Khi Hollywood đầu tư vào những vai phản diện

25/05/2019 - 13:00

PNO - Gần 10 năm trở lại đây, các nhà sản xuất tại Hollywood không tiếc công sức đầu tư vào vai phản diện, công phu, tỉ mỉ từ tính cách, nội tâm cho đến mời những ngôi sao đóng các vai diễn này.

Lịch sử điện ảnh đã chứng kiến không ít vai phản diện ấn tượng và đầy ám ảnh như: Patrick Bateman (phim American Psycho), bác sĩ tâm thần Hannibal Lecter (Sự im lặng của bầy cừu), Jocker (The Dark Knight)… Tuy nhiên, câu chuyện vai phản diện ở thì hiện tại có lẽ đã khác đi một chút.

Từ thế giới cổ tích…

Mùa hè 2012, Snow White and the Huntsman ra rạp, khán giả gần như quên mất nàng Bạch Tuyết - nhân vật chính của phim - là ai (một vai diễn thất bại của Kristen Stewart). Thay vào đó, nhân vật khiến họ ấn tượng lại chính là hoàng Hậu Ravenna (Charlize Theron). Có lẽ, hiếm có bộ phim nào mà Bạch Tuyết - “thủ phạm” gây nên cái chết của một bà hoàng hậu độc ác lại khiến khán giả giận dữ như vậy!

Maleficent, một phim cổ tích khác sau này đã góp thêm tiếng nói cho những nhân vật nữ phản diện gắn liền với kiếp “phù thủy”. Maleficent là một bà mẹ khóc lóc? Nghe có vẻ hoang đường! Nhưng tất cả đã hóa phi thường qua diễn xuất của Angelina Jolie. Cả Theron và Jolie đều đã là những ngôi sao hạng A tại Hollywood khi đóng các vai diễn này. Và, sự góp mặt của họ không những làm lu mờ vai chính diện, đưa phim lọt top doanh thu phòng vé mà còn buộc các nhà biên kịch đầu tư hơn, đưa góc nhìn mới mẻ hơn với những vai phản diện đã trở nên quen thuộc.

Khi Hollywood dau tu vao nhung vai phan dien
Into the Woods không khiến khán giả khiếp sợ mà mang đến sự cảm thông với một bà mẹ trở nên quái gở khi bị những đứa con ghẻ lạnh.

Tiếp đó, Into The Woods xuất hiện ngay lúc các hãng phim bắt đầu tung ra những lực lượng tinh nhuệ nhất để hướng đến Oscar. Meryl Streep vào vai một bà mẹ thống khổ khi chứng kiến sự ghẻ lạnh của con gái, không những góp vào chút “hàn lâm” đưa Into The Woods lọt vào đề cử Oscar 2014 mà còn chứng minh rằng “làm vai phản diện ngầu lắm thay”.

Năm 2015, Cinderella ra rạp. Vai bà mẹ ghẻ được giao cho một ngôi sao kỳ cựu khác - Cate Blanchett! Đây thực sự là quyết định đúng đắn của Disney, bởi lẽ, thay vì phàn nàn về khâu kịch bản quá nhàm chán, khán giả vẫn kéo ùn ùn đến rạp để xem màn hóa thân của Blanchett, mang về cho phim 70 triệu USD doanh thu mở màn.

Khi Hollywood dau tu vao nhung vai phan dien
Vẻ đẹp, sự thông minh và thần thái của Cate Blanchett khiến các diễn viên còn lại trong phim Cinderella lu mờ.

Ý tưởng đưa nhân vật phản diện trở thành trung tâm bộ phim không mới, nhưng trong phạm vi cổ tích vẫn được các nhà làm phim cân nhắc. Sự thay đổi ấy khiến cho yêu cầu tuyển chọn tuyến nhân vật này (đặc biệt là vai phù thủy, mẹ kế) ngày càng cao hơn, đảm bảo được tính nữ quyền và bình đẳng tại Hollywood. Đồng thời, thay đổi cách suy nghĩ cũ mòn: không phải người phụ nữ nào trải qua cay đắng đều sẽ trở thành phù thủy hay một bà mẹ kế cay nghiệt. Đây chính là bài học hoàn toàn mới cho trẻ nhỏ, như thông điệp của nàng Lọ Lem: Hãy luôn “can đảm và tốt bụng” để khám phá góc sâu bên trong mỗi người.

… đến thế giới những người hùng

Khán giả của thời hiện tại rất thông minh, do đó, để thuyết phục được họ chẳng phải là chuyện dễ dàng. Các siêu phẩm hành động của Hollywood bên cạnh những màn trưng trổ kỹ xảo còn cần cả chiều sâu về kịch bản. Xây dựng nhân vật phản diện thường khó hơn vai chính diện. Bởi, sẽ chẳng có gì đọng lại ngoài nỗi khiếp sợ nếu nhân vật phản diện là một gã tâm thần, liều mạng.

Tuy nhiên, sẽ thế nào nếu kẻ phản diện thông minh, giỏi giang chẳng kém gì nhân vật chính, thậm chí có tiềm lực kinh tế hậu thuẫn và một lý tưởng với niềm tin, quyết tâm sắt đá để thực hiện nó? Câu chuyện rõ ràng hấp dẫn và phức tạp hơn rất nhiều lần.

Khi Hollywood dau tu vao nhung vai phan dien
Tạo ra một nhân vật phản diện xứng tầm, đẳng cấp với vai chính là điều đang ngày càng được các nhà làm phim Hollywood đầu tư. Trong ảnh là Samuel L. Jackson vai Valentine, một trong những vai phản diện ấn tượng trong thập niên thứ 2 của thế kỷ này.

Valentine (Samuel L. Jackson) trong Kingsman 1 và Thanos (Josh Brolin) trong Avengers chính là hai nhân vật kiểu này. Cả hai đều thông minh, tài giỏi hoặc có siêu năng lực, giàu có hoặc cả một đế chế phía sau. Cả hai đều từng trải qua những ký ức đầy yếu đuối, nhưng thay vì trở thành người hùng, họ lại chọn phe đối diện với lý tưởng rất rõ ràng, thuyết phục. Cả hai đều có một mục tiêu chung: tiêu diệt một nửa loài người để cứu lấy Trái Đất đang ngày trở nên ô nhiễm, xấu xí trong bàn tay con người.

Sự khác biệt nếu có, Thanos dùng chọn lọc tự nhiên từ cái búng tay khi tập hợp đủ 6 viên đá vô cực thì Valentine, bằng bộ óc của một thiên tài, tạo ra sim điện thoại giá rẻ để điều khiển những người mà theo hắn là ở tầng lớp cấp thấp tự hủy hoại lẫn nhau, đi kèm mưu đồ bá chủ thế giới.

Khi Hollywood dau tu vao nhung vai phan dien
Thanos của Avengers là vai diễn mang đến cho người xem nhiều suy ngẫm bởi diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật, đặc biệt là tình thương dành cho cô con gái Gamora.

Với những nhân vật này, hoàn toàn không có chuyện thay đổi/tác động để họ trở về phe chính diện. Họ tin vào lý tưởng họ vạch ra và bằng mọi giá thực hiện chúng. Tất nhiên, họ sẽ nhận lãnh thất bại vì cái thiện luôn giành chiến thắng trước cái ác. Vì quyền được sống của con người là thiêng liêng, không ai được định đoạt. Nhưng góc nhìn và cách nghĩ của họ khiến người xem phải suy nghĩ, về cách chúng ta sống và hành xử với môi trường, với thiên nhiên và với chính xã hội. Đó chính là lý do, khi các nhân vật này chết đi, người xem thay vì hả hê vẫn có gì đó nhói lên trong lòng.

Như câu nói của một triết gia, không có cái ác, bạn sẽ không thể hiểu được giá trị của những điều thiện và lòng nhân. Sẽ không có những người hùng trên màn ảnh nếu không có những kẻ như Valentine hoặc Thanos. Và nhiệm vụ của nhà làm phim là tạo dựng nên một thế giới phức tạp hơn, đa diện hơn để người xem soi rọi vào đó, tự nhận ra trách nhiệm của họ với cuộc sống, với Trái Đất - nơi mà những gì ta gieo hôm nay có thể gặt lấy vào mai sau.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI