Khi nghe nhạc Việt phải có phụ đề

20/05/2018 - 17:36

PNO - Khi nghe các ca khúc nhạc Việt gần đây, không ít người phải thốt lên: 'Cần phải có phụ đề thì mới hiểu ca sĩ đang hát lời gì!'.

Nhiều ca khúc khiến người nghe hoang mang

Sau hơn 1 năm im ắng, Sơn Tùng trở lại với V-biz bằng một MV khá hoành tráng với tên gọi Chạy ngay đi. Chưa hết hân hoan, tò mò, khán giả lại nhanh chóng hoang mang khi không nghe rõ nam ca sĩ hát gì trong hơn 4 phút. Không ít ý kiến cho rằng cần ngay bản phụ đề cho ca khúc này. Trong khi đó, người lại chọn cách nghe đi nghe lại đến gần chục lần để hiểu sơ lược về nội dung mà Sơn Tùng muốn truyền tải.

MV Chạy ngay đi của Sơn Tùng khiến người nghe hoang mang

Đây không phải lần đầu tiên Sơn Tùng gây tranh cãi vì những bài hát như thế. Thái Bình mồ hôi rơi trong đêm thi thứ hai của The Remix 2015, Không phải dạng vừa đâu hay Lạc trôi là những ca khúc đều khiến người nghe liên tục thắc mắc vì không thể xác định được lời bài hát các ca khúc này..

Đêm chung kết Sing my song 2018 diễn ra mới đây, Lộn Xộn Band dù lên ngôi quán quân khá thuyết phục nhưng tiết mục của nhóm cũng nhận những lời chê bai vì hát không rõ lời. Ngoài ra, trong đêm thi này, Sa Huỳnh cũng là cái tên khiến khán giả hoang mang vì không hiểu rõ đang hát gì với ca khúc Bão hoà. Đâu đó ở những khoảng cao trào của tiết mục, người ta mới kịp cảm nhận hai từ “bão hoà” thông qua giọng của Tùng Dương, người phụ diễn với Sa Huỳnh.

Trước đó, Đông Nhi cũng khiến khán giả chỉ nghe được phần giai điệu với ca khúc On TopShake the rhythm - Hãy nói yêu em (Đông Nhi), Kém duyên (Rum, NIT, Masew), Yêu đương (OSAD, Turn Hirn), Tối nay một mình (Lou Hoàng), I know you know (Soobin Hoàng Sơn)... cũng chẳng khác mấy, muốn hiểu và cảm trọn vẹn các ca khúc này, khán giả phải đi tìm phần lyric (lời bài hát).

Khi nghe nhac Viet phai co phu de
Lộn Xộn Band trong đêm chung kết Sing my song 2018

Việc ca sĩ hát không nghe rõ lời khiến người nghe dễ chuốc sự bực bội vào người, thông điệp, nội dung được truyền đi không được trọn vẹn hoặc gây ra những phản ứng tiêu cực. Trường hợp vừa qua của Sơn Tùng, dù sản phẩm mới được mong chờ nhưng khiến không ít khán giả có tâm lý không vui khi phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới nhận diện được một số lời trong đó.

Trong khi đó, một giám khảo tiết lộ không bình chọn cho Lộn Xộn Band xuất phát từ việc hát không rõ lời dù tiết mục thực sự nổi bật so với mặt bằng chung.

Nhìn vào thực tế đang diễn ra, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết một số ca khúc vừa qua anh không thể nghe nổi một từ nào. Thậm chí anh cho rằng khi số lượng những bài hát tương tự như thế cứ phát triển thì có thể gây tác động không tốt cho âm nhạc.            
Trong khi đó, ca sĩ Võ Hạ Trâm bày tỏ sự không đồng tình với việc ca sĩ hát nhạc Việt nhưng phải có phụ đề để khán giả hiểu. “Lời bài hát thực sự quan trọng, là yếu tố truyền dẫn để khán giả quyết định có thích bài hát hay không chứ không phải chỉ giai điệu. Đã hát thì phải rõ lời, vì chúng ta không phải làm nhạc hoà tấu. Tôi có cảm giác một số bài hát mà ca sĩ cứ hát, còn chuyện khán giả nghe hay không thì mặc kệ”, nữ ca sĩ chia sẻ thẳng thắn.            

Khi nghe nhac Viet phai co phu de
Nhạc sĩ Hoài Sa (trái) và Dương Cầm (phải)

Ca sĩ phải hát rõ lời từ 70%, 80% trở lên

Theo lý giải từ Dương Cầm, Lê Minh Sơn, Hoài Sa hay Nguyễn Văn Chung việc ca sĩ hát không rõ lời phần lớn rơi vào những dòng nhạc có tiết tấu nhanh như: EDM, Rap, R&B theo xu hướng underground. Đây là tính đặc thù mà ngay cả nhạc Âu - Mỹ hay nhạc Việt đều không thể tránh khỏi.     

“Chúng ta nên thừa nhận âm nhạc có nhiều dòng, nhiều phong cách, nhiều cách thể hiện... quan trọng nhất vẫn là sự quyết định của khán giả để chúng tồn tại đến đâu”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.

Có người sáng tác tập trung vào cảm xúc, ý nghĩa ca từ kèm giai điệu, nhưng có người đi theo hướng âm nhạc, giải trí nên sẽ tập trung vào giai điệu, biểu diễn chỉ cần tiết tấu, nhảy sung, đẹp nên đây cũng là nguyên nhân đẫn đến sự ra đời của những bài hát mà ca sĩ hát không rõ lời. Nhạc sĩ Hoài Sa nói rõ thêm: “Chúng ta không thể nào bắt một người hát EDM, rap, rock lại có thể nghe rõ 100% lời như hát ballad chậm rãi được. Ví dụ như nhạc Trịnh, lời quá hay, âm điệu chậm thì hoàn toàn có thể nghe, hiểu, thẩm thấu nhưng cũng có những loại nhạc nghe chỉ cần tiết tấu mà thôi”.           

Ngoài ra, theo một số tác giả, đặc trưng ngôn ngữ tiếng Việt có dấu thanh cũng tạo ra một số khó khăn cho người sáng tác lẫn người hát khi chọn những dòng nhạc có tiết tấu nhanh, hiện đại. “Chúng ta đang trên đường học hỏi nên có nhiều bất cập, trong đó lớn nhất là ngôn ngữ tiếng Việt có dấu thanh nên khi ghép vào nhạc nhiều tiết tấu sẽ khó để nghe được trọn vẹn thanh âm. Vì thế, cũng cần có thêm thời gian để các cây bút hay ca sĩ rèn luyện và tìm cách thêm”, nhạc sĩ Dương Cầm nói.

Khi nghe nhac Viet phai co phu de
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng sự tồn tại của một bài hát hay một dòng nhạc đều phụ thuộc và bị chi phối bởi khán giả

Dẫu thế, không hẹn mà gặp, các nhạc sĩ đều cho rằng với một bài hát đúng chuẩn, ít nhất ca sĩ phải hát rõ lời từ 70, 80% trở lên. Nhạc sĩ Hoài Sa nhấn mạnh phải hát rõ được phần điệp khúc, như một tiêu chí quan trọng hàng đầu. "Ca sĩ hát buộc phải rõ lời là nguyên tắc hàng đầu"- Hoài Sa nói.

Sẽ có nhiều người cho rằng với âm nhạc, việc hiểu từng lời bài hát không quyết định được độ "cảm" bài hát đó, như cách để nghe Kpop hay US - UK... Tuy nhiên, với một người Việt, nghe nhạc Việt mà phải có phụ đề để hiểu ca sĩ hát gì, thì thật là bi kịch!

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI