Họa sĩ Phạm Thanh Toàn: 'Mỗi năm, tôi theo đuổi một dòng tranh mới'

12/09/2018 - 05:50

PNO - 26 tuổi, Toàn đã có hai triển lãm cá nhân, chín triển lãm nhóm, trong đó có một triển lãm tại Hàn Quốc thuộc chương trình Young Art Festival 2015 - điều không phải họa sĩ trẻ Việt Nam nào cũng có thể làm được.

Vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM vào năm 2017, nhưng Phạm Thanh Toàn đã là cái tên được nhiều họa sĩ trong nghề, nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước đánh giá cao, bởi tư duy, cách làm việc luôn mới mẻ, mang đến nhiều sức hút và sự bất ngờ cho người thưởng lãm.

Tháng 7/2018, Toàn vừa có triển lãm mang tên King tại Graig Thomas Gallery, Q.2 (TP.HCM). Ông Graig Thomas, chủ sở hữu phòng tranh này, đã dành cho Toàn những lời vô cùng trân trọng: “Gần như là điều kỳ diệu khi một họa sĩ trẻ có triển lãm cá nhân đầu tiên, do một phòng tranh giám tuyển, có đủ khả năng lên kế hoạch và hoài bão để thực hiện bộ sưu tập nổi bật như thế. Các sáng tác mới của Toàn cho thấy sự tự tin và kỹ năng của anh - sự khởi đầu mới hoàn toàn so với hai bộ sưu tập trước đó - tuy tuổi đời còn khá trẻ”.

30% số tranh tại triển lãm này đã được bán, trong đó có nhiều bức khổ lớn. Hiện Toàn đang bận rộn chuẩn bị loạt tranh mới cho năm 2019 - một năm nhộn nhịp mà theo chia sẻ của Toàn, anh sẽ có đến 3 triển lãm cá nhân. Là người cầu thị và cẩn trọng, dù là triển lãm cá nhân hay triển lãm nhóm, Toàn luôn lên kế hoạch trước - từ khâu vận chuyển, dỡ hàng, trưng bày, thậm chí tự tay treo từng bức tranh. Ngoài sự “khó tính”, điều này còn phản ánh, Toàn nâng niu và trân trọng thành quả của mình.

Toàn còn khá trẻ. Con đường của anh với hội họa hãy còn rất dài. Nhưng đoạn đường đã đi của Toàn cũng rất đáng để chia sẻ, vì nó chẳng hề dễ dàng với một chàng trai người Quảng Bình, quyết tâm theo đuổi hội họa tại TP.HCM, khi gia đình không ủng hộ.

Hoa si Pham Thanh Toan: 'Moi nam, toi theo duoi mot dong tranh moi'
"Cơ hội đến với mọi người là ngang nhau, nhưng nó chỉ đến một lần thôi. Nếu không sẵn sàng, bạn sẽ vuột mất" - Phạm Thanh Toàn

4 năm làm bảo vệ để theo đuổi giấc mơ hội họa

Phóng viên: Từ đâu bạn dành tình yêu cho dòng tranh sơn mài và quyết định theo học?

Họa sĩ Phạm Thanh Toàn: Trước khi đến với hội họa, tôi có 2 năm theo học một ngành liên quan nhiều đến sư phạm và thiết kế sân khấu, nhưng không thích lắm, vì nó vẫn bị gò bó, không cho tôi khám phá nhiều hơn về hội họa. Thời điểm đó, tôi rất buồn, hay lang thang từ trường về tít chợ Bà Chiểu thì thấy có phòng tranh trưng bày ở Trường đại học Mỹ thuật.

Tôi ghé vào xem tranh, rồi vào trường xem các bạn làm việc, thấy hay quá, như thể có điều gì đấy ngủ lâu bên trong mình trỗi dậy. Tôi quyết định dừng việc học bên kia, chuyển sang học mỹ thuật. Thực sự giai đoạn ấy vô cùng khó khăn, bởi gia đình tôi không ủng hộ, mọi người đều ra sức ngăn cấm. Bố mẹ tôi không muốn con trai theo đuổi mỹ thuật. Tất cả những khoản chi phí sinh hoạt, tôi đều phải tự xoay xở.

Trong quá trình học, tôi học sơn mài nhưng có nghiên cứu, tìm hiểu thêm sơn dầu, vì tính cách của tôi không đủ điềm tĩnh để theo sơn mài truyền thống. Vào năm học thứ 5, trước khi tốt nghiệp, tôi tổ chức một cuộc triển lãm nhỏ giữa sơn mài và sơn dầu để đo lường phản ứng người xem trước những tác phẩm của tôi, nhằm xác định hướng đi tốt hơn. Sự đón nhận bên sơn dầu có vẻ nhỉnh hơn. Tính phóng khoáng của dòng tranh này cho phép tôi được thể hiện những điều mình suy nghĩ.

Ở triển lãm tiếp theo cùng với các bậc tiền bối của dòng tranh sơn mài mang tên Son+, tôi tiếp tục với sơn mài và bán được tất cả tranh trong lần trưng bày đó. Sau đấy, tôi chuyển hẳn sang làm sơn dầu, muốn tạo cho mình một phong cách riêng. Làm việc được 8 tháng thì tôi được cô Thủy Hương - vợ của thầy Huỳnh Thúc Tín giới thiệu với phòng tranh Craig Thomas. Ông Thomas đến xem tranh vào tháng 6 và đề nghị tôi triển lãm vào tháng 7. Dù thời gian gấp rút, tôi vẫn cố gắng vẽ ngày đêm, bởi cơ hội chỉ đến với mình một lần, không bao giờ có lần thứ 2.

* Craig Thomas Gallarey dành tặng bạn những lời khá trân trọng, có đoạn “một họa sĩ trẻ có kế hoạch và hoài bão”. Bạn nghĩ gì về nhận xét này?

- Quan điểm trong ngành mỹ thuật phần lớn đều cho rằng, làm việc cần năng khiếu và chủ yếu dựa theo cảm hứng. Tuy nhiên, tôi thiên về lý trí nhiều hơn: làm việc phải có kế hoạch rõ ràng, khoa học. Kế hoạch hằng năm của tôi đều được lên trước ít nhất một hoặc hai năm, trưng bày ở đâu, trong hay ngoài nước, số tranh là bao nhiêu. Hiện tại kế hoạch của tôi đã lên đến năm 2022.

Trong ngành này, khả năng thành công rất khó, tỉ lệ chọn tự nhiên khá là khắt khe. Do đó, tôi nghĩ, chỉ có chăm chỉ làm việc, tổ chức chuyên nghiệp và kế hoạch rõ ràng thì mới có thể nắm bắt cơ hội khi nó đến. Cơ hội đến với mọi người là ngang nhau, nhưng nó chỉ đến một lần thôi. Nếu suốt ngày chỉ la cà cà phê, nói về hội họa nhưng không vẽ thì sẽ chẳng có bức tranh nào. Không có tranh thì không thể làm gì cả. Bên cạnh đó, nếu mình làm tốt, làm kỹ thì khách hàng và nhà đầu tư nghệ thuật sẽ tìm đến mình, vì cả hai bên đều tạo ra lợi nhuận.

Hoa si Pham Thanh Toan: 'Moi nam, toi theo duoi mot dong tranh moi'
Bức Hạnh phúc muôn loài, sơn dầu trên canvas, 200 x 750 cm

* Để có triển lãm đầu tay, với một họa sĩ trẻ, có khó không?

- Với tôi thì không có gì khó cả, bởi thực ra, tôi học ở trường, với tính cách khá khác các bạn. Chẳng hạn khi thầy cho bài tập, các bạn làm một bài thì tôi làm hai, ba bài, có khi lên đến bảy, tám bài. Do đó, lượng tranh của tôi luôn có. Mặt khác, triển lãm tranh ở Việt Nam bây giờ cũng không còn quá khó, chỉ cần bạn đừng chạm vào những đề tài nhạy cảm như tôn giáo, chính trị hay luật pháp thì chỉ cần đóng một số tiền vào các trung tâm triển lãm để trưng bày.

Tất nhiên, số tiền đó với một họa sĩ trẻ là nhiều, bởi bạn chưa là ai, không dễ kiếm được tài trợ. Ban ngày đến trường, ban đêm tôi làm bảo vệ trông xe để tích lũy. Cũng được bốn năm đấy, không đùa được đâu! (cười lớn) Sau 23 giờ, khách về hết thì tôi có thể làm bản thảo.

* Còn việc đưa tranh ra nước ngoài thì sao?

- Đó là điều bất cứ họa sĩ nào cũng mong muốn và nỗ lực. Người chơi tranh, phòng trưng bày ở Việt Nam thích tranh khổ lớn, nhưng ngại vì ở Việt Nam, lượng khách sưu tập tranh để lưu trữ trong kho rất ít, đa số tranh mua về vẫn để trang trí trong nhà. Định hướng của tôi khi vẽ những bức tranh khổ lớn là có thể liên kết với các nước bên ngoài, để xin những dự án tài trợ hoặc festival họa sĩ trẻ quốc tế, để họ biết đến tên tuổi của mình trước.

Tất nhiên, giới thiệu tên tuổi trong nước cũng quan trọng, đặc biệt là trang cá nhân. Hiện nay, người đầu tư nghệ thuật Việt Nam không ít. Họ vẫn âm thầm theo dõi từng cá nhân, từng họa sĩ. Gần đây, một vài nhà sưu tập chuyên nghiệp chia sẻ với tôi, thị trường tranh Việt Nam có nhiều họa sĩ vẽ rất đẹp, nhưng khá giống nhau. Họ bắt đầu cân nhắc, xếp hạng tác phẩm để đầu tư. Đẹp, trang trí lớn hay đẹp nhưng vẽ theo lối sản xuất hàng loạt.

Thế giới phẳng, họ có thể đi nhiều nước xem tranh ở các triển lãm, bảo tàng đương đại, nhìn thấy dòng tranh khổ lớn, không mang tính hàn lâm như tranh của tôi đang trở thành xu hướng và bắt đầu tập chơi. Đã có những nhà sưu tập liên hệ với tôi mua tranh khổ lớn để đầu tư và thể hiện sự thích thú.

* Tranh khổ lớn thì nguyên vật liệu rất tốn kém, bạn xoay xở thế nào để tái đầu tư?

- Khi dùng nguyên vật liệu, tôi rất cân nhắc, vì thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào độ bền của tác phẩm, cũng như khi tiếp xúc với vật liệu trong quá trình làm việc, đảm bảo nó có thể tạo hiệu ứng tốt nhất, truyền tải đúng ý đồ của mình. Nếu dùng màu không tốt thì không thể thực hiện được. Mặt khác, để sở hữu một bức tranh, người mua phải chi một khoảng tiền không hề nhỏ. Do vậy, việc họa sĩ đầu tư cho nguyên vật liệu tốt là hoàn toàn xứng đáng.

Khi mới bắt đầu vẽ, tôi gặp rất nhiều khó khăn về vật liệu, phải bớt tất cả những khoản chi phí lại, tiền cà phê, tụ tập bạn bè, rất nhiều khoản về nhu cầu cá nhân, sinh hoạt… hầu như phải cắt hết để dồn tiền mua họa phẩm. Có những thứ ở Việt Nam không bán, phải đặt từ nước ngoài về qua các trang trung gian hoặc nhờ bạn bè. Thầy giáo của tôi cũng hỗ trợ đôi phần, rất nhỏ thôi, nhưng mình không thể nào cứ “ăn bám” thầy mãi thế được.

Hoa si Pham Thanh Toan: 'Moi nam, toi theo duoi mot dong tranh moi'
Bức Ông vua và Con khỉ, triển lãm King, sơn dầu trên canvas, 120 x 200 cm

Mỗi loạt tranh đều cần định hướng trước khi vẽ

* Bạn đã có những triển lãm tạo tiếng vang, bán được khá nhiều tranh. Gia đình đã tin tưởng, ủng hộ con đường mà bạn quyết theo đuổi chưa?

- Tới bây giờ, gia đình tôi vẫn khuyên bỏ nghề đi, tìm ngành khác mà làm. Gia đình tôi vốn là nông dân ở một vùng quê nghèo nên việc con trai theo một nghề mơ hồ như hội họa là khá phiêu lưu. Nhưng tôi nghĩ, mình có thể làm công việc này cho đến chết mà không cảm thấy chán. Ngày nào tôi cũng dành thời gian cho nó, dù cũng bận rộn những nhu cầu xã hội như ăn uống, bạn bè, thể thao, gia đình… Tôi luôn có tâm thế làm xong công việc để trở về xưởng vẽ. Điều hạnh phúc nhất của tôi đến bây giờ là chọn được nghề mà tôi thích.

Còn việc tranh có thể đến những sân chơi nào thì phụ thuộc vào cố gắng của bản thân. Tôi luôn tin, mình cố gắng lao động đến đâu thì thành quả sẽ hiển thị đến đó. Không thể gào lên tôi vẽ mà tại sao không bán được. Như thế thì tính cá nhân vẫn còn nhiều quá và bản thân người vẽ vẫn chưa tìm hiểu sâu về thị trường, mong muốn của khách hàng.

Tương tự như bạn đi siêu thị, dù mua một món rẻ, cũng cân nhắc hai ba mặt hàng cùng loại, nâng lên đặt xuống, có khi không chọn vì không ưng. Với tranh, người mua bỏ ra một số tiền lớn nên họ rất cẩn trọng với nhiều tiêu chí. Tôi nghĩ, đây là điều mà người làm mỹ thuật nên lưu tâm.

* Vậy bạn có phân vân giữa việc thoải mái biểu đạt suy nghĩ của bản thân trên tranh và thực hiện cái mà khách hàng muốn?

- Tôi không bao giờ đi theo nhu cầu của thị trường. Quan trọng nhất, trước nhất là mình làm ra một tác phẩm mình thấy đẹp mới mong khách hàng thấy đẹp. Còn làm theo khách hàng dễ gây cho mình trạng thái “điên”. Cái tôi sẽ làm trong thời gian sắp tới là một năm sẽ tạo ra một loạt tranh với đề tài, kỹ thuật khác, gồm vài chục bức, thay vì đi theo lối mòn, lặp lại năm trước đó.

Sở dĩ tôi làm điều này là vì nhận thấy các bậc họa sĩ đi trước vẽ loạt tranh sau giống loạt tranh trước quá. Đó là lý do, họ nổi tiếng mười mấy hai mươi năm mà giá tranh vẫn không lên được. Tất nhiền, điều này tùy theo quan điểm của mỗi người. Mình có thể bán, khách hàng mua liên tục, dòng tranh ấy định hình được rồi, nhìn tranh thì biết ngay của họa sĩ nào, nhưng như vậy chưa hẳn đã tốt. Cho nên, quan điểm của tôi vẫn là nên thay đổi để học và làm mới chính mình.

Hoa si Pham Thanh Toan: 'Moi nam, toi theo duoi mot dong tranh moi'
Bức Tài sản mang theo, triển lãm King, sơn dầu trên canvas, 120 x 160 cm

* Từ triển lãm cá nhân đầu tay năm 2016 cho đến King hồi tháng Bảy vừa qua, tranh của bạn có những thay đổi rõ nét, từ đề tài, đường nét. Trong quá trình đó, tư duy sáng tạo của bạn thay đổi ra sao? Điều gì đã tạo nên sự thay đổi này?

- Tôi tư duy về tranh bằng lý trí trước. Đầu tiên là tổng kết, xem tranh của họa sĩ trong nước, đánh giá họ theo cảm xúc riêng của mình. Tôi chọn thay đổi liên tục, vì nhờ đó mình thử nghiệm và biết được nhiều thứ hơn, tranh khác hơn. Tất nhiên, chọn lối này khó khăn hơn rất nhiều, vì người xem sẽ hồi hộp, không biết sau triển lãm, mình sẽ vẽ cái gì, vẽ như thế nào. Người xem hết sức hoang mang, thậm chí nhiều người hỏi: “Có phải là tranh của Toàn không?” Trong quá trình tư duy, chuyện vay mượn, chịu ảnh hưởng của họa sĩ này, họa sĩ kia (ý của Toàn là ảnh hưởng về trường phái, xu hướng - NV) là hết sức bình thường.

Năm 2016, tôi chịu ảnh hưởng của họa sĩ Henri Rousseau, vẽ dòng tranh thú, rừng rậm, gần gũi thiên nhiên. Trưng bày lần hai mơ mộng hơn, do được truyền cảm hứng từ những bộ phim viễn tưởng về siêu anh hùng, dị nhân, khủng long. Do đó, bộ tranh năm 2017 đa số là những con thú bay trên trời, quây quần bên con người như những người bạn.

Năm 2018, tôi vẽ thiên về cảm xúc, biểu hiện, trong đó có sự tính toán từ những gì mình học được chứ không thuần khiết, hồn nhiên. Tôi ảnh hưởng từ Barat, Willem de Kooning và Francis Bacon. Loạt tranh tiếp theo sẽ mang tính cá nhân mạnh hơn, thiên về nội tâm người Á Đông, đời sống hằng ngày và tâm linh, hợp với xu thế bây giờ hơn. Mỗi loạt tranh cần có cốt lõi của vấn đề, tiêu chí, mục đích và định hướng rồi vẽ, chứ không phải theo kiểu thích gì vẽ nấy. Như vậy thì sẽ không bền. Bởi khi cảm xúc không còn, mình sẽ trở về số 0.

* Mỗi năm một dòng tranh mới. Bạn không quan tâm đến dấu ấn cá nhân?

- Trước giờ, thất bại của tôi trong ngành không nhiều, nhưng có thì rất đau. Cho nên quan điểm của tôi là: nếu đã đi thì hãy nhìn về phía trước, đừng ngoái đầu lại. Nhìn lại cũng tốt thôi, nhưng nếu mình rơi vào ảo tưởng và đắm đuối trong những thành quả đã đạt được thì đấy là sự thất bại khủng khiếp.

Sau khi hoàn thành tác phẩm, hầu như tôi không còn liên quan đến nó nữa. Ngoại trừ tranh trong năm nay, còn tranh trước đó đều được các nhà sưu tập mua hết. Tôi cũng không quan tâm những bức tranh đấy đi về đâu. Thay vào đấy, tôi dành thời gian tìm hiểu các nghệ sĩ đương đại trên thế giới đang làm thế nào để không bị lạc hậu.

Khát khao, cách làm việc của họa sĩ thể hiện trên tác phẩm chứ không thể dựa vào mối quan hệ, quen biết, nể nang. Những nhà giám tuyển nghệ thuật, người sưu tập đều rất giỏi và “tinh ranh”. Bạn không thể nào qua mắt được họ. Tôi tin, nếu cố gắng, trong vòng 10 năm nữa, mình sẽ có chỗ đứng tốt hơn. Khả năng của con người là vô tận, quan trọng là mình có muốn theo đuổi và làm đến cùng hay không mà thôi.

* Cảm ơn Toàn đã chia sẻ.

Hoàng Linh Lan (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI