Hồi kí của người nổi tiếng những mảng màu sáng tối

12/05/2016 - 08:03

PNO - Có những hồi ký để lại dấu hỏi: viết để làm gì? viết hồi kí là chấp nhận phơi bày trước công chúng những gam màu sáng tối trong cuộc đời mình.

Có những cuốn hồi kí khiến người đọc thẫn thờ như thể vừa cùng nhân vật trở lại một thời biến động, đi dọc những thăng trầm đau đớn của đời người. Đọc để hiểu và yêu thương hơn những con người luôn sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho xã hội. Nhưng cũng có những hồi ký để lại dấu hỏi: viết để làm gì? viết hồi kí là chấp nhận phơi bày trước công chúng những gam màu sáng tối trong cuộc đời mình. Đích đến là chia sẻ và nhận diện những giá trị. Nhưng không phải hồi kí nào cũng được như vậy.

 Những hồi ký ngân tiếng vọng trầm...

Nhiều nghệ sĩ đã đến chia vui cùng NSND Kim Cương trong buổi ra mắt hồi ký Sống cho người sống cho mình (Phương Nam Book - NXB Văn hóa Văn nghệ) vào chiều 10/5. NSND Kim Cương chia sẻ: “Cuốn sách này, tôi đã ấp ủ từ mấy mươi năm qua, nếu không viết ra bây giờ tôi sợ đến lúc mình không còn thời gian nữa. Nếu không viết làm sao có thể nói được những tâm huyết của ba tôi, làm sao chia sẻ kinh nghiệm của gia đình hơn 40 năm hoạt động sân khấu, những vui buồn trong quá trình công tác từ thiện. Mà hơn hết là viết cho thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này. Má tôi hay nói “Sân khấu không phải là nghề, mà là đạo. Cái đạo đó dạy ta làm người”. Nên trong cuốn hồi ký này, tôi đã tả rất kỹ những khoảnh khắc hạnh phúc của mình trên sân khấu - cái hạnh phúc thiêng liêng mà nếu không phải là nghệ sĩ chẳng dễ gì chạm đến được”.

Sống cho người sống cho mình giàu chất văn, đầy tràn cảm xúc trong những ký ức bồi hồi lẫn đau xót. Mở đầu nghèn nghẹn bằng cái chết của ba NSND Kim Cương - ông bầu Phước Cương, trong “đêm trắng Thất Ngàn”. Nỗi ám ảnh về hình ảnh cuối cùng của ba - người sống tận hiến cho sân khấu nhưng đến lúc chết lại bị chính sân khấu xua đuổi - trong lòng nghệ sĩ Kim Cương sâu như một nhát dao.

Hoi ki cua nguoi noi tieng nhung mang mau sang toi

Có quá nhiều ký ức ám ảnh và đau xót trong cuốn hồi ký này. Những thế hệ khán giả của sân khấu biết đến một “kỳ nữ Kim Cương”, người khai sinh ra sân khấu kịch nói ở miền Nam từ nửa thế kỷ trước, một diễn viên với các vai diễn ghi dấu ấn một thời, từ sân khấu đến màn ảnh: cô Diệu (vở Lá sầu riêng), Trà Hoa Nữ, Xuân Nương (Lâm Sanh - Xuân Nương), sơn nữ Phà Ca (phim Mưa rừng)…

Nhưng không thể nhìn thấy một cô bé Kim Cương cô đơn đến nổi loạn khi mất ba, lạc lõng trong ngôi nhà của tình thâm nhưng lại thiếu vòng tay mẹ; không thấy Kim Cương của năm tháng đơn độc mưu sinh ở Pháp, chấp nhận đóng cả vai tỳ nữ để được trụ lại kinh đô ánh sáng trau dồi kịch nghệ; không thấy hành trình gầy dựng sân khấu kịch nói đầy gian nan vất vả; cũng không thấy những khoảnh khắc đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn - chịu đựng những đổ vỡ trong lòng mà vẫn gồng lên như nữ tướng khi mình phải là cánh chim đầu đàn; và cả những ao ước rất đỗi mong manh của người đàn bà chỉ khao khát hạnh phúc bình thường…

Hồi ký của NSND Kim Cương khiến người đọc trôi theo những cung trầm bổng của cuộc đời nhân vật, có lúc cay mắt trước cảnh tứ cố vô thân của một gia đình từng là sao sáng của sân khấu. “Những chiếc áo đủ màu được má rút hết kim tuyến đem bán cho người tản cư với giá rẻ mạt, họ dùng làm tã lót cho con hoặc dành để lau những con lợn sắp đẻ. Cuối cùng là tấm màn nhung thật lớn mang hai chữ Phước Cương, khi bán di sản cuối cùng này má tôi khóc nghẹn từng cơn. Đó là vật ghi dấu thời ba tôi còn sống” - đó là khi gánh hát tan tác, NSND Bảy Nam một nách ba đứa con thơ long đong từng ngày.

Chùng lòng với hình ảnh “kỳ nữ” của sân khấu Việt ngồi một mình cả ngày trời với ổ bánh mì và chai nước suối bên dòng sông Seine (Pháp). Phải lựa chọn múa thoát y, hầu rượu khách để kiếm được nhiều tiền hay là thanh khiết với công việc hàng đêm đóng vai tỳ nữ trong cái nhìn xót xa của nhiều người. “Tôi đang ở nơi thấp nhất của phận người, nơi vững chãi nhất của một người con gái Á Đông liêm sỉ. Nơi mà tôi có thể hãnh diện ngồi trò chuyện với chính mình bất kể lúc nào, kể cả hiện tại, kể cả tương lai”- câu nói này khiến hành trình phiêu dạt của NSND Kim Cương trở nên sáng bừng. Nền kịch nói đã ra đời từ một người có nhân cách cao vời như vậy. Cuốn hồi ký cho người đọc cảm nhận đến tận cùng nỗi cô đơn trong vinh nhục một đời nghệ sĩ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI