Không biết đâu mà lần

26/03/2015 - 14:58

PNO - PN - Khi đọc xong trang thứ 135, gấp lại cuốn sách, thiên truyện đã dứt nhưng tiếng cười vẫn còn ở trên môi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Truyện dài Không biết đâu mà lần (NXB Trẻ) của Văn Thành Lê tạo hiệu ứng cười chảy tràn từ trang đầu đến trang cuối, cười nhưng mắt xốn, cười nhưng nấc cụt, cười nhưng nghe rát, và những mảnh vỡ của giáo dục cứ bong ra theo từng trang sách mà tác giả Văn Thành Lê đã bộc bạch: “hoặc mắt tôi đã thấy, hoặc tai tôi đã nghe, hoặc đồng thời vừa mắt tôi thấy vừa tai tôi nghe. Tôi đã nói thật. Ít nhất là với suy nghĩ và trăn trở của mình”. Bởi đây “vẫn là chuyện trường -chuyện lớp, chuyện dạy - chuyện học, chuyện thầy - chuyện trò”.

Câu cửa miệng được tác giả cố tình nhấn mạnh cuối mỗi chương: “Thật. Không biết đâu mà lần” có lúc như một nốt lặng cuối dòng nhạc nhưng cũng có khi lại như một sự rã rời, giễu nhại, chua chát, chếnh choáng. Nó lồng vào nhau giữa cái ảo ảo thật thật, giữa sự hi vọng đầy tươi mới màu hồng cho bất cứ ai vừa rời giảng đường và sự rao truyền kinh nghiệm của những người đã, đang đi qua chiếc bẫy thời gian kể lại, truyền lửa lại đến phổng tay cho kẻ mới tới thêm ngớ người trước những sự thật quá ư là thật!

Khong biet dau ma lan

Chàng trai trẻ hăm hở với tuổi xanh đầy nhiệt huyết mang ba lô vào đời. Anh làm cuộc Nam tiến. Anh tin ở trí tuệ mình chiếm lĩnh thực ở tri thức sách vở và bằng cấp thật. Câu chuyện được Anh kể lại, được Kha thâu lượm đâu đó dọc đường đời lôi ra đúc kết và chiêm nghiệm cho một thời tuổi trẻ, một thế hệ “không biết đâu mà lần”.

Anh choáng ngợp trước cảnh sẽ vô ở cùng những giáo viên đàn anh đàn chị mình đang tá túc nhà tập thể: “Cảm giác đầu tiên là khu tập thể tồn tại kiểu cha chung không ai khóc. Cỏ mọc lút từ mép cổng vào mép khuôn viên sân. Dây phơi đồ dọc theo hành lang phất phơ quần đùi áo may ô, áo cánh áo lá, quần con quần bố quần mẹ của nam và nữ. Màu sắc phong phú sặc sỡ. Phấp phới tung bay.” Không khí đó sẽ không khác mấy thời sinh viên, rồi sẽ “chiều chiều nhậu, nói chuyện vặt, đánh bài. Có mà xụi lơ”. Còn đâu cái hăm hở và sẽ rất mô phạm kiểu thuộc lòng câu: “Tiên học lễ, hậu học văn.”

Chưa hết ngạc nhiên thì sự hồn nhiên kiểu tích cực, trách nhiệm của một giáo viên đang thời kì thực tập phải dự giờ cho đủ tiết đủ bài bị ngẽn mạch, bị lời thế hệ đi trước thôi miên: “Gì mà em phải khổ một cách hồn nhiên thế, mất công ra. Chị dạy kiểu ngẫu hứng lí ngựa ô. Có em dự lại phải chuẩn bị, rầy rà ra.” Chất lượng, chỉ tiêu, cái tỉ lệ phần trăm là từ đây. Giáo viên cứ bảo khỏi phải dự, cần thì lấy giáo án ra mà ghi chép lại tiết dự giờ, cứ ghi khống cho xong việc của giáo viên đã dạy, và Anh đang là giáo viên thực tập cũng sẽ nhẹ tênh. Anh bắt đầu sáng lên từ những bài học rất khác màu hồng thuở còn ở giảng đường.

Bao tiếng lóng, vè thời sinh viên, chế lời bài hát, chế ca dao… tổng hợp lại thành những trò cười trong câu văn của tác giả. Cứ ngỡ như Văn Thành Lê đang mở màn sân khấu cho chúng ta xem tấn kịch về văn hóa xã hội học đường. Trôi tuột, lôi sạch hết những thứ hào nhoáng, giả tạo ra. Điều mà hiện nay đã và đang được truyền thông, xã hội gióng hồi chuông báo động cho nhiều ngành nghề, trong đó đứng ở top đầu phải kể tới giáo dục. Bởi giáo dục là quốc sách mà! Thế nhưng, giáo dục cứ lẹt đẹt. Học vẹt. Dạy vẹt. Lí thuyết, khẩu hiệu ào ào chống bệnh thành tích, nhưng ngấm ngầm ai ai cũng hiểu tất tần tật cả, nếu lệch đường ray thử xem. Đầu tiên lãnh nạn đủ sẽ là giáo viên, rồi sẽ đến tổ bộ môn, trường, Phòng rồi Sở… chao ôi! Rồi chữ Lễ cũng mất thiêng. Thầy trò quan hệ xằng bậy. Giáo viên chán ngán cảnh cách dạy cũ, kiểu nói cũ đành bỏ ngành, chuyển nghề và Anh đã bao lần thót dạ cứ chép miệng tội cho học trò.

Tác giả chấm phá mỗi khía cạnh giáo dục một nét, phết một vài màu sắc thành ra bức tranh giáo dục lấm lem, chếnh choáng. Mà thật, không biết đâu mà lần!

Người đọc sẽ nghĩ gì và làm gì khi bị ghì lại ở đoạn này - lời nói của lão Huyện, vốn từng là giáo viên, người Tây học đầu tiên ở làng, Anh vẫn còn nhớ: “Phải ra khỏi ao làng mới thấy nhiều thứ hay ho chúng mày ạ. Quanh quẩn xó làng chỉ ngắm dái trâu bướm bò thì có mắt cũng như mù”.
Một chuyện vui tưởng tượng chăng? Không. Vì tác giả Không biết đâu mà lần từng là giáo viên, là người trong cuộc. Cách nhìn dí dỏm, trào lộng ấy dễ đã mấy ai dám nhận mình mà là vậy ư? Ta cùng nghe họ nói, họ kể về mình về đời hay họ đang nói về mỗi chúng ta: “Làm việc nhà nước giờ chỗ nào cũng thế, ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc. Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống. Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống. Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng. Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay đồng ý”.

Tuy vậy, có thể do phong cách hoặc muốn “tung tăng” với câu chữ cho tròn trịa, đẹp đẽ, thêm màu sắc mà Văn Thành Lê viết có hơi rườm. Nếu vấn đề giáo dục đào sâu thêm nữa thì có thể mạch nước ngầm ấy còn bắn xa, bay vọt lên cao nữa kia… Một nét nhìn về giáo dục kiểu rất Văn Thành Lê!

Văn Thành Lê sinh năm 1986, quê Thanh Hóa. Anh tốt nghiệp khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Huế. Hiện anh sống và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Không biết đâu mà lần là một trong tám tác phẩm đã xuất bản của anh.

Trần Huy Minh Phương
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI