Kiểm duyệt vở diễn: Giơ cao đánh khẽ?

01/10/2014 - 18:59

PNO - PN - Gần đây, sân khấu (SK) TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều vở diễn có vấn đề về chất lượng nghệ thuật, từ nội dung đến dàn dựng và diễn xuất của diễn viên (DV). Câu hỏi được đặt ra là vì sao những vở này lại được...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiều vở diễn hiện đang đi theo xu hướng kịch kinh dị hoặc hài kịch đơn thuần. Chuyện kịch chỉ xoay quanh những kẻ xấu với đủ mưu mô, thủ đoạn, quá hiếm những người tốt, những nhân vật tích cực… Có lẽ do viết vội, dựng vội nên không ít vở có nội dung rời rạc, thiếu nhất quán trong xây dựng nhân vật, mạch kịch, thay vào đó chỉ sáng tạo những tình huống nhằm thu hút khán giả như hù ma, hài nhảm, thậm chí là cảnh nóng.

Trên chất liệu quá đơn giản đó, dấu ấn của đạo diễn (ĐD) lại càng mờ nhạt. Có vở, vai trò của ĐD gần như chỉ để tập hợp DV hoặc sắp xếp những lớp diễn, bất chấp lối dẫn dắt và những mảng miếng được “bày biện” có hợp lý hay không.

Đành rằng mỗi SK có đối tượng khán giả riêng, việc dàn dựng ở từng SK tùy thuộc vào thị hiếu, nhưng cho dù vì bất kỳ lý do gì cũng không thể biện minh cho cách làm kéo lùi thị hiếu khán giả của một bộ phận những người làm SK hiện nay. Vậy, vai trò kiểm duyệt, vốn từng được xem là nơi gác cửa cực kỳ khó tính của SK đang ở đâu?

Là thành viên Hội đồng Nghệ thuật (HĐNT) tham gia kiểm duyệt các vở diễn trước khi quyết định cấp giấy phép, NSƯT - ĐD Hoa Hạ không giấu được nỗi buồn: “Càng dự các buổi duyệt vở tôi càng thất vọng vì SK đang ngập tràn kịch ma, kịch kinh dị và bắt đầu có cả những cảnh “nóng”. Đáng buồn hơn là những vở diễn thiếu tính chuyên nghiệp cũng xuất hiện ngày một nhiều”.

Kiem duyet vo dien: Gio cao danh khe?
Ma động - một trong những vở diễn bị dư luận đánh giá còn nhiều yếu tố nghiệp dư
cả trong cách dàn dựng lẫn diễn xuất của diễn viên

Theo quy định, một vở diễn SK chỉ được cấp phép khi không có những vi phạm về tư tưởng, chính trị, về thuần phong mỹ tục và chất lượng nghệ thuật ở mức trung bình khá. Thực tế, không ít vở diễn phải trải qua hai-ba lần phúc khảo, nhưng gần như chưa có vở nào bị “tuýt còi” vì vi phạm về thuần phong mỹ tục, tư tưởng... Chưa kể về chất lượng nghệ thuật thì có quá nhiều điều cần bàn.

Nói về “nghịch lý” này, ĐD-NSƯT Trần Minh Ngọc - thành viên của HĐNT cho biết: “Nếu không vi phạm về thuần phong mỹ tục, tư tưởng hay những vấn đề nhạy cảm… không có lý do gì để không cho kịch bản ấy công diễn. Sự can thiệp nhiều nhất của HĐNT chỉ là những lời góp ý để tác giả, ĐD sửa chữa thêm cho vở diễn hoàn chỉnh hơn, đạt chất lượng hơn”.

Tuy nhiên, không phải êkíp nào cũng chấp nhận sửa theo ý kiến của HĐNT. Chưa kể, không loại trừ những trường hợp trong buổi phúc khảo và suất diễn cho khách mời báo chí, DV được ép vào một giới hạn nhất định. Nhưng, những suất diễn sau đó nhiều thứ được “bung ra”, từ phong cách dàn dựng đến phục trang, lời thoại của DV… cốt để thu hút khán giả.

Còn một lý do khác khiến HĐNT dù thất vọng về chất lượng cũng không nỡ mạnh tay, đó là “chén cơm manh áo” của các SK. SK đang gặp khó khăn, khán giả thưa vắng, mỗi vở diễn dù đơn giản cũng là một khoản đầu tư và công sức tập luyện… Ách vở diễn lại thì không nỡ. Chưa kể, không ít vở đã được quảng cáo, ấn định ngày ra mắt, thậm chí bán vé từ trước ngày phúc khảo. HĐNT gần như bị đẩy vào thế bị động, vở diễn không có gì nhạy cảm, thôi thì… “cho qua”.

Hiểu nỗ lực của những người làm SK trong tình hình khó khăn; chia sẻ với gánh nặng “cơm áo gạo tiền” của các nhà quản lý SK để duy trì một điểm diễn sáng đèn, nhưng không thể vì thế mà chấp nhận kiểu làm nghề dễ dãi. Nếu vẫn cứ tiếp tục “mềm lòng” trước những vở diễn kém chất lượng thì e sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Không phải khán giả nào cũng đủ tỉnh táo để nhận định chất lượng của vở diễn, nhất là những khán giả trẻ. Khi SK có quá nhiều vở diễn nhảm nhí, kém chất lượng nghệ thuật thì một bộ phận khán giả có thể sẽ ngộ nhận về những giá trị, chuẩn mực cần có của một vở diễn SK. Liệu rồi SK sẽ đi về đâu? NSƯT Hoa Hạ thẳng thắn: “Nếu để tình trạng các vở diễn kém chất lượng nghệ thuật được cấp phép công diễn ngày càng nhiều, trách nhiệm này một phần thuộc về HĐNT”. Phải chăng đã đến lúc cần thống nhất lại những tiêu chí, yêu cầu cần phải có để cấp phép cho một vở diễn?

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI