Khi sự khinh miệt người Việt được mang tên một ban nhạc

12/02/2018 - 02:37

PNO - An Nam - một từ gợi nhớ về một giai đoạn bị lệ thuộc, bị coi rẻ và khinh miệt - đã được đặt tên cho một ban nhạc, trình diễn trên sóng quốc gia và đến với hàng triệu khán giả.

Tối 11/2, chương trình Ban nhạc Việt đã kết thúc mùa đầu tiên. Tuy nhiên, gây chú ý từ sự kiện này không phải là một mùa chương trình với format hiếm hoi về ban nhạc, hay những huấn luyện viên tâm huyết hoặc thí sinh tài năng, mà là từ tên của ban nhạc đoạt giải nhất: An Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà từ rất lâu, dù không hề có 1 văn bản chính thức, tên gọi “An Nam” gần như không được sử dụng và được sự đồng tình của nhiều người. Bởi, đó là tên gọi mà theo các sử gia, xuất phát từ sự miệt thị mà Việt Nam gánh lấy từ 1.000 năm đô hộ phương Bắc và 100 năm Pháp thuộc. Theo TS Phan Đăng Thanh, An Nam là từ phong kiến Trung Quốc gọi nước Việt cổ, hàm ý “Nam Man” (bọn “man di mọi rợ” ở phía Nam).

Khi su khinh miet nguoi Viet duoc mang ten mot ban nhac
Ban nhạc An Nam biểu diễn Nam quốc sử ca cùng HLV Phương Uyên

Gần nhất, năm 2012, một resort ở Phan Thiết đã được yêu cầu không sử dụng tên gọi ‘Công chúa An Nam” vì sự phản đối của nhiều người.

Thế nhưng, một ban nhạc mang cái tên đầy tính miệt thị dành cho người Việt này xuất hiện trên sóng quốc gia (VTV3) suốt nhiều tuần. Nực cười hơn, các ca khúc mà ban nhạc này chọn thi thố đều mang tính sử ca: ở đêm chung kết là Nam quốc sử ca (với việc lồng ghép bài thơ Nam quốc sơn hà – được xem là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của người Việt, trước sự đô hộ của phong kiến phương Bắc); Dòng máu Lạc Hồng (tập 12); Giao thời ngoại kỷ (về sự kiện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi hoàng đế, do nhóm tự sáng tác); Tiếng trống Mê Linh (lấy cảm hứng từ câu chuyện Hai Bà Trưng, cũng do nhóm tự sáng tác)…

Ngay từ đầu, theo lời giới thiệu, dòng nhạc mà nhóm nhạc này chọn theo đuổi là rock sử ca, nhằm giúp mọi người hiểu hơn về sử Việt (?). Nhưng, ngay từ cái tên nhóm, khán giả phải hiểu thế nào về sử Việt đây, khi tên nhóm như một sự thừa nhận, chấp nhận về một sự đô hộ và khinh rẻ?

Dĩ nhiên, không thể không đặt dấu hỏi về việc quản lý của các cấp. Với nhà sản xuất chương trình, một cái tên gọi dù mang nghĩa gì cũng không quan trọng bằng việc chương trình có đặt tỉ suất người xem cao hay không (đồng nghĩa với việc nhãn hàng đổ tiền quảng cáo nhiều hay không), nhưng “bộ lọc” của nhà đài cũng như các cơ quan quản lý đã ở đâu với một cái tên miệt thị người Việt ngang nhiên lên sóng quốc gia như thế?

Khi su khinh miet nguoi Viet duoc mang ten mot ban nhac
Biểu diễn ca khúc do nhóm tự sáng tác: Tiếng trống Mê Linh

Không khó để thấy, trên fanpage của nhóm, rất nhiều tín đồ âm nhạc quan tâm và dành nhiều lời khen, trở thành fan của nhóm. Làm sao để chắc rằng cái tên An Nam không được chấp nhận ở giới trẻ như một điều tự nhiên mà quên đi tầng nghĩa của nó, từ sự yêu thích này?  Chúng ta vốn đã gào thét bấy lâu nay về sự thờ ơ của giới trẻ với sử Việt, sẽ thế nào nếu sử Việt đến với trẻ bằng một sự lệch lạc, bắt đầu từ tình yêu âm nhạc?

Mạnh Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI