Hốt hoảng với 'Kịch cùng boléro'

26/09/2018 - 15:06

PNO - Một bà mẹ nuôi lớn đứa con do mình đứt ruột sinh ra suốt gần 20 năm để thực hiện kế hoạch trả thù kẻ đã giết chồng và hãm hiếp mình. Oan nghiệt hơn, đối tượng bị bà trả thù chính là cha của đứa con ấy.

Câu chuyện mang nhiều màu sắc hình sự, tội phạm, có thể xảy ra đâu đó trong xã hội, nhưng vẫn khiến người xem bàng hoàng với cách dẫn dắt câu chuyện, xây dựng tính cách, tâm lý nhân vật của đạo diễn trong chương trình Kịch cùng boléro phát sóng tối 24/9 trên THVL1.

Hot hoang voi 'Kich cung bolero'
Trong cơn hoảng loạn của những đứa con, bà mẹ vẫn cứ lạnh lùng, đanh giọng kể lại kế hoạch trả thù

Đây là phần thử thách khả năng dàn dựng nhanh của các đạo diễn từ một tình huống và các nhân vật được cho trước. Dựa trên tình huống đó, các đạo diễn sẽ đưa ra tình huống mới, xử lý mạch kịch, tính cách nhân vật và lý giải theo cách riêng của mình.

Tình huống được đặt ra xoay quanh gia đình bà Trang - người đàn bà nghèo khó, mù lòa đã nuôi lớn hai đứa con trai bằng gánh chè nhỏ và tình thương vô bờ bến dành cho con. Một ngày, Trực, đứa con trai nhỏ của bà quay về nhà, mang theo một số tiền. Ngay sau đó, những tên giang hồ hung dữ ập vào nhà...

Mạch kịch được nối tiếp với câu chuyện của 20 năm trước, đầy kịch tính, cao trào, nhưng lại làm khán giả sửng sốt với cách đạo diễn xử lý tình huống, xây dựng tính cách nhân vật. Người xem hốt hoảng khi nghe nhân vật bà mẹ lạnh lùng bật ra câu nói: “Sao con lại làm như vậy? Xém chút nữa là con đã giết được cha ruột của mình rồi”.

Rồi bà mẹ đanh thép kể lại kế hoạch trả thù của mình với con trai mà kẻ thù cũng chính là cha ruột của con. Chỉ vừa mới trước đó, đứa con còn quên cả mạng sống, dám cướp dao, khống chế ông trùm để cứu mẹ. Sự hy sinh đó chẳng có chút ý nghĩa gì!

Không dừng lại ở đó, khi đứa con chưa thể tin tất cả những gì mình được nghe, được thấy, bà mẹ tung đòn cuối. Bà “lột chiếc mặt nạ” cuối cùng, dõng dạc xác nhận chính mình là người đã đốt nhà rồi vu oan cho con; bà giả mù lòa để con phải lao vào kiếm tiền chữa bệnh cho bà. Con càng có hiếu thì bà càng mừng, vì sẽ sớm thực hiện được ý đồ trả thù của mình…

Sự lạnh lùng, mưu mô, tàn bạo, trái tim chai sạn của bà mẹ được đạo diễn bày biện theo cấp độ tăng dần và chỉ dừng lại khi đứa con trai lớn của bà bị đâm chết.

Về mặt cảm xúc khán giả đại chúng, khó có thể chấp nhận một bà mẹ máu lạnh đến mức lợi dụng chính sự hiếu thảo của con để thực hiện âm mưu trả thù, bất chấp điều mình làm vừa khiến con tổn thương, vừa chấm dứt luôn cả tương lai của con. Trong cơn bấn loạn của đứa con do mình đứt ruột sinh ra, liệu trái tim người mẹ có thể tiếp tục tung ra những cú đạp, đẩy con xuống vực sâu?

Một câu chuyện lạnh lùng và tàn nhẫn đến vậy vẫn được nhà sản xuất chấp nhận và đài truyền hình cho lên sóng. Tính nhân văn, chân, thiện, mỹ của nghệ thuật ở đâu trong tiết mục đó?

Đành rằng, kẻ thủ ác năm xưa giờ phải đau đớn nhìn con mình tự hủy hoại cuộc đời, bà mẹ lòng chất chứa thù hận mất cả hai đứa con vì kế hoạch trả thù đầy tội lỗi. Nhưng ý nghĩa về luật nhân quả đó đã gần như bị đè bẹp dưới sự khốc liệt và lạnh lùng chiếm phần lớn thời lượng của tiết mục. Giá như đạo diễn để cho nhân vật bà mẹ kể lại những âm mưu của mình trong sự hối hận, vì đã để lòng thù hận làm mờ lý trí, biết đâu người xem sẽ có cảm xúc khác.

Trách đạo diễn là điều đương nhiên, nhưng lỗi không chỉ ở đạo diễn mà còn có phần của bộ phận biên tập và cả những người có trách nhiệm kiểm soát nội dung chương trình. Phải chăng vì quá quan tâm đến kịch tính để tăng sự hấp dẫn mà họ đã dễ dãi với tiết mục, hay còn vì lý do nào khác?

Xin đừng quên, đây là chương trình được phát sóng trên truyền hình đại chúng, khán giả thuộc mọi lứa tuổi có thể cùng xem. Tất cả các thông điệp, hình ảnh… cần được chọn lọc và cân nhắc, đừng chỉ vì sự hấp dẫn mà dễ dãi lướt qua các chuẩn mực. 

Có thể có người sẽ tin câu chuyện dã man, khốc liệt trong Kịch cùng boléro có thể xảy ra đâu đó trong cuộc sống, khi lòng hận thù làm con người mờ mắt, đặc biệt là khi nạn nhân phải chịu tổn thương quá lớn hoặc có vấn đề về thần kinh. Dù vậy, không thể bỏ qua nguyên tắc: nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội, nhưng không có nghĩa thực tế cuộc sống xã hội nên được đưa lên sân khấu một cách tự nhiên chủ nghĩa và trần tục đến mức đó.

Hoa Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI