Khi giải trí tìm về nguồn cội

27/07/2018 - 15:30

PNO - Khi người người, nhà nhà đua nhau chạy theo những trào lưu mới của thế giới, làm lại tác phẩm của nước ngoài, một bộ phận khác tìm về kho tàng văn hóa dân gian, lịch sử dân tộc.

Sự thờ ơ của khán giả trẻ với văn hóa dân gian

Khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển, nghệ thuật cũng nhanh chóng tiếp cận những cái mới. Việc văn hóa ngoại lai tràn ngập các kênh thông tin giải trí trên sóng truyền hình Việt là điều khó tránh khỏi.

Ở lĩnh vực phim ảnh, sự đổ bộ của dòng phim remake từ các tác phẩm điện ảnh, truyền hình nước ngoài nổi tiếng đã mang lại doanh thu cao cho nhà sản xuất. Thế nhưng, khi xu hướng này thoái trào, những người làm nghệ thuật lại loay hoay tìm kiếm chất liệu mới.

Khi giai tri tim ve nguon coi
Trào lưu remake phim ngoại đã mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho điện ảnh Việt thời gian qua

Bên cạnh đó, sự nở rộ của các chương trình truyền hình, game show mua bản quyền từ nước ngoài cũng góp phần khiến đời sống văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bởi nếu khán giả có nhiều sự lựa chọn giải trí trên truyền hình, việc họ ngại bỏ tiền mua vé đến sân khấu là điều dễ hiểu. Đó cũng là một trong những lý do khiến những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như cải lương, kịch nói khốn đốn.

Thay đổi thói quen và lôi kéo khán giả từ màn ảnh ra sân khấu là điều những người làm nghệ thuật hiện rất trăn trở. Trong khi đó, lĩnh vực âm nhạc, dù sôi động hơn, vẫn có nhiều trường hợp nhạc sĩ sao chép ý tưởng, “đạo nhạc” từ các ca khúc nước ngoài. Điều này đã phần nào phản ánh sự nghèo nàn về đề tài trong sáng tạo nghệ thuật của một bộ phận tác giả Việt.  

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ngoài khó khăn từ cuộc cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường và sự chuyển dịch hệ giá trị tinh thần - thẩm mỹ của công chúng thì sự thờ ơ của người trẻ với văn hóa dân gian đã góp phần khiến bức tranh nghệ thuật nói chung có phần ảm đạm, thiếu những gam màu tươi sáng.

Sẽ không ngoa khi nói rằng đề tài từ văn học, lịch sử dân gian là “mảnh đất màu mỡ”, là chất liệu, nguồn cảm hứng tuyệt vời để sáng tạo nên các tác phẩm điện ảnh, sân khấu hay âm nhạc đương đại.

Kho tàng chất liệu này rất nhiều, sẵn có, nội dung quen thuộc với khán giả nên dễ đi vào lòng người và hơn hết là có thể khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cũng như bồi bổ thêm kiến thức lịch sử cho công chúng.

Tìm về nguồn cội

Sân khấu là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất khi tìm cách đổi mới, sáng tạo và cách tân nội dung lẫn hình thức. Trong đó, sự thiếu hụt kịch bản hay để thu hút khán giả là vấn đề khiến nhiều người đau đầu.

Khi giai tri tim ve nguon coi
Vở nhạc kịch Thủy tinh: đứa con thứ 101 được sáng tạo từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh và Âu Cơ - Lạc Long Quân

Nói về sự khủng hoảng kịch bản trong kịch nói, NSND Lê Khanh cho biết: “Đây là  thực tế đã tồn tại nhiều năm rồi chứ không riêng năm nay và không phải chỉ ở Việt Nam. Tôi chắc chắn chuyện thiếu nguồn kịch bản là chuyện toàn cầu đều gặp phải. Nước nào cũng đang đối diện với sự khủng hoảng về kinh tế và văn hóa”. Tuy nhiên, theo NSND Lê Khanh, nếu loại trừ vấn đề thiếu hụt kịch bản thì việc tái dựng tác phẩm cũ, vở diễn về đề tài lịch sử đã chứng minh giá trị của những kiệt tác ấy thật sự lớn.

“Cái gì ngày hôm qua đã chứng minh được nó tốt vượt thời gian, cũng như những ca khúc sống mãi theo năm tháng, sao chỉ dùng một lần rồi vứt đi? Tại sao lại có ý nghĩ giới hạn giá trị của mình như thế? Nếu vậy thì thế giới người ta cười chết, người ta bảo đấy, nhà đã nghèo lại còn phung phí và hiểu văn hóa nghệ thuật hoàn toàn không hết. Các nước tiên tiến phương Tây, đến giờ vẫn sử dụng tác phẩm của Shakespeare, Molière... và bao nhiêu ông tổ kể từ xa xưa nữa. Tại sao người ta làm lại? Người ta hết kịch bản chăng? Hay là người ta vẫn thấy rằng tác phẩm nó lớn thật? Tôi cho rằng thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay hãy làm nên những tòa đài cao để khỏi tủi hổ với các nước láng giềng, thế là đủ, làm cho mình vinh quang và sáng lạng hơn”, NSND Lê Khanh nhận định.

Khi giai tri tim ve nguon coi
Vở cải lương Nửa đời hương phấn sẽ được phóng tác thành phim điện ảnh và ra mắt khán giả vào năm 2019

Không chỉ riêng địa hạt sân khấu, các lĩnh vực khác như phim ảnh, cải lương cũng gặp khó khăn về đề tài. Một trong những cách tháo gỡ bế tắc đang được các tác giả ở nhiều lĩnh vực sử dụng chính là tìm về lịch sử, văn hóa dân gian.

Từ những tác phẩm văn chương nổi tiếng cho đến những chuyện kể dân gian, cổ tích của Việt Nam hoặc những nhân vật đã nổi tiếng trong các tác phẩm văn học, qua bộ óc sáng tạo của các nhạc sĩ, biên kịch, đạo diễn đã trở thành những sản phẩm văn hóa có giá trị tư tưởng, giàu tính nghệ thuật và thẩm mỹ sâu sắc.

Ngoài ý nghĩa là hướng đi mới trong nghệ thuật, động tác này còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đem nghệ thuật lại gần hơn với khán giả bình dân. Đồng thời, đây cũng là cách bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa truyền thống trước nguy cơ mai một theo thời gian, khi mà sự xâm lấn văn hóa từ thế giới diễn ra ngày càng nhiều.

Khi giai tri tim ve nguon coi
Các tác phẩm văn học như Chí Phèo, Tấm Cám hay Truyện Kiều đã trở thành cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ

Thời gian qua, có khá nhiều tác phẩm âm nhạc, kịch nói và dự án điện ảnh được sáng tạo từ chất liệu nghệ thuật dân gian, như: nhạc kịch Tiên Nga, nhạc kịch Thủy tinh: đứa con thứ 101, phim điện ảnh Tấm Cám: chuyện chưa kể, Cô ba Sài Gòn, Gạo chợ nước sông, Song Lang, Nửa đời hương phấn, Trạng Quỳnh hay các ca khúc như: Kiều, Hoạn Thư, Chí Phèo, Bống bống bang bang...

Các sáng tác này thể hiện đậm nét dấu ấn văn hóa và kế thừa các thể loại văn học dân gian bằng nhiều hình thức như chuyển thể, cảm tác, phóng tác. Qua đó chứng minh rằng, văn hóa dân gian luôn là cội nguồn nuôi dưỡng những tác phẩm nghệ thuật hiện đại, là “văn hóa gốc” đối với sáng tác nghệ thuật mọi thời kỳ.

Chia sẻ về việc lựa chọn vở cải lương kinh điển Nửa đời hương phấn để phóng tác thành phim điện ảnh, đạo diễn Đỗ Thành An cho biết ,anh muốn sáng tạo từ những tác phẩm văn hóa của người Việt, do vậy anh không bao giờ và cũng không thích remake tác phẩm nào của thế giới. 

Giữa thực trạng nhiều tác phẩm văn học dân gian đang dần bị lãng quên trong xã hội hiện đại, việc khai thác đề tài lịch sử để có những tác phẩm sân khấu xuất sắc là lối đi riêng mà các bộ môn nghệ thuật sân khấu cần gìn giữ, phát huy, dù có giao lưu, hội nhập văn hóa thế giới. 

Quang Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI