Pong - cho người chơi uống rượu và thực hiện các thử thách kích thích nhau mà Báo Phụ Nữ TP.HCM từng phản ánh, giờ đã đi đến mùa thứ 3. Gần đây có thêm trò Love game cũng chứa các nội dung không khác gì phim kích dục.

Đây là cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có của Yeah1, tác động trực tiếp đến hàng ngàn kênh YouTube của Việt Nam và những người đang kiếm tiền thông qua việc phát hành các nội dung số lên mạng YouTube. Nhưng cuộc khủng hoảng này cũng được cho là hợp lý sau khoảng thời gian dài Yeah1 “dung túng” cho những kênh YouTube nhảm, bẩn tồn tại, đầu độc người xem, đặc biệt là trẻ em; đồng thời là sự đáp trả thích đáng đối với những nhà kinh doanh sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi phương thức, bất chấp các chuẩn mực văn hóa, giá trị cốt lõi của cộng đồng.

Những clip “thử thách” như đi ôm hôn, giật đồ người lạ cứ liên tục được tung lên mạng khiến bất cứ ai còn chút tỉnh táo đều phải tự hỏi liệu những đồng tiền quảng cáo được YouTube chia lại đã hủy hoại nền tảng đạo đức người Việt đến mức này rồi sao. Tràn lan trên các kênh là những đoạn clip phỏng vấn các cô gái xem đã quan hệ tình dục từ bao nhiêu tuổi, tần suất bao nhiêu, cách xử lý khi bạn trai “yếu”… Các kênh đang cho trẻ em livestream hoặc lưu lại các phiên đấu game với những ngôn từ mà bất kỳ phụ huynh nào cũng sẽ phẫn nộ khi nghe con em của mình nói.

Điều kinh khủng là: những đứa trẻ đang từng ngày dán mắt vào các kênh ấy, tập nhảy nhót và hát theo, kiểu “con trai chưa bao giờ phải khóc trừ khi mẫu giày nó thích vừa mới ra… Những cuộc vui sẽ không dừng lại cho đến khi ông già nó băng hà… Thích làm đầu gấu, rất tự hào là nắm đấm có màu máu”. Những bộ phim hoạt hình được chèn các nội dung thách thức trẻ em đập đầu, rạch tay chân mà nhiều bậc phụ huynh phát hoảng những ngày qua chỉ là một mảng rất nhỏ trong số những món thực phẩm văn hóa độc hại đang được bơm vào trí não của thanh thiếu niên Việt Nam.

Kinh doanh kieu bat chap
Những hình ảnh phản cảm thế này dày đặc trong chương trình Dare Pong

Như trong câu hát “ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, nếu chúng ta và con em không thể tự vệ được trước sự hung hãn, bất chấp của những nhà kinh doanh, nhà sáng tạo đặt tiền lên trên hết, ngày mai chúng ta sẽ có một thế hệ sống theo tiêu chuẩn nào và tầm vóc văn hóa nào? Xin đừng quên, những cái đang được đưa lên và tiếp nhận là những cái mà thế giới văn minh, cụ thể trong trường hợp này là YouTube, cũng không chấp nhận nổi, buộc phải ra tay xử lý. 

Phạm Thành Nhân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI