Khi nào khán giả Việt thôi dễ dãi?

23/10/2018 - 17:00

PNO - Dễ tiếp nhận, dễ bỏ qua những điều sai khiến khán giả Việt đang dần đánh mất quyền điều tiết thị trường giải trí và cơ chế tự bảo vệ trước những sản phẩm thiếu văn hóa, độc hại.

Khán giả tiếp tay

Trung tuần tháng 10, Bảo Anh ra mắt MV mới với ca khúc chính Như lời đồn, sáng tác của Khắc Hưng. Tên bài hát khiến người trong nghề, dư luận xôn xao bởi khi nói lái cho ra nghĩa tục tĩu. Nhạc sĩ Dương Cầm cho biết nếu có quyền, anh sẽ cấm ca khúc này vì làm mất đi sự đẹp đẽ của âm nhạc, dù mang tính giải trí. Thế nhưng một bộ phận khán giả phản bác, cho rằng Dương Cầm quá khắt khe, vạch lá tìm sâu, thậm chí dùng những từ ngữ thóa mạ nhạc sĩ.

MV Như lời đồn - Bảo Anh:

 

Gây tranh cãi nhưng Như lời đồn vẫn đạt được hơn 7 triệu lượt xem và đang xếp thứ 17 trên bảng xếp hạng thịnh hành YouTube tại Việt Nam. Trước đó, một số sản phẩm âm nhạc cũng gây xôn xao vì tựa đề, nội dung mang nghĩa dung tục như: Nắng cực, Như cái lò, Thu dẩm, Oh my chuối... Dẫu thế, chúng vẫn được khán giả tìm nghe, thưởng thức.

Sự xuất hiện của gameshow hẹn hò Date and kiss cuối tháng 8 hay Dare pong hồi tháng 6 cũng từng gây xôn xao bởi những hình ảnh, tình huống mang tính kích dục, phản văn hóa. Nhưng các chương trình này vẫn đạt hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu lượt xem cho mỗi tập phát sóng trên YouTube dù nội dung bị lên án, cảnh báo.

Trong đoạn video quảng bá tập 2 Thách thức danh hài 2018, thí sinh Phạm Văn Thoại khiến trường quay cười ngặt nghẽo khi thực hiện tiết mục chửi giám khảo, MC. Chàng trai này đã được cộng đồng mạng biết đến với biệt danh “thánh chửi” bán hàng online với những câu nói sốc, thiếu văn hóa. Tiết mục này đang nhận được sự quan tâm khá đặc biệt trước ngày lên sóng.

Khi nao khan gia Viet thoi de dai?
Phạm Văn Thoại đang là thí sinh được chú ý khi xuất hiện tại Thách thức danh hài 2018

Nhiều tiết mục không kịch bản, người gây cười nhảm nhí như thế xuất hiện nhan nhản trên các chương trình truyền hình trong vài năm qua. Hẳn khán giả vẫn chưa quên cô gái Kim Hoàng chỉ với câu hát “Đà đà đa đá đà...” (hát theo lời ca khúc Nhiều người ôm giấc mơ của Lê Cát Trọng Lý) đã thắng 100 triệu đồng hồi đầu năm nay... hay chuyện chàng trai Tấn Lợi diễn hài tục vẫn chiến thắng chung cuộc.

Người làm nghề, nhà sản xuất (NSX) bị chỉ trích khi để những nụ cười dễ dãi lọt sóng. Nhưng kỳ lạ thay, những hiện tượng này lại được khán giả chào đón, chủ động tìm xem rất nồng nhiệt. Sức cạnh tranh của chúng luôn mạnh trên các môi trường phát online nhờ hiệu ứng viral cao mà người xem mang lại.

Sau thời ăn ngon, khán giả dường như đang thích thú với những món lạ, dễ gây tò mò. Chưa tính đến chất lượng, miễn hình thức đủ đáp ứng nhu cầu, sản phẩm dễ dàng được dung nạp. Càng cấm, càng cảnh báo, khán giả lại càng tìm xem. Sự tò mò, dễ dãi này đang tạo môi trường sống tốt cho những sản phẩm thiếu văn hóa, mang theo nhiều hệ luỵ.

Khán giả đánh mất khả năng tự vệ

Nhịp sống hiện đại ngày càng nhanh, con người càng bận rộn - lý do để những sản phẩm thuần giải trí ra đời. Chúng dần thế chỗ cho những tác phẩm có chiều sâu, cần thời gian thưởng thức. Mạng xã hội, môi trường trực tuyến phát triển - cái cớ cho việc chạy theo thị hiếu, xu hướng được lên ngôi.

Sự phát triển này được xem là một phần tất yếu trong bất kỳ nền giải trí nào ở hiện tại. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhanh, thiếu chiều sâu, chuộng xu hướng đang đưa đến sự hời hợt, dung tục trong các tác phẩm. Chúng phản ánh phần nào văn hóa của người làm văn hóa đang đi xuống.

Khi nao khan gia Viet thoi de dai?
Như cái lò - ca khúc gây xôn xao dư luận năm 2017

Cái tôi, đạo đức của người làm nghề bị mang ra mổ xẻ, chỉ trích sau những ồn ào trên. Nhu cầu của người thưởng thức nhiều nhưng sản phẩm đủ chất lượng, nghệ sĩ có tri thức để định hướng lại thiếu trầm trọng. Nhưng để một sản phẩm tồn tại, ngoài tác giả, khán giả đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Nếu không có sự dễ dãi của họ, chúng có đất sống?

Điều này cũng góp phần nuông chiều sự ngông cuồng, thiếu suy nghĩ của nghệ sĩ bởi cứ sai đi, bị chửi và làm lại. Khắc Hưng từng bị lên án vào năm 2017 với Như cái lò, sau đó lại được đón nhận - giờ đây tiếp tục Như lời đồn. Sĩ Thanh vẫn sống tốt bằng phim ảnh, ca nhạc sau Oh my chuối. Bảo Anh vẫn thoải mái mang Như lời đồn biểu diễn ở nhiều sự kiện gần đây...

Thói quen tẩy chay chưa được hình thành trong khán giả để trở thành lời cảnh cáo cho nghệ sĩ Việt. Chín bỏ làm mười trở thành sự thỏa hiệp đáng chê trách trước những hiện tượng văn hóa xuống cấp.

Khi nao khan gia Viet thoi de dai?
Khắc Hưng (phải) vướng những ồn ào với 2 ca khúc: Như cái lò, Như lời đồn

Khán giả có quyền điều tiết thị trường giải trí bằng cách chấp nhận hoặc gạt bỏ các sản phẩm của nghệ sĩ. Nhưng thật xa xỉ khi nói về ý thức này ở hiện tại trong làng giải trí Việt. Khán giả thèm, tò mò, nghệ sĩ cung cấp rồi họ dung nạp tất cả.

Chúng ta chưa có lớp khán giả khó tính, có hiểu biết để góp phần vào việc tạo nên một bộ lọc cần thiết. Cứ như thế khán giả Việt đang tự biến mình thành những cỗ máy tiêu thụ sản phẩm giải trí, trong đó có cả “rác”, thậm chí “chất độc”... nhưng vẫn xuề xòa cho qua. Khả năng tự vệ vốn đã yếu nay lại dần mất đi.

Vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng một môi trường giải trí sạch là sự tác động tương hỗ giữa khán giả và nghệ sĩ, NSX. Tuy nhiên, làng giải trí Việt đang có những đặc thù khiến khán giả mất đi năng lực tự bảo bệ bản thân.

“Ở Hàn Quốc, Thái Lan... khán giả bỏ tiền để thưởng thức nghệ thuật. Vì thế, họ giữ quyền chi phối rất mạnh. Sức đề kháng văn hóa của họ cũng mạnh theo. Khi đòi hỏi của khán giả cao, kéo theo cả ý thức, trách nhiệm của người làm nghề. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, khán giả, NSX cho ra sản phẩm miễn phí, khán giả lại không quen bỏ tiền thì làm sao đòi hỏi được như thế?”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận định.

Có lẽ khi nào thị trường giải trí Việt trở nên chuyên nghiệp thì sức đề kháng văn hóa của khán giả mới hy vọng được nâng lên.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI