Hội xôi náo nức Hà thành

10/02/2019 - 13:30

PNO - Năm nào qua ba ngày Tết, không khí trong làng cũng náo nức hẳn lên. Người người, nhà nhà đua nhau tranh tài, xem vợ hiền dâu đảm nhà ai thổi xôi, nấu chè ngon nhất.

“Ngày xuân con én đưa thoi/ Làng tôi Phú Thượng thi xôi với chè” – bà lão bán hàng bên gốc đề làng Gạ (tên Nôm của làng Phú Thượng) bỏm bẻm khoe; năm nào qua ba ngày Tết, không khí trong làng cũng náo nức hẳn lên. Người người, nhà nhà đua nhau tranh tài, xem vợ hiền dâu đảm nhà ai thổi xôi, nấu chè ngon nhất.

Làng nghề độc đáo

Cách sông Hồng và bãi bồi đỏ nặng phù sa chỉ một con đê, làng Gạ xưa, hoa đào đẹp chẳng kém gì làng bên cạnh - Nhật Tân. Thế nhưng người Hà Nội chỉ nhớ đến Kẻ Gạ với cái nghề đồ xôi siêu giỏi (dân gian có câu “Làng Gạ có gốc cây đề/ Có sông tắm mát có nghề nấu xôi”). Không còn đất để trồng đào, lay ơn hay thược dược, một nửa nông dân của làng chuyển sang nghề nấu xôi. Thế là Phú Thượng thành làng nấu xôi “toàn tòng”.

Hoi xoi nao nuc Ha thanh
Hình ảnh quen thuộc trên khắp các phố phường Hà Nội.

Kẻ Gạ nay đã thành phường (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội), nhưng cái nếp nghề làng bao đời nay vẫn thế. Từ tinh mơ mờ đất đã thấy các ngõ xóm tấp nập, người trong bếp dỡ chõ xôi nghi ngút, người ngoài sân í ới gọi nhau chằng hộ thúng xôi lên xe đạp rồi tất tả dắt đi.

Ra đến đầu làng, đoàn xe đạp, xe máy tỏa ra các hướng; người bán rong, người đến điểm bán cố định. Đầu này người làng Gạ kéo nhau đi, đầu kia dân tứ xứ vào lấy xôi theo đơn hàng đã đặt. Bà Bội tuổi ngoài thất thập, ngày ngày vẫn cùng gần mười người cả con lẫn cháu lựa gạo nếp, nổi lửa đồ đủ các loại xôi, từ xôi lạc, xôi gấc, xôi vò, xôi xéo đến xôi ngô, xôi dừa…

Hoi xoi nao nuc Ha thanh
Không ai biết chính xác "gốc tích" nghề nấu xôi của làng.

Mái đầu bạc cặm cụi bên bếp lửa, bà Bội bảo Phú Thượng mới được công nhận là làng nghề từ năm 2016, nhưng nghề thổi xôi, nấu chè đã có mặt ở làng từ lâu lắm, chẳng ai biết được “gốc tích” đâu. Chỉ biết từ ngày bé xíu bà đã nghe các cụ kể lại rằng, từ khi Hà Nội còn là thành Đại La, người làng Gạ đã đội thúng xôi ngồi trước cổng thành, chờ đến giờ lính gác mở cửa là hối hả kéo vào trong thành bán khắp ba sáu phố phường kinh doanh nhộn nhịp.

Hoi xoi nao nuc Ha thanh
Phú Thượng có lẽ là làng nghề độc đáo nhất.

Từ bé bà Bội đã quen với nếp việc của gia đình, sáng nhặt sạn hay những hạt gạo hẩm lẫn trong thúng nếp cái hoa vàng rồi bỏ gạo vào ngâm. Ngâm xong một chậu gạo, một chậu lạc, một chậu đỗ thì rửa lá chuối, lá sen; đến chiều lau kỹ lá cho khô. Sớm hôm sau, gà vừa gáy canh hai đã lóp ngóp thức dậy trộn gấc vào gạo, luộc lạc, bắc chõ đồ xôi… Việc nào cũng cần đến sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay.

Tàn canh ba cũng là lúc dỡ xôi khỏi chõ, đôi tay dăn deo của bà Bội đưa đũa cả, những hạt xôi căng mọng, dẻo thơm, ấm nồng giữa mùa sương buốt giá. Hơi nóng tỏa ra, nhập nhòa trên gương mặt đã hằn sâu những nếp nhăn, những đốm đồi mồi, bà Bội bảo: “Hơn 500 hộ nấu xôi, cỡ 1000 người đi bán xôi mỗi sáng, hết 4 - 5 tấn gạo mỗi ngày. Nghe con số cũng “hãi” nhỉ, nhưng Kẻ Gạ nấu xôi làm quà sáng cho cả nội thành Hà Nội cơ mà”.

Hội thi xôi mỗi khi tết đến xuân về

Hoi xoi nao nuc Ha thanh
Cũng không rõ từ bao giờ, người làng Gạ đã tổ chức cuộc thi nấu xôi.

Cũng không rõ từ bao giờ, người làng Gạ đã tổ chức cuộc thi nấu xôi, những gia đình có tiếng trong nghề đều cử vợ hiền, dâu thảo nhà mình ra tỉ thí. Nấu xong, từng loại xôi được đơm lên lá chuối xanh, xếp vòng quanh cái mẹt: Xôi đỗ đen, xôi cẩm, xôi lạc, xôi gấc, xôi đỗ xanh, xôi cốm dừa, xôi ngô; mỗi loại một màu thành bông hoa sáu cánh. “Gia vị” đi kèm có ruốc, muối vừng, hành phi giòn tan, đỗ xanh thì đánh nhuyễn rồi vo lại thành nắm – “món” này đích thị ăn kèm xôi ngô.

Hoi xoi nao nuc Ha thanh
Mâm xôi như bông hoa nhiều màu sắc.
Hoi xoi nao nuc Ha thanh
Trong cuộc thi có những "tạo hình" xôi rất đa dạng.

Có nhà lại trang trí xôi như chiếc bánh kem bơ, nhà thì đóng xôi trong những chiếc khuôn hình con cá, hình trái tim. Mâm xôi nào cũng “ngon” cả về thị giác và khứu giác, nhìn thì có vẻ giống nhau, nhưng mỗi nhà lại có một bí quyết riêng. Như nhà chị Tuyến, bí quyết chính là độ dẻo của ngô non làm món xôi ngô càng thêm hương vị. Nhà chị Oanh, cũng món xôi ngô nhưng bí quyết ở hành khô phi mỡ giòn tan, béo ngậy nhưng cũng thơm bùi để không bị ngán.

Nhìn những bà, những chị hồ hởi, đầy tự tin đứng trước mâm xôi của mình, mới hay sự đánh giá của chính những người có kinh nghiệm trong làng, quả thực không phải dễ dàng. Nói thì bảo văn hoa, sách vở nhưng dường như sự đam mê và tình yêu nghề của mỗi người, mỗi gia đình mới thực sự là “bí quyết”, thực sự làm khó ban giám khảo cũng toàn những tay nấu xôi “lão làng” trong nghề.

Hoi xoi nao nuc Ha thanh
Những dâu hiền, vợ đảm trong các gia đình được cử ra tỉ thí.

Chị Tuyến nhoẻn miệng cười: “Mỗi chõ xôi đồ hằng sáng, tôi đều nghĩ là mình đang nấu cho bố mẹ, cho chồng mình ăn”. Thấy tôi có vẻ hồ nghi, chị bảo: “Bạn có tin không, chỉ là món xôi trắng thôi nhưng cũng đánh giá được cái tài và cái tình của người nấu đấy. Và xôi trắng mới là món khó, chứ không phải các loại xôi nấu cùng những nguyên liệu khác đâu. Các cụ trong làng tinh lắm, chỉ cần nhìn hạt xôi trắng và ngửi mùi thơm là các cụ đã biết nấu xôi có đạt hay không”.

Hoi xoi nao nuc Ha thanh
Trai tráng khiêng kiệu xôi, cùng bà con rước xôi ra đình.
Hoi xoi nao nuc Ha thanh
Kiệu xôi từ các xóm rước về được dâng lên Thành hoàng làng.

Mâm xôi nhà mình vừa được chấm điểm xong, chị Tuyến đã tất tả chuẩn bị cho lễ rước xôi. Những mâm xôi như những bông hoa đầy màu sắc được bày cẩn thận trong chõ đồng, trai tráng thay nhau kiệu xôi ra đình để các bậc bô lão thay mặt làng Gạ cung kính dâng lên Thành hoàng. Những màu sắc đậm tâm thức âm dương ngũ hành ấy là ước mong mưa thuận gió hoà, cuộc sống ấm no; là lòng biết ơn vị Thành hoàng đã lập nên Kẻ Gạ.

Và bởi từ xưa, người Việt vốn có thói quen ăn cơm nếp chứ không phải cơm tẻ như bây giờ; nên những mâm xôi dẻo thơm kia còn là cách để người làng Gạ hướng về nguồn cội.

Uông Thượng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI