'It must have been love': Chắc hẳn là niềm nhớ

15/12/2019 - 17:00

PNO - Bộ phim 'Pretty Woman' thành công ngoài sức tưởng tượng, thu về cho nhà sản xuất 463 triệu USD, lôi Julia Roberts và Richard Gere khỏi bóng tối và có một chỗ đứng vĩnh viễn trong lịch sử điện ảnh. 'It must have been love' cũng thế.

It must have been love được nhiều người xem là một tuyệt tác của nỗi buồn, là bài hát đặc trưng của thập niên 1990, có thể hát từ sân khấu đến phòng tắm. Nhưng, như thể số phận, bài hát ấy sẽ chẳng trở thành niềm nhớ của nhiều thế hệ nếu như không có sự xuất hiện của hai người đàn bà: Marie Fredriksson và Julia Roberts.

Giáng sinh không như mơ

Đó là một buổi chiều tháng 11 năm 1986 tại phòng thu Audio Sweden (thủ đô Stockholm, Thụy Điển), như mọi lần Per Gessle lại ngồi dương cầm mò mẫm tìm giai điệu. Lúc này giai điệu đã phảng phất trên nét đàn nhưng lời thì tắc tị. Ngoài trời mùa đông, những bông tuyết rắc đầy trên khung cửa, bất giác Gessle ngồi lẩm nhẩm “đặt lời thì thầm lên gối, để lại mùa đông ngoài cửa, anh thức dậy trong cô đơn tĩnh lặng. Thèm một cái chạm và anh sẽ nhắm mắt rồi bồng bềnh mơ xa”.

'It must have been love': Chac han la niem nho
Nhóm Roxette vào năm 1989 khi họ trở thành nhóm nhạc quốc tế rất được yêu thích. Hai thành viên Per Gessle (trái) và Marie Fredriksson gắn bó với nhau từ rất lâu. Nhóm Roxette tan rã lần đầu vào năm 2002 khi Marie Fredriksson bị phát hiện u não. Sau đó, khi sức khỏe cô hồi phục, nhóm lại tái hợp cho đến năm 2016 khi Fredriksson quyết định nghỉ hưu vì sức khỏe

“Cậu đánh lại đoạn đó và lên tông giúp tôi”, tiếng của Marie Fredriksson. Cô vào phòng thu như cơn gió đông, lạnh buốt nhưng lời nói thì ấm áp như một vị chỉ huy.

Fredriksson và Gessle là hai mảnh ghép của một tổng thể huyền thoại có tên là Roxette. Năm 1986 đó cũng là lúc cả hai lập ra nhóm nhạc này dù chơi với nhau từ rất lâu. Nhóm đã có một vài bản “hit” nội địa và giờ đang mơ giấc mơ biển lớn, như ABBA ngày nào. 

Sau khi nghe “mệnh lệnh” của Fredriksson, Gessle ngồi ngay ngắn đệm đàn và lúc này, trong phòng thu Audio Sweden, một tuyệt tác chuẩn bị ra đời. Giọng hát của Fredriksson cất lên, dù chỉ là phần thu nháp, cũng đủ khiến cả studio nín thở. Như lời thì thầm, Fredriksson tấu lên một nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng không bi lụy. Dù mới chỉ là một đoạn vừa được sáng tác nhưng giọng ca của Fredriksson đã sưởi ấm mùa đông giá lạnh, như thể đoàn tụ, như thể chưa bao giờ lìa xa.

Hát xong, cả studio đứng dậy vỗ tay, giờ là lúc cần hoàn thiện bài hát. Hôm sau, hãng đĩa EMI Thụy Điển đặt hàng luôn bài hát này cho Giáng sinh 1987 với hy vọng sẽ là cú “hit” của năm.

Tất nhiên Roxette cũng tin như thế và họ còn hy vọng hơn rằng với bản Anh ngữ, bài hát này sẽ tìm được đường ra thị trường thế giới. 

'It must have been love': Chac han la niem nho
Marie Fredriksson nói rằng It must have been love là bản ballad yêu thích nhất của cô. Từ khi ca khúc này trở thành thương hiệu toàn cầu thì bất cứ ở sân khấu nào cô cũng được yêu cầu hát lại nhiều lần. Gần đây, trong chương trình solo của Per Gessle, Fredriksson đã đến với tư cách khách mời. Dù thể trạng đã yếu nhưng khi cô hát lại bài này vẫn nguyên vẹn cảm xúc và nhiều khán giả đã rơi nước mắt

Khi mọi sự hy vọng được thắp lên thì cũng là lúc Gessle hoàn thành sáng tác của mình, với một  tựa đề khá ướt át, It must have been love (Christmas for the broken hearted) – Chắc hẳn là tình yêu (Giáng sinh dành riêng cho những con tim tan vỡ). Fredriksson đã có một bản thu không thể tuyệt hơn, giọng hát của cô là bảo chứng cho tương lai của Roxette mà gần nhất sẽ là Giáng sinh 1987.

Và giờ G cũng đã đến, ngày 2/12/1987 nhóm Roxette tung ra single mới nhất của mình It must have been love (Christmas for the broken hearted) và rất nhanh chóng nó leo lên hạng… 4 và đứng ở đấy nhiều tuần lễ. Bài hát cuối cùng đã thành công như dự báo nhưng không rực rỡ như mong chờ.

Việc chỉ đứng ở hạng 4 tại Thụy Điển cũng kéo theo sự chùn tay của các hãng đĩa nước ngoài khi họ quyết định không phát hành single này nữa. Điều đó có nghĩa ngõ ra biển lớn vẫn chưa thể khai thông.

Roxette buồn nhưng không lâu sau họ lại dẹp hết để tập trung vào dự án khác. Năm 1988, họ cho ra album Look sharp! với hai siêu phẩm The LookListen to Your Heart đủ để càn quét mọi bảng xếp hạng và được chào đón ở Mỹ như những ngôi sao. It must have been love (Christmas for the broken hearted) vào lúc ấy được xem như một chương đã cũ, được xếp lại ngay ngắn ở quê nhà Thụy Điển.

Ca khúc It must have been love:

 

Chắc hẳn là... may mắn

Thành công ở Mỹ khiến Roxette được nhiều nhà sản xuất chú ý. Đầu năm 1990 họ nhận được một cuộc gọi từ hãng phim Disney đặt hàng sáng tác ca khúc cho bộ phim có tên là 3.000 dollars. Bộ phim kể về cuộc đời nhàu nhĩ của một gái bán hoa nghiện ma túy, tình cờ được một triệu phú có trái tim băng giá cho ngửi thử cuộc sống xa hoa trong vài hôm rồi nhẫn tâm đẩy về lại vệ đường cũ.

Nghe thì hấp dẫn nhưng lúc ấy Roxette lại quá bận và họ đề nghị sử dụng lại It must have been love (Christmas for the broken hearted) với vài chỗ sẽ đổi lời (từ Giáng sinh thành mùa đông), đổi tiết tấu, đổi đoạn mở đầu, thêm nhạc cụ… Disney tạm đồng ý và yêu cầu gửi bài sớm.

Lúc ấy nội tình bộ phim cũng rối như canh hẹ. Kịch bản gốc tuy hay nhưng u ám nên Disney phút cuối thay đổi kết cấu bộ phim. Đang từ bi kịch, nhà sản xuất nhào nặn lại kịch bản thành cái bánh kem phết mật ong, có hậu để lấy nước mắt. Garry Marshall, một chuyên gia làm phim hài tình huống, được chọn làm đạo diễn và tên bộ phim được đổi thành Pretty Woman

'It must have been love': Chac han la niem nho
Julia Roberts trong Pretty Woman, bộ phim đã thay đổi cuộc đời cô và cũng thay đổi số phận của bài hát It must have been love

Nhưng rắc rối vẫn chưa hết, một loạt diễn viên thượng hạng được mời đóng vai cô gái bán hoa nghiện ma túy đều lắc đầu nguầy nguậy từ chối. Phần lớn đều cho rằng nhân vật Vivian Ward ấy dối trá lộ liễu quá, chưa kể đó là một vai diễn như “một sự sỉ nhục đối với phụ nữ“. Cuối cùng, nhà sản xuất chọn cái tên sau chót trong danh sách thử vai. Người ấy không ai khác ngoài Julia Roberts, vừa rất trẻ lại non nghề chưa kể bị vài người đánh giá “miệng rộng vô duyên”. 

Như một định mệnh, từ một người đóng thế bất đắc dĩ, Julia Roberts trở thành ngôi sao hạng A từ bộ phim này. Và nụ cười “vô duyên” của cô đã trở thành nụ cười Hollywood.
Và Roxette cũng thế, bài hát của họ đã được chọn, lần này với tên gọn gàng hơn, It must have been love, thắng rực rỡ hơn cả hy vọng ngày xưa và trở thành bài hát nổi tiếng nhất của nhóm.

Những khán giả đã xem bộ phim này hẳn vẫn còn nhớ, ở đoạn cuối của bộ phim, khi nhân vật Vivian Ward quyết định chia tay triệu phú điển trai Edward Lewis, lên xe để trở về thế giới u tối ngày xưa thì giọng hát Marie Fredriksson vang lên, nhẹ nhàng và thổn thức. Chữ touch (chạm) được cô diễn tả bằng hơi thở nồng nàn, da diết như thế muốn níu giữ mà vẫn vụt qua tay.

Đó là phân cảnh được xem là hay nhất trong phim khi nhân vật nữ giằng xé tâm trạng trong không gian của It must have been love. Nhiều nhà phê bình nhận xét rằng giọng hát của Fredriksson như thể bắt giai điệu và ca từ nhảy múa. Không gian mùa đông như thể cơn lạnh mà cũng là tâm trạng của nỗi buồn, của nước mắt. Cũng cần biết rằng lúc đầu đây là phân cảnh có thoại, nhưng đạo diễn Garry Marshall vì quá yêu bài hát này nên quyết định chỉ để nhạc nói giùm nỗi lòng và kéo dài hơn một phút. 

'It must have been love': Chac han la niem nho
Pretty Woman lôi Julia Roberts và Richard Gere khỏi bóng tối

Bộ phim Pretty Woman thành công ngoài sức tưởng tượng, thu về cho nhà sản xuất 463 triệu USD, lôi Julia Roberts và Richard Gere (nam chính) khỏi bóng tối và có một chỗ đứng vĩnh viễn trong lịch sử điện ảnh. It must have been love cũng thế, cũng rực sáng ngoài sức tưởng tượng từ phim ra đến đời thường. Chỉ tiếc giờ đây Marie Fredriksson không còn ở lại để ngân nó lên nữa, nhưng bài hát của Roxette sẽ mãi mãi không bao giờ kết thúc. 

Marie Fredriksson, giọng ca chính của nhóm nhạc nổi tiếng người Thụy Điển, Roxette, đã qua đời sáng 9/12/2019 ở tuổi 61. Marie phát hiện bị u não từ năm 2002 và suốt 17 năm qua cô luôn tích cực điều trị. Tuy nhiên, bệnh trở nặng vào năm 2016 và lúc đó ban nhạc Roxette cũng ngừng mọi hoạt động biểu diễn.

Marie Fredriksson, cùng với Per Gessle là hai thành viên của nhóm nhạc Roxette thành lập năm 1986. Đây được xem như một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất thập niên 1980 - 1990 với các bài “hit” đến giờ vẫn còn trong niềm nhớ của nhiều thế hệ như Listen to your heart, Dangerous, It must have been love, Spending my time… Nhóm cũng được xem là thương hiệu âm nhạc nổi tiếng của Thụy Điển tầm thế giới, chỉ sau nhóm nhạc huyền thoại ABBA.

Tính đến năm 2014, ca khúc It must have been love đã được phát lại 5 triệu lần trên các đài phát thanh, chỉ riêng ở Mỹ. 


Kha Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI