Khi Kiều lên sân khấu đương đại

14/06/2019 - 16:00

PNO - Ra đời cách nay đã 200 năm, 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du vẫn đầy hấp dẫn, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều tác phẩm nghệ thuật sau này.

Mỗi tác phẩm, bằng góc nhìn riêng, đã góp phần đưa Truyện Kiều thành di sản văn hóa của cả dân tộc và giữ vững vị thế ấy.

Kiều trong mắt đạo diễn Hàn Quốc

Ngày 22/6 này, vở Múa Kiều (biên đạo: Chun Yoo Oh) - tác phẩm từng gây ấn tượng mạnh khi ra mắt khán giả năm 2018 - sẽ trở lại với công chúng TP.HCM, với một diện mạo khác. Tác phẩm do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) cùng nhóm múa Y.O Saigon Dance Ensemble (YOSDE) thực hiện.

Khi Kieu  len san khau  duong dai
Ba nàng Kiều đồng hiện trên sân khấu Nhà hát Thành phố trong buổi diễn Múa Kiều năm 2018 - Ảnh: Phúc Hải

“Khi tiếp cận tác phẩm rồi thực hiện chuyển thể Truyện Kiều của Nguyễn Du năm 2018, dù biết đây là tác phẩm văn học rất nổi tiếng của Việt Nam, tôi vẫn không nghĩ Kiều là hình tượng được nhiều người yêu mến như vậy, nhất là khi người ta gần như bội thực với các loại hình giải trí hiện đại. Tôi hy vọng khán giả đến xem Múa Kiều vì họ cũng yêu thích nàng Kiều, như tôi cùng toàn bộ ê-kíp, chứ không phải vì hiếu kỳ - muốn đến xem một người ngoại quốc bày trò trên sân khấu.

Sau buổi biểu diễn năm 2018, tác phẩm mang lại cho tôi sự chia xa; nhưng năm 2019, nó lại đem đến cho tôi những cuộc gặp hoan hỷ cũng như những mối quan hệ đầy ý nghĩa. Tác phẩm được dàn dựng với những hình tượng tuyệt mỹ, đã diễn tả những cung bậc thăng trầm khác nhau mà nàng Kiều đã trải qua. Tôi tin rằng, với sự làm việc nhiệt tình và chân thành của mọi người, hơi thở của thơ ca đang sống lại”.

Biên đạo múa Hàn Quốc Chun Yoo Oh

Thông qua ngôn ngữ cơ thể để chuyển tải tính cách của từng nhân vật, tác phẩm tập trung vào việc miêu tả những mâu thuẫn nội tâm cùng các cung bậc tình yêu. Thay vì chỉ tập trung thể hiện “đời thực của Kiều”, “linh hồn của Kiều”, “tương lai của Kiều” trên sân khấu, vở múa xây dựng thêm các phân cảnh để làm tăng những cung bậc cảm xúc, thông qua các nhân vật như Từ Hải, Kim Trọng, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Kiều và Đạm Tiên… qua đó, truyền tải rõ hơn cuộc sống lưu lạc và sự truân chuyên của kiếp hồng nhan.

Vở múa được xây dựng bằng ngôn ngữ múa đương đại, trên nền tảng văn hóa cổ truyền đậm chất Việt, đan cài những nét giao thoa với múa Hàn Quốc. Không gian Đông - Tây gặp gỡ, giao hòa; truyền thống và hiện đại đan xen; trang phục tơ lụa mềm mại, quyến rũ như biểu tượng của người phụ nữ. Múa Kiều được thể hiện bởi những tâm hồn đương đại, nhưng vẫn giữ trọn vẹn giá trị truyền thống, đầy chất thơ và đặc biệt là dẫn dắt khán giả cảm nhận Truyện Kiều theo một cách thức hoàn toàn khác so với nguyên tác của Nguyễn Du.

Khi Kieu  len san khau  duong dai
Cảnh diễn Kiều bán mình- Múa Kiều. Ảnh: Ninh Hạ

Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng chia sẻ, phần âm nhạc cũng là một điểm thú vị trong tác phẩm. NSND Thanh Hoài sẽ ngồi trên sân khấu cùng với cung văn đàn đáy, hát ca trù trong một số phân đoạn đặc biệt. Phần hát của Hàn Quốc đi cùng vở diễn, như một cuộc song hành nghệ thuật, do ca sĩ Kwon-Soon Kang thể hiện. Đạo diễn Sun Goo Jung chia sẻ: “Trong câu chuyện về nàng Kiều 200 năm trước, nhiều nhân vật vẫn giống và sống cùng chúng ta. Hôm nay, ta gặp một nàng Kiều đi dạo trên phố, nhưng ngày mai, chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên một nàng Kiều khác để khán giả chiêm ngưỡng”.

Thêm một thử nghiệm ở kịch nói

Kiếp hồng nhan, vở kịch do tác giả Lê Chí Trung viết, dựa trên Truyện Kiều đã được đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu đưa lên sàn tập, dự kiến ra mắt cuối tháng 8/2019 tại Nhà hát Thế Giới Trẻ. Ý tưởng dàn dựng dựa trên nhu cầu của các trường THPT, đại học nhằm giới thiệu cho học sinh, sinh viên những tác phẩm văn học nổi tiếng, Kiếp hồng nhan có lối kể hiện đại và mang nhiều yếu tố thử nghiệm, từ cách xây dựng kịch bản đến ngôn ngữ sân khấu, chất liệu âm nhạc, phục trang…

Một trong những điều đặc biệt nhất của Kiếp hồng nhan là kịch bản được viết theo kiểu đo ni đóng giày cho từng diễn viên của Nhà hát Thế Giới Trẻ. Các nhân vật ở Kiếp hồng nhan không thay đổi tính cách so với các nhân vật của Truyện Kiều, nhưng được khai thác thêm những chi tiết, cá tính và cả thế mạnh ngoại hình, diễn xuất… của từng diễn viên. Khác biệt ở Kiếp hồng nhan là việc xây dựng tình huống, khai thác tâm trạng, cảm xúc… của nhân vật “phía sau” những vần thơ Nguyễn Du. Với cách kết cấu kịch bản này, Hoạn Thư hứa hẹn sẽ là một trong những nhân vật đa chiều và tạo được nhiều điểm nhấn.

Khi Kieu  len san khau  duong dai
Kiều của NSND Anh Tú trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói 2018 - Ảnh: Thảo Vân

“Người đời vẫn mượn tên Hoạn Thư để mô tả những người phụ nữ ghen tuông, tàn nhẫn, nham hiểm, độc ác, mà bỏ qua tâm trạng của người vợ bị chồng phản bội. Phía sau sự cay nghiệt của Hoạn Thư là một tâm hồn vỡ vụn và những giọt nước mắt đau đớn, thương cho phận mình. Đó là một trong những chi tiết khiến tôi cảm thấy rất thú vị khi đặt bút “phác họa” các nhân vật” - tác giả Lê Chí Trung chia sẻ.

Những nhân vật thuộc tuyến nhân vật phụ như Mã Giám Sinh, Từ Hải, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến… cũng được đo ni đóng giày và vẽ đậm tính cách trên sàn diễn, để kể cả những học sinh, sinh viên chưa đọc hết Truyện Kiều cũng có thể hiểu toàn bộ nội dung và nhận diện rõ từng nhân vật trong tác phẩm.

Sau Âm binh, Cát trắng như gạo, đây là lần thứ ba Nhà hát Thế Giới Trẻ đưa tranh cát động vào tác phẩm để chuyển bối cảnh, không gian… thay cho lối tắt đèn chuyển cảnh. Hiệu quả từ tranh cát với tổng thể vở diễn và cảm xúc của người xem vẫn đang là một ẩn số.

Từng để lại nhiều dấu ấn qua các tác phẩm hướng trực tiếp đến đối tượng khán giả học sinh, sinh viên, Kiếp hồng nhan được đặt rất nhiều hy vọng sẽ là một bản diễn đẹp phục vụ khán giả trẻ, mở thêm một lối đi cho sân khấu kịch học đường trong tương lai. 

Năm 2012, NSND Lan Hương đã thể nghiệm tác phẩm Nguyễn Du với Kiều ở Đoàn kịch thể nghiệm - Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội. Được dàn dựng theo phong cách kịch hình thể, chất liệu âm nhạc chính của Nguyễn Du với Kiều là những làn điệu của chèo, chầu văn, hò Huế, Dạ cổ hoài lang… như muốn mô tả thân phận lênh đênh của nàng Kiều. Tuy nhiên, cái gây nhiều tranh cãi nhất ở vở diễn thể nghiệm này là chi tiết Kiều hóa thân thành Phật bà nghìn mắt, nghìn tay ở phần kết. NSND Lan Hương lý giải sau đó, chị chỉ đưa Kiều đi vào bàn tay Phật bà, với ý nghĩa để nàng nương nhờ bóng Phật; tiếc rằng người xem lại hiểu là Kiều hóa thân vào Phật bà.

Năm 2016, Truyện Kiều lại được cố đạo diễn - NSND Anh Tú dàn dựng theo phong cách thể nghiệm trên sân khấu Nhà hát Kịch Viêt Nam. Kiều của NSND Anh Tú là sự kết hợp giữa âm nhạc đương đại với những sáng tác của nhạc sĩ Giáng Son và múa truyền thống. Các diễn viên kịch nói phải hát, múa, thoại kịch… khi thể hiện nhân vật. Không phủ nhận vở diễn có nhiều yếu tố thể nghiệm trong chất liệu âm nhạc, xử lý không gian, ánh sáng sân khấu; nhưng về tổng thể, Kiều chưa đủ sức thuyết phục người xem, nhất là với những ai đã từng đọc hoặc nghe kể Truyện Kiều, do vở diễn giống như minh họa tác phẩm của Nguyễn Du hơn là kể lại Truyện Kiều bằng ngôn  ngữ, thủ pháp riêng của sân khấu.

Thảo Vân - Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI