Hãy viết tiếp, để cả thế giới biết!

09/08/2019 - 15:35

PNO - Những trang sách viết từ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã kể với người đọc nỗi ám ảnh kinh hoàng trong lòng dân, dưới nạn diệt chủng, bổ khuyết cho một phần lịch sử bi đát chưa được kể...

Trong dòng chảy văn học Tây Nam

“Kính tặng những cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia và những người dân Khmer yêu dấu”, “Kính tặng đồng đội tôi, những người đã chết và những người còn sống”... Đó là những dòng đề từ trên các tựa sách viết về chiến trường K, vừa được nhà xuất bản Trẻ giới thiệu. 

Họ, những người lính tình nguyện năm xưa, may mắn được trở về, như nhận lãnh sứ mạng của lịch sử, của văn chương, để viết về những năm tháng không thể nào quên. Văn học Tây Nam - cách gọi những tác phẩm viết về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam (1979-1989) - qua ngòi bút của họ hết sức chân thật, khốc liệt và cao cả.

Bài 1Viết như để trả nợ

Bài 2Chiếc võng đầy thơ trong rừng khộp

Tháng 11/2018, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) đã tuyên bố Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng trong giai đoạn chế độ này cầm quyền tại Campuchia (1975-1979). Hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan bị kết án chung thân. Nhưng gần bốn thập niên sau, thảm họa diệt chủng vẫn chưa nguôi ám ảnh.

Hay viet tiep, de ca the gioi biet!
Nhà văn Đoàn Tuấn ký tặng sách cho bạn đọc

Đi tìm câu trả lời về tội ác

“Mục tiêu của Pol Pot là hướng con người tới thế giới đại đồng. Tạo hóa tạo ra con người không đồng đều về tất cả, nơi nào cũng có người này cao người kia thấp, người này đẹp người nọ xấu. Ông ấy muốn thay mặt tạo hóa, san bằng những bất công mang tính bẩm sinh như vậy. Bênh vực người yếu, người bất hạnh là đức tính mà bất cứ người nghĩa khí nào cũng có. Nhưng bênh vực người cụt chân không có nghĩa là chặt chân người lành lặn. Bênh vực người bất hạnh không có nghĩa là biến những người may mắn cũng trở nên bất hạnh. Ông ấy lại làm như vậy, chặt chân hoặc chặt đầu để tìm kiếm sự đồng đều. Ông cho đó là con đường hợp lý để con người không so bì nhau, không tranh chấp, đó cũng là con đường bình yên cho nhân loại hay ít ra là cho dân tộc Campuchia” - trích tác phẩm Về từ hành tinh ký ức của nhà văn Võ Diệu Thanh, lời của một cựu cán bộ Khmer Đỏ.

Nhà văn Võ Diệu Thanh đã đi tìm người lính Khmer Đỏ, để tìm câu trả lời về nguồn gốc tội ác, về cả những kế hoạch bí mật giữa quân đội Khmer Đỏ và Pol Pot năm xưa. Đọc những ghi chép từ lời kể nhân vật, tôi giật mình vì “dưới mắt Pol Pot, người Việt Nam là những người khôn lanh, gian xảo và tham lam. Còn người Việt Nam thì không khi nào đưa Campuchia về thế giới đại đồng được”. Vậy nên, Pol Pot tuyên bố hy sinh hai triệu người Campuchia để tận diệt 50 triệu dân Việt Nam.

Nếu như các hồi ức chiến trường là câu chuyện của đội quân tình nguyện trên đất bạn thì Về từ hành tinh ký ức là cuộc tìm về quá khứ của một người cầm bút thuộc thế hệ sau, dấn thân vào những ký ức đau thương của các nhân chứng may mắn sống sót qua thảm họa diệt chủng. Từ Ba Chúc (Tri Tôn), Núi Nước, Châu Phong, Tân Châu… (tỉnh An Giang), một vùng ký ức hãi hùng được tái hiện. Những trang sách viết từ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã kể với người đọc nỗi ám ảnh kinh hoàng trong lòng dân, dưới nạn diệt chủng, bổ khuyết cho một phần lịch sử bi đát chưa được kể từ những hố chôn người ở “đất bên ngoài Tổ quốc”.

Điều đau xót trong cuộc chiến vệ quốc của những người lính ở chiến trường K, có lúc không phải là những ngày hành quân gian khổ, đối mặt với sống chết trong gang tấc, mà là trên đất bạn lại nghe Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc (ngày 17/2/1979). Họ đang cách xa quê nhà ngàn dặm, muốn trở về chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, để “cho dù có chết cũng được chết trên quê hương”, mà không được. Những tội ác, những âm mưu, những bi thương của một thời được ghi chép lại, không chỉ cho thế hệ này mà cho cả trăm năm sau. “Chúng ta không được phép quên. 40 năm đã đủ để chúng ta phải nói về nó một cách đầy đủ. Cho dù nhà văn chọn viết theo thể loại nào, cũng là phản ánh hiện thực” - ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên nhà xuất bản Trẻ, nói.

Hay viet tiep, de ca the gioi biet!

Sẽ còn viết tiếp

Nhà văn Nguyễn Vũ Điền bày tỏ: “Cuộc sống của lính đã ngấm vào máu thịt. Đồng đội gặp nhau, ký ức lại trở về sống động. Nhiều người hỏi tôi sao nhớ kỹ thế, kể được cả những chi tiết nhỏ. Vừa rồi tôi có trở lại Đông Anh (Hà Nội), tìm gia đình một người đồng đội đã mất, để ra mộ thắp cho bạn nén nhang. Tôi còn dự định viết tiếp, vẫn còn rất nhiều điều chưa nói hết”.

“Đồng đội tôi có rất nhiều người đã không thể trở về với cuộc sống đời thường. Họ không chịu được cuộc sống đầy những mánh lới, lọc lừa; không chấp nhận được khi thấy tham nhũng, hối lộ. Tôi phải viết về những con người bị giằng xé giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa cá nhân và tập thể” - nhà văn Đoàn Tuấn chia sẻ.

Những trang nhật ký chiến trường vẫn còn đó. Nhà thơ Lê Minh Quốc còn ghi rõ ngày tháng năm hy sinh của từng đồng đội. “Thanh xuân của họ bên những chiến hào, họ đã làm nên tác phẩm bằng chính cuộc đời mình. Hãy đọc và đừng bao giờ quên những người đã hy sinh vì Tổ quốc” - nhà thơ Phạm Sỹ Sáu xúc động. Trong ba-lô mang về từ chiến trường của ông là những bản thơ chép tay, cuốn sổ ghi nhật ký. “Khi trở về, tôi mang theo cái hộp quẹt do chính tay tôi làm, một cái ba-lô lỗ chỗ vết đạn… Nhưng kỷ vật quý báu nhất chính là những trang nhật ký chiến trường” - nhà văn Nguyễn Thành Nhân chia sẻ. Từ những trang nhật ký rời rạc đó, Mùa xa nhà đã thành hình.

Mỗi người lính đều có thể là một cuốn sách, một kho tàng ký ức, để tái hiện một giai đoạn bi thương, chưa được nhắc đến nhiều trong lịch sử Việt Nam. Thậm chí, khi họ trở lại thăm chiến trường xưa, đã có thể là một cuốn sách khác.  “Khi chúng tôi thăm lại những phum từng đóng quân gần, những người mẹ năm xưa đều đã mất. Những đứa trẻ 5, 6 tuổi ngày trước chúng tôi hay cho xà bông gội đầu nay đều trở thành cha mẹ” - nhà văn Nguyễn Thành Nhân tâm sự.

Hay viet tiep, de ca the gioi biet!

“Tôi nghĩ, những tác phẩm này cần dịch sang tiếng Campuchia, tiếng Anh để phổ biến rộng rãi, để Campuchia và thế giới hiểu được tấm lòng của Việt Nam đối với nước bạn” - nhà thơ Lê Minh Quốc đề nghị. Thật vậy, đó là điều cần làm ngay, để bạn bè quốc tế thấy và hiểu một thế hệ tuổi trẻ của Việt Nam đã chiến đấu cao cả như thế nào.

Những vùng đất xanh um cây cối, vườn tược, thanh bình ở Campuchia bây giờ, năm xưa đã thấm bao xương máu của những người lính tình nguyện Việt Nam. Qua những trang viết ấy, người đọc còn thấy được cả lối sống, phong tục, văn hóa của người dân xứ chùa tháp một thời… 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI