Hồn Việt trong tim 'người lạ'

01/09/2018 - 06:02

PNO - Khán giả sẽ yêu mến cải lương khi họ nhận ra những bài học làm người giá trị qua các tích tuồng cổ thời cha ông.

Khán giả sẽ không quay lưng với cải lương nếu được lắng nghe tiếng kêu đứt ruột về nỗi sầu nhân thế qua giọng hát những đào kép họ mến mộ. Và khán giả sẽ càng trân trọng cải lương bởi bộ môn nghệ thuật thấm đẫm hồn Việt này lại được nâng niu quý trọng bởi những người không mang dòng máu Việt.

Người nước ngoài còn yêu cải lương như máu thịt...

Với số lượng người nước ngoài chọn Việt Nam là nơi sinh sống, học tập và làm việc ngày một tăng, thì việc người nước ngoài có thể sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ cũng dần trở nên quen thuộc. Nhưng một anh Tây có thể hát cải lương Nam bộ thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Cách đây khoảng 6 năm, trên YouTube xuất hiện đoạn clip một anh chàng người Đức hát đờn ca tài tử khi đến tham quan Cồn Thới Sơn (Mỹ Tho), khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Điều khiến mọi người ngạc nhiên chính là anh chàng ấy không chỉ phát âm tiếng Việt tròn vành rõ chữ, mà còn có thể luyến láy rất mượt giai điệu vọng cổ vốn dĩ khó nhằn với đa số người Việt.

Bernard, tên của chàng trai ấy, xuất thân từ Đức và hiện đang làm việc tại Pháp. Không mang dòng máu Việt, nhưng anh lại có niềm đam mê đặc biệt với cải lương Việt Nam như thể được sinh ra từ cái nôi văn hóa khác biệt ấy.

Hon Viet trong tim 'nguoi la'
Cô gái tóc vàng Eleanor sang Việt Nam để theo học tuồng, chèo

Mối duyên tình cờ của Bernard với cải lương bắt đầu từ cái đêm 4/3/1984, khi Đoàn Cải lương Trần Hữu Trang mang vở Đời cô Lựu sang Pháp lưu diễn. Khi đó, chàng trai Bernard mới 22 tuổi, chưa biết gì nhiều về tiếng Việt, đã hoàn toàn bị chinh phục bởi tiếng đàn kìm buồn bã não nề, bởi giọng hát mượt mà của những nghệ sĩ gạo cội, bởi câu chuyện lay động lòng người dù anh chỉ hiểu lõm bõm qua hình thể nhân vật do rào cản ngôn ngữ.

Ngay hôm sau, Bernard lùng sục bằng được những băng đĩa cải lương hiếm hoi được bán tại quận 5 - Paris về nghiền ngẫm rồi tập hát theo, bắt chước từng chỗ ngân, luyến láy cho tới cách lên câu vọng cổ. Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam qua những câu hát cứ thấm dần vào tim óc anh. Để đến khi được đặt chân đến đây lần đầu vào năm 1995, Bernard đã khóc khi hình ảnh của nơi sinh thứ nghệ thuật mà anh yêu mến đã không còn nằm trong hình dung nữa.

Từ đó, hầu như năm nào anh cũng thu xếp đến Việt Nam ít nhất 1 - 2 lần, lần nào anh cũng tìm về miền Tây sông nước để được thỏa chí đờn ca hát xướng với những người bạn tài tử đất Nam bộ, để được sống cuộc sống của những con người hồn hậu chất phác như lời ca cổ mộc mạc mà anh thuộc đến nằm lòng. Để được thấy mình hạnh phúc.

Biết đến tuồng, chèo từ những buổi biểu diễn của cộng đồng người Việt tại Australia, Eleanor Clapham, cô gái 23 tuổi từ xứ sở kangaroo đã quyết định tìm đến Việt Nam để học tuồng và chèo cổ.

Eleanor tỏ ra đặc biệt xuất sắc trong tiết tấu và những đoạn nhấn nhá thể hiện rõ tâm trạng của các vai tuồng, chèo. Những khó khăn khi chuyển từ ngôn ngữ đa âm không dấu, sang tiếng Việt đơn âm có dấu và phải luyến láy theo những yêu cầu rất khắt khe của nghệ thuật tuồng, chèo, vẫn không làm khó được cô gái tóc vàng này, tuy rằng chất giọng lơ lớ của cô đôi khi còn bị tiếng trống chèo nuốt mất.

Sau hơn một năm miệt mài học hành nghiêm túc, Eleanor đã có thể hóa thân vào những vai chèo và tuồng cổ điển hình và khiến khán giả Việt phải tròn mắt ngạc nhiên trong các buổi biểu diễn văn nghệ tại Tuần lễ APEC tại Hà Nội.

Bằng tình yêu đặc biệt dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam, những chàng trai cô gái từ những nền văn hóa khác biệt đã từng bước giúp văn hóa Việt vượt khỏi rào cản ngôn ngữ để đến với bạn bè thế giới, như cách mà Eleanor đã chia sẻ với truyền thông: “Tôi muốn quảng bá những loại hình nghệ thuật tuồng và chèo rất độc đáo này đến khán giả Australia và thế giới. Và tôi cũng hy vọng rằng, buổi biểu diễn sẽ góp phần khơi gợi lại niềm đam mê nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo trong giới trẻ Việt Nam”.

... thì người Việt sao nỡ quay lưng

Một trong những nỗ lực của người làm nghề, giúp cải lương đi qua những năm tháng thoái  trào của chính nó, đó là tìm mọi cách để quảng bá cải lương ra thế giới và tìm sự đồng cảm từ một nguồn khán giả mới. Đó là một quá trình rất dài và kéo theo không ít khó khăn lẫn hệ lụy, từ rào cản ngôn ngữ cho đến những kịch bản chuyển thể phù hợp hiếm hoi.

Tuy vậy, để người nước ngoài hiểu cải lương Việt, thì việc chuyển thể kịch bản từ tiếng Việt sang tiếng Anh không hẳn là cách duy nhất. Cách chọn kịch bản được phát triển dựa trên tích nước ngoài như Mùa tôm của Ấn Độ, Lôi vũ của Trung Quốc, Tiếng hạc trong trăng của Nhật Bản cũng là những thử nghiệm táo bạo.

Và dẫu có xuất xứ từ đâu, những tuồng tích này cũng đều gần gũi, nhân văn, hướng người xem đến đạo làm người, đề cao trung hiếu lễ nghĩa và kết thúc có hậu, dẫu là trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa đang lan tỏa thời hiện tại. Có lẽ vì vậy mà cải lương dần dần được người nước ngoài đón nhận.

Chính sự quan tâm và tình cảm nhất định của những người không mang dòng máu Việt dành cho cải lương, đã phần nào củng cố lòng tin của người làm nghề trong việc giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa Việt. 

Hon Viet trong tim 'nguoi la'
Anh Bernard trong một chương trình biểu diễn cải lương được phát trên sóng truyền hình Việt Nam

Nhìn lại những dự án như tổ chức sân khấu du lịch của Nhà hát Trần Hữu Trang cách đây nhiều năm, nhằm giới thiệu nét đặc thù của văn hóa Việt Nam - dưới hình thức cải lương - với du khách nước ngoài, hay dự án chuyển thể vở Mệnh đế vương từ tiếng Việt sang tiếng Anh của Nhà hát Cải lương Hà Nội, có thể thấy được những nỗ lực mang cải lương Việt đến gần khán giả quốc tế của những người thực sự dành tâm huyết cho nó.

Không nằm ngoài mong muốn này, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc bắt tay viết và dựng vở Con rồng, cháu tiên bằng tiếng Anh cho Long Island Children’s Museum - một bảo tàng dành cho trẻ em ở New York, chỉ với mục đích giới thiệu cho trẻ em Mỹ biết rằng, bên cạnh cổ tích, huyền sử của các nước Á châu như Nhật, Trung Quốc, Hàn, Thái… thì Việt Nam cũng không hề kém cỏi.

Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng cho rằng, cải lương luôn có một chỗ đứng nhất định trong trái tim yêu mến thiết tha của những người Việt trẻ xa xứ. Chị kể về cậu diễn viên Việt kiều Leon Quang Lê, sống ở Broadway, ôm ấp hoài bão thực hiện một vở cải lương tại quê nhà nhưng không thành, nên trong bộ phim Song lang, cậu đã cố gắng đưa vào phim những trích đoạn cải lương do chính cậu hợp soạn cùng soạn giả Hoàng Song Việt, dựa trên bối cảnh xã hội Sài Gòn vào những năm 1990.

Cậu nói rằng ở xứ người, mỗi khi nghe một làn điệu của cải lương đâu đó thoảng qua, thì dường như có một cái gì đó cứa nhẹ vào tim gan...

Nghệ sĩ cải lương Phượng Mai, sau nhiều năm gầy dựng nhiều vở cải lương được kiều bào yêu thích trên đất Mỹ, đã quyết định đào tạo một thế hệ diễn viên trẻ kế thừa bằng tất cả tâm huyết của mình.

Chị cho biết: “Các bạn diễn viên trẻ tại tiểu bang California - Mỹ rất yêu thích bộ môn này. Hầu hết đều là thanh niên có quốc tịch Mỹ, đều sinh ra và lớn lên tại Mỹ, có em nói tiếng Việt không rành nhưng cực kỳ mê đắm bộ môn cải lương. Tôi cảm thấy ấm lòng vì có một thế hệ kế thừa tâm huyết”.

Và thành công của vở Trưng Nữ liệt quốc do chính học trò của chị thể hiện trên đất Mỹ, được đông đảo khán giả kiều bào đến xem và ủng hộ, đã tiếp thêm rất nhiều sức mạnh cho những diễn viên như chị trong hành trình giữ lửa nghề ở nơi xa tổ quốc.

Thực tế cho thấy, tất cả các nghệ sĩ cải lương ra nước ngoài trình diễn đều được đón nhận nồng nhiệt. Có người phải lái xe hàng trăm cây số chỉ để nghe lại những “giọng ca vàng” một thời như Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thanh Sang.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, loại hình nghệ thuật cải lương đã được xây dựng trên internet, cung cấp cho giới hâm mộ nhiều thông tin có ích, thậm chí có thể nghe và xem một số trích đoạn cải lương trực tuyến.

Hon Viet trong tim 'nguoi la'
Nghệ sĩ Bạch Tuyết - Lệ Thủy - Minh Vương trong vở Đời cô Lựu biểu diễn tại Pháp năm 1984

Cách đây không lâu, công ty tư vấn giải pháp công nghệ thông tin TRG International cũng công bố website Vietnamopera.com bằng tiếng Anh, xây dựng với mục đích quảng bá các loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam - tuồng, chèo, cải lương - cho bạn bè quốc tế và cả giới trẻ Việt. Những người thực hiện tin rằng đây là một phần di sản quan trọng của Việt Nam, và một trang web sẽ là cách thức hiệu quả nhất để chia sẻ các thông tin trên phạm vi toàn cầu.

Thuở sinh thời, giáo sư Trần Văn Khê từng nói, người nước ngoài thích tìm hiểu cải lương Việt Nam vì chính sự bất đồng về văn hóa, vì sự khác biệt gợi tò mò. Họ đến với mình để tìm cái mà họ không có. Và theo thời gian, họ đã hoàn toàn bị chinh phục. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI