Không thể định giá tài sản trí tuệ!

09/08/2017 - 14:36

PNO - 'Đó là trí tuệ của tôi, là con của tôi. Tôi phải được toàn quyền quyết định số phận của nó', nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc.

Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan hiện đang được Bộ VH-TT-DL lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Nhiều điều khoản trong dự thảo đã bị các nghệ sĩ phản ứng gay gắt.

Khong the dinh gia tai san tri tue!

Lệ Quyên, Quang Lê hát góp vui trong “siêu đám cưới” tại Hà Nội; trong khi tác giả không có quyền từ chối người khác thể hiện tác phẩm của mình

Trong chương V về tổ chức đại diện tập thể quyền; điều 42 của dự thảo nghị định yêu cầu các tổ chức này phải xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan và đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm. Đây là yêu cầu hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Tuy nhiên ngay sau đó, khoản 2 điều này đã buộc bên chủ sở hữu và bên sử dụng tác phẩm áp dụng Nghị định 21/2015/NĐ-CP (ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác) để tính nhuận bút và thù lao.

Cần biết rằng Nghị định 21/2015 chỉ “áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước”, không thể bao trùm lên các thỏa thuận dân sự của những tập thể và cá nhân khác.

Căn cứ để tính nhuận bút, thù lao theo Nghị định 21 là mức lương cơ sở hoặc kinh phí được duyệt, trong khi các show diễn kinh doanh không hề dùng ngân sách nhà nước và các tác phẩm được sử dụng cũng chẳng phải tài sản của Nhà nước để bị định giá theo cách đó.

Khong the dinh gia tai san tri tue!
Ca sĩ Hiền Thục hát Nhật ký của mẹ của NS Nguyễn Văn Chung

“Muốn mời anh Đàm Vĩnh Hưng hay cô Mỹ Tâm, cô Hồ Ngọc Hà đi hát thì người ta phải thỏa thuận (thậm chí thỏa thuận tới cả chuyện đi lại, ăn ở cho ê-kíp đi theo) và chỉ khi thỏa thuận được thì các anh chị ấy mới hát, không thì thôi. Thế mà ở đây tác phẩm của nhạc sĩ - thứ mà ca sĩ dùng để kinh doanh giọng hát - lại bị ấn định thù lao. Rõ ràng là nhạc sĩ đã bị tước mất quyền từ chối không cho người khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc: “Trong một cuộc giao dịch, người bán có quyền định giá sản phẩm của mình; cũng có quyền cho, tặng, hoặc từ chối bán sản phẩm đó. Người mua nếu thấy giá sản phẩm quá cao thì chỉ có quyền từ chối mua chứ sao lại được cái quyền ép người bán phải bán theo khung giá quy định. Tác phẩm âm nhạc, sân khấu… đâu phải là những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá như điện hay xăng dầu. Nếu tôi cảm thấy mình không nhận được sự tôn trọng cần thiết với tác phẩm hoặc cá nhân, tôi phải có quyền không bán ca khúc dù bên sử dụng có trả giá cao đến đâu đi nữa. Đó là trí tuệ của tôi, là con của tôi. Tôi phải được toàn quyền quyết định số phận của nó”.

Không chỉ ép các chủ sở hữu tác phẩm, dự thảo nghị định mới cũng ép luôn cả người sử dụng. Trước đây, với những tác phẩm chưa tìm được tác giả hoặc không biết tác giả là ai, tác giả chưa ủy quyền; các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng tác phẩm chỉ cần liên hệ với đơn vị quản lý tập thể quyền để thông báo và trả tiền tác quyền là xong nghĩa vụ.

Khong the dinh gia tai san tri tue!
NS Đinh Trung Cẩn cho rằng giá tác quyền nên để các bên tự thoả thuận với nhau

Sau đó, các đơn vị quản lý tập thể quyền có trách nhiệm đi tìm tác giả và thanh toán lại. Nay, với quy định mới, đơn vị quản lý quyền phải liên hệ và nhận được sự đồng ý của tác giả mới được phép thu tiền. Những tác phẩm như Hai sắc hoa Tigôn của T.T.Kh. và các bài hát dựa trên bài thơ ấy sẽ vĩnh viễn không thể cất lên khi người sử dụng không có được sự đồng ý của chủ sở hữu và đơn vị quản lý tập thể quyền cũng không thể đại diện cho phép.

Kinh nghiệm hành xử của các nước trên thế giới, với những khoản thu mà các tổ chức quản lý tập thể quyền không thể tìm được tác giả, tiền sẽ được chuyển vào các quỹ phát triển tài năng trẻ, quỹ tương tế nghệ sĩ hoặc tương tự để phục vụ cho chính lĩnh vực đó. Ở ta, dự thảo nghị định ấn định thời gian ba năm để tìm kiếm và sau đó yêu cầu các khoản tiền này phải được nộp vào ngân sách. Nếu sau thời hạn ba năm đó, tác giả xuất hiện và yêu cầu được trả tiền, ngân sách sẽ trả lại tiền như thế nào hay sẽ… lờ luôn?

Chỉ riêng trong năm 2017, Bộ VH-TT-DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã liên tiếp bị dư luận chỉ trích vì những quy định vô lý và cách hành xử lạ lùng. Nhằm chấn chỉnh các hoạt động này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu bộ phải xem lại các hoạt động của mình, điều chỉnh các quy định chưa hợp lý nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên điều chỉnh quy định không có nghĩa là tạo ra những điều bất ổn mới như những cái có thể thấy được trong dự thảo nghị định về sở hữu trí tuệ. 

Tác phẩm nào của Nhà nước?
Điều 29, dự thảo nghị định mới cho rằng “Tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo tác phẩm là chủ sở hữu quyền tác giả, đại diện sở hữu nhà nước đối với tác phẩm đó”. Quy định này cũng khiến các nhạc sĩ băn khoăn. “Đặt trường hợp một trường công lập đặt hàng nhạc sĩ viết bài hát cho trường thì bài hát đó trường được dùng, đương nhiên; nhưng nếu người khác muốn dùng để làm album hay biểu diễn sân khấu thì phải xem lại thỏa thuận giữa trường với tác giả. Nếu thỏa thuận đó trao toàn quyền cho trường thì trường mới có quyền làm chủ” - Luật sư Lê Thị Mai Hương nói.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI