Hiện vật “sống dậy” với bảo tàng thông minh

16/02/2017 - 13:24

PNO - Những hiện vật, tư liệu ở bảo tàng sẽ không còn là vật vô tri vô giác kèm thông tin giới thiệu ngắn gọn khô khan. Khách đến bảo tàng cũng sẽ không còn bị lệ thuộc vào lời giới thiệu của thuyết minh viên.

Không gian bảo tàng như mở rộng hơn, dẫn dắt người xem đến với nhiều câu chuyện, hình ảnh sinh động liên quan đến hiện vật. Đó là những khác biệt ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ khi hệ thống bảo tàng tương tác thông minh chính thức được đưa vào hoạt động tại đây.

Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh không xa lạ ở Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu. Một số bảo tàng của Singapore cũng đã thực hiện hình thức này. Nhưng ở Việt Nam, đây được xem là bước tiến mới, lần đầu tiên thực hiện. Cùng với Khu di tích địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ được chọn để triển khai thí điểm trong năm 2017.

Hien vat “song day” voi bao tang thong minh
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sẽ, sinh động và thu hút khách tham quan hơn khi ứng dụng hệ thống bảo tàng tương tác thông minh

Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hiện lưu giữ hơn 39.000 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về con người, đất nước Việt Nam, trong đó có rất nhiều tư liệu, hình ảnh về phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng với diện tích hiện tại của bảo tàng, các hiện vật, hình ảnh được trưng bày vẫn còn rất khiêm tốn so với số hiện vật đang phải lưu giữ trong kho.

Hơn nữa, với cách trưng bày “truyền thống”, mỗi hình ảnh, hiện vật thường chỉ có vài thông tin giới thiệu ngắn gọn, đơn giản, dễ tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho người xem.

Với hệ thống bảo tàng tương tác thông minh, “diện mạo” của bảo tàng và cảm nhận của công chúng về các hiện vật, hình ảnh được trưng bày sẽ hoàn toàn thay đổi. Người xem có thể tham quan độc lập, tìm hiểu tất cả thông tin liên quan đến hình ảnh, hiện vật được trưng bày chỉ với chiếc điện thoại thông minh, không cần có người thuyết minh.

Trước đây, khi nhìn một khung cửi, người xem chỉ đọc được vài dòng thông tin cơ bản: thời điểm ra đời, chất liệu, công dụng, sự kiện lịch sử đi kèm (nếu có)… Với hệ thống bảo tàng tương tác thông minh, ngoài những thông tin cơ bản, người xem còn thấy được hình ảnh người đang ngồi dệt vải và hiểu cách thức hình thành một mảnh vải.

Hoặc với một chiếc xe đạp, thay vì chỉ có thông tin năm sản xuất, tên người dùng, mục đích sử dụng… thì giờ đây, khách tham quan có thể biết được nhiều hơn như hình ảnh phương tiện, người dùng thồ hàng, đi giao liên. Xa hơn nữa là thành tích trong chiến đấu, cuộc sống đời thường của chủ nhân chiếc xe đạp… Với những nhân vật còn sống, bảo tàng sẽ tiếp tục cập nhật hình ảnh, thông tin mới về cuộc sống hiện nay của họ để cung cấp tư liệu mở rộng cho công chúng.

Đặc biệt, với hệ thống này, khách tham quan hoặc người nghiên cứu, tìm hiểu còn có thể tìm được cả thông tin liên quan đến hiện vật, tư liệu mình quan tâm hiện đang được trưng bày, giới thiệu ở những bảo tàng khác, bất kể đó là bảo tàng tại Việt Nam hay quốc gia nào. Dự kiến sẽ có bốn ngôn ngữ được sử dụng ở hệ thống bảo tàng tương tác thông minh là tiếng Việt, Anh, Pháp và Nhật.

Bà Nguyễn Thị Hiển Linh - Phó giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết: “Hơn 20 năm làm việc tại bảo tàng, tôi chưa bao giờ hình dung bảo tàng của mình đẹp lung linh đến vậy, dù chỉ mới xem nhóm thực hiện giới thiệu một số hình ảnh khi trình bày về hệ thống bảo tàng tương tác thông minh”.

Không chỉ có thể giúp bảo tàng giới thiệu thêm được nhiều hiện vật ở kho mở, hệ thống bảo tàng tương tác thông minh còn là giải pháp hữu hiệu để thực hiện những cuộc triển lãm lưu động, mang bảo tàng đến gần hơn với công chúng ở vùng sâu, vùng xa, trường học, khu công nghiệp… Không cần phải mang hiện vật, hình ảnh gốc đến điểm trưng bày, những mẫu hiện vật, hình ảnh nhân bản được mã hóa theo bản gốc vẫn cho người xem đầy đủ thông tin như hiện vật gốc.

Cùng với việc mang lại cho công chúng những trải nghiệm sống động, đa dạng khi tham quan, bà Linh cho biết, bảo tàng cũng đang “đặt hàng” nhóm thực hiện thiết kế thêm những trò chơi liên quan đến hiện vật, tư liệu. Những trò chơi này nhắm đến giới trẻ và sinh viên, học sinh đến tham quan bảo tàng.

“Đây là cách để các em cảm thấy thích thú hơn khi đến tham quan bảo tàng. Đồng thời thông qua các trò chơi, các em có thể hiểu hơn giá trị và ý nghĩa của các hiện vật đang được trưng bày, những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc...”, bà Linh nói.

Dự kiến hệ thống bảo tàng tương tác thông minh sẽ được đưa vào hoạt động cuối quý II, đầu quý III/2017. Hiện tại, thách thức lớn nhất của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là quá trình số hóa tất cả hiện vật, hình ảnh, tư liệu đang lưu giữ. Trong giai đoạn đầu, hệ thống bảo tàng tương tác thông minh sẽ được thực hiện với khu vực trưng bày về cuộc đấu tranh của phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến.

Sau thời gian thí điểm, hệ thống bảo tàng tương tác thông minh sẽ được nhân rộng ở các bảo tàng khác. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc triển khai hệ thống bảo tàng tương tác thông minh không chỉ là cơ hội để các giá trị văn hóa, lịch sử đang lưu giữ tại bảo tàng được giới thiệu đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước, mà còn được đặt nhiều kỳ vọng sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với TP.HCM.

 

Dự án hệ thống bảo tàng tương tác thông minh được thực hiện dựa trên phần mềm Hệ thống tương tác thông minh

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI