Khánh Ly và lá "bùa" của Trịnh Công Sơn

29/08/2014 - 04:22

PNO - PNO - Vụ ồn ào tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn trong liveshow Khánh Ly những tưởng đã có thể khép lại sau khi Thanh tra Bộ VH-TT-DL vào cuộc dàn xếp. Nhưng không.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hai đêm nhạc Khánh Ly in Hà NộiKhánh Ly in Đà Nẵng đã diễn ra suôn sẻ trên sân khấu. Khánh Ly đã hát theo đúng hợp đồng và đã nhận thù lao. Những chuyện ồn ào quanh việc nhạc sĩ Phó Đức Phương đòi ngăn chặn chương trình, bị mời khỏi show và những tranh cãi sau đó cũng đã lắng dịu khi Thanh tra Bộ VH-TT-DL mời cả Công ty Đồng Dao lẫn Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lên làm việc, để hai bên thương thảo vào chốt lại số tiền tác quyền phải trả là 250 triệu đồng.

KIM BÀI MIỄN TỬ

Thế nhưng thật bất ngờ, sau khi trở về Mỹ, Khánh Ly đã cho công bố một văn bản mà theo đó Trịnh Công Sơn đã cho phép bà sử dụng tác phẩm của ông với giá 5.000USD.

Khanh Ly va la Khanh Ly va la
Văn bản cho phép Khánh Ly sử dụng tác phẩm của Trịnh Công Sơn và bản dịch tài liệu này

Văn bản viết tay, đề ngày 22/5/2000 thể hiện: "Tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng ý cho Khánh Ly xử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là: 5.000 USD". Kèm theo văn bản viết tay đó, Khánh Ly còn trưng ra một văn bản (được một số báo gọi là "công chứng" của "toà án Mỹ") tiếng Anh với nội dung chuyển ngữ bản viết tay của Trịnh Công Sơn.

Với những người yêu mến Khánh Ly và những ai đang xem VCPMC là đơn vị "đòi nợ thuê" thì đây chính là một lá bùa hiệu quả để khẳng định chân lý của mình. Tuy nhiên với những người am hiểu về tình tình bản quyền tại Việt Nam cũng như những ai đang từng ngày nỗ lực trong công tác bảo vệ bản quyền thì lá bùa ấy, tại thời điểm hiện nay, là một thất bại lớn trên hành trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 2000, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa ra mắt. Mãi đến năm 2005 chúng ta mới có Luật Sở hữu trí tuệ và sau đó Việt Nam mới tham gia Công ước Berne. Cho nên ở thời điểm "Sài Gòn cô tiên năm 2000" ấy, rất nhiều người vẫn chưa hề chú trọng đến công tác bảo vệ bản quyền. Nhiều người khác vẫn còn mơ hồ về luật và sở hữu trí tuệ.

Cái thuở "hồng hoang" về bản quyền ấy, khi một ca sĩ hoặc một hãng đĩa tìm đến một tác giả để xin phép sử dụng một hay nhiều tác phẩm thì hầu hết tác giả chỉ viết một tờ giấy tay như văn bản viết tay của Trịnh Công Sơn nêu trên. Thuở "hồng hoang" ấy, sau các thỏa thuận miệng, rất nhiều nhạc sĩ đã không hề ý thức chuyện văn bản cho phép sử dụng tác phẩm của mình phải xác định thời hạn (một năm, hai năm, năm năm...), phải làm rõ là tác quyền hay độc quyền, phải khu biệt phạm vi sử dụng (trong nước, hải ngoại hay toàn thế giới), thậm chí khu biệt phương thức chuyển tải đến khán giả (nhạc chuông, nhạc chờ, làm album, hát sân khấu)...

Đã có không ít tranh cãi xoay quanh những bản "hợp đồng" dạng này và nhiều nhạc sĩ đã phải ngậm đắng bởi mình đã không suy nghĩ thấu đáo nên chính bút tích của mình đã gây thiệt hại cho chính mình.

Tuy nhiên, dưới lăng kính pháp lý thì văn bản của Trịnh Công Sơn có hiệu lực (trừ khi Trịnh Công Sơn viết khi không tỉnh táo, bị ép buộc, bị lừa gạt... như thể hiện trong các quy định của pháp luật). Bởi văn bản ấy không có điều khoản hạn chế nào nên mặc nhiên nó có nghĩa là Khánh Ly được phép sử dụng mọi tác phẩm của Trịnh Công Sơn để trình diễn trên sân khấu, ra album, bán nhạc chuông, nhạc chờ... trên khắp thế giới và vĩnh viễn cho đến khi bà qua đời.

"CUỘC CHIẾN" VCPMC - ĐỒNG DAO

Xin không lạm bàn đến chuyện vì sao Khánh Ly lại công bố những tài liệu này vào thời điểm này - sau khi bà đã hát, đã nhận cát-sê, đã quay về Mỹ. Cũng xin không lạm bàn đến chuyện văn bản cho phép sử dụng tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã nhanh chóng được mang đi dịch thuật chỉ ba tháng sau khi Trịnh Công Sơn qua đời. Văn bản viết tay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không liên quan gì đến cuộc chiến tác quyền giữa VCPMC và Đồng Dao - đơn vị tổ chức show Khánh Ly những ngày qua.

VCPMC không hề đòi tiền Khánh Ly mà chỉ đòi tiền Đồng Dao. Trịnh Công Sơn cho phép Khánh Ly sử dụng tác phẩm chứ không cho phép Đồng Dao sử dụng. Văn bản của Trịnh Công Sơn cũng không cho phép Khánh Ly chuyển nhượng quyền sử dụng tác phẩm của ông cho bên thứ ba. Nếu chương trình Khánh Ly ở Hà Nội, Đà Nẵng hoàn toàn là do Khánh Ly đầu tư, đứng ra tổ chức, VCPMC sẽ khó lòng đòi được tiền. Nhưng bởi đây là chương trình của Đồng Dao, việc trả phí vẫn là đương nhiên.

"Đồng ý cho Khánh Ly xử dụng những bài hát của tôi". Dòng chữ đơn giản, ngắn gọn của Trịnh Công Sơn một lần nữa nhắc nhở các tác giả khi cho phép ai sử dụng tác phẩm (tài sản) của mình phải dành nhiều sự quan tâm hơn đến luật, để bảo vệ quyền lợi của bản thân chứ không thể xuê xoa để rồi khi hậu quả xảy ra lại "giá như mình hiểu luật hơn". Một khi bút đã sa sẽ khó mà rút lại.

PHẠM THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI