Họa sĩ Hiền Nguyễn: Ủ trong sơn mài

17/01/2019 - 06:00

PNO - Bàn về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Gia Trí từng cho rằng: 'Hội họa Á Đông có sự khắc khổ, bởi nó đi vào bên trong… Chính bức tranh là con người họa sĩ'. Làm sơn mài, 'cũng là tu tính, tu tâm'

Trong buồng ủ, họa sĩ tu tâm

Khi vẽ sơn dầu, quá trình lưu lại cảm xúc diễn ra rất nhanh và hoàn thiện cũng rất nhanh; nhưng với sơn mài, quá trình đó được đẩy lên hằng ngày. Ủ và vẽ, vẽ và mài… liên tục qua rất nhiều công đoạn. Hiền Nguyễn nói, điều đó khiến chị kiên trì, hồi hộp đợi chờ và đôi khi, có cả sự thất vọng lẫn những hiệu ứng hân hoan bất ngờ nữa. Đó mới là điểm thú vị khi thực hành nghệ thuật trên chất liệu hội họa đặc biệt này.

Hoa si Hien Nguyen: U trong son mai
Họa sĩ Hiền Nguyễn

Không như bất kỳ chất liệu nào - muốn khô phải phơi nơi khô thoáng, sơn mài muốn khô thì phải ủ trong buồng kín, thêm khay nước để hơi nước bốc lên tạo độ ẩm. Cái khác thường này là đặc tính của nhựa cây sơn - một loại thực vật đặc hữu Đông Nam Á, gặp hơi ẩm là nóng lên, bay hơi cùng nước, ngào tan những phân tử màu, tạo một lớp màng căng trong vắt.

Trong buồng ủ tối om, sơn mài như một thực thể sống cần nước, âm thầm biến đổi với hành trình độc đáo của mình. Trong buồng ủ, như con ngài trong kén, sơn mài thường cần 3 tháng để se mặt sơn, 6 tháng để đanh mặt then, sớm một chút là đục màu, non một chút là bệt màu. Chỉ có sơn mài truyền thống, với lớp sơn ta chắt từ nhựa cây, mới chịu… ủ.

Hoa si Hien Nguyen: U trong son mai
Tác phẩm Tình yêu cuộc sống

“Đa số tuyệt phẩm sơn mài hiện đại Việt Nam đều cho thấy tạo hình gần với hiện thực, mảng miếng vừa phân minh vừa biến ảo. Rất ít người phiêu lưu vào lối tạo hình kiểu không hình (non-figuratif), mà trong đó, Hiền Nguyễn là họa sĩ kiên trì bậc nhất”.

 Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Hỏi Hiền Nguyễn, trong buồng ủ tối om đó, đã bao giờ chị cảm thấy cô đơn? Không hề. Trái lại, chị vẽ, giải tỏa, giải phóng bản thân, tìm được sự cân bằng và tạo ra nguồn sống cho mình. Chị kể, bình thường chị không bao giờ hát, nhưng khi vẽ, có những tác phẩm, cảm xúc được đẩy lên cao độ, có khi chị hát mà không ý thức mình đang hát. Có lẽ, đó là giây phút lắng đọng nhất, riêng tư nhất, được đắm chìm vào thế giới tự do tuyệt đối mà bằng một cách nào đó, Hiền Nguyễn đã chia sẻ thông qua tác phẩm.

Hoa si Hien Nguyen: U trong son mai
Tác phẩm tranh khổ lớn đầy sáng tạo của họa sĩ Hiền Nguyễn

“Tôi yêu cái khung cảnh đang bày ra trước mặt này. Tâm tình của tôi ra sao, tôi sẽ thể hiện ra trọn vẹn trên tấm vóc như thế. Hội họa chính là một hình dung rõ ràng của tôi về cuộc sống” - Hiền bộc lộ. Và không chỉ những cái thấy rõ, những thứ vô hình như nhịp sống đô thị, thanh âm cuộc sống, những khoảnh khắc bản thân cảm nhận được và muốn lưu lại trong tác phẩm, chị cũng đưa vào tranh. Vẽ sơn mài, để sống với tranh, sống cùng nhịp sống đó, cũng là một cách để tái tạo năng lượng cho mình trong âm thầm, lặng lẽ.

Hoa si Hien Nguyen: U trong son mai
Tác phẩm Thu sang

Dương tính cũng là âm tính

“Trung thành với phương pháp và kỹ thuật truyền thống, đồng thời vượt qua những định kiến xưa cũ, sử dụng bảng màu phong phú, làm cho tác phẩm của mình trở nên bay bổng, phóng khoáng, Hiền Nguyễn đã chứng minh rằng, sức biểu cảm của chất liệu và kỹ thuật truyền thống là vô hạn, không nhất thiết phải đi tìm sự phối ghép, đôi khi không ăn nhập với những chất liệu phi truyền thống nào”.

 Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình

Xuất thân là dân đồ họa, Hiền Nguyễn lại bị sắc màu của sơn mài mê hoặc. 15 năm kể từ ngày chập chững bước vào thể loại này, chị đã kịp trình làng 2 triển lãm cá nhân tiêu biểu: Những cung bậc cảm xúc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2012, và Ủ vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Họa sĩ nữ vẽ sơn dầu thì nhiều nhưng nữ vẽ sơn mài, vẽ đúng kỹ thuật truyền thống mà tạo ra được một hệ thẩm mỹ, vẽ chắc tay có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Triển lãm giới thiệu 88 bức tranh thì có tới 61 bức thuộc thể loại này, trong đó, có nhiều bức khổ lớn, gồm 3-4 tấm ghép lại. Ngoài việc nuôi dưỡng cảm xúc trong thời gian dài, để tạo ra được những bức tranh khổ lớn, nặng, khi ủ, khi mài, phải nâng lên đặt xuống không biết bao nhiêu lần. Với sức vóc của một phụ nữ, đây quả là điều đáng nể.

Hoa si Hien Nguyen: U trong son mai
Tác phẩm Cánh đồng vàng, sơn mài, 100 x 135cm

Hiền Nguyễn chọn cuộc chơi sơn mài vì chị am hiểu luật chơi, thậm chí là người thiết lập trò chơi. Chị chủ động với màu sắc, kỹ thuật, chất liệu. Sơn mài khó khăn và vất vả, nhưng hoàn toàn xứng đáng với công sức nghệ sĩ bỏ ra, vì sự lôi cuốn, tính biểu cảm vô cùng phong phú mà nó mang lại. Để rồi, dưới bề mặt tân tiến đó, vẫn giữ một trái tim truyền thống. Đơn thuần, cố chấp nhưng lại đi đến tận cùng.

Hoa si Hien Nguyen: U trong son mai
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Hiền 

Tranh sơn mài Hiền Nguyễn nhiều màu sắc, nhưng không vì thế mà hời hợt. Rõ ràng là dương tính đó nhưng ẩn phía sau vẫn có âm tính. Xem tranh chị, tôi thích để ý những tiểu tiết, thích nhìn vào khoảng mờ nhòe giữa sự vật. Xem tranh chị, thấy cây cối, hoa lá đang tan rữa, không còn hình còn khối. Chị nói, ngôn ngữ của hội họa không cùng, mỗi người có một cảm nhận khác nhau về sự vật, hiện tượng. Nhưng dù cuộc sống khắc nghiệt thế nào, chị vẫn muốn nhìn vẻ tích cực trong đó. Vì thế, thế giới trong tranh chị đầy tình yêu, màu sắc, cả sự êm dịu nữa.

Hoa si Hien Nguyen: U trong son mai
Tác phẩm Giao mùa

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí gọi sơn mài là “thổ sản” của nước ta. Hiền Nguyễn vẽ sơn mài, để nuối tiếc, để tiễn đưa “một mùa”, “một mùi” nồng nàn đã qua còn hẹn ngày trở lại trong hội họa Việt Nam. 

 Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI