Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Về một người phụ nữ đã đi qua cuộc đời

20/10/2016 - 06:00

PNO - Khi chúng ta nói về những người phụ nữ chính trong một ngày kỷ niệm nào đó như ngày 8/3 hay 20/10 là lúc chúng ta nên nói về một người phụ nữ cụ thể.

Điều đó có sai không? Tôi không biết. Nhưng với tôi, những ngày ấy tôi thường nhớ về những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời tôi như bà tôi, mẹ tôi, người yêu xưa của tôi...  

Trong những ngày này, tôi lại nhớ về một người con gái đã đi qua cuộc đời tôi từ 41 năm trước. Khi ấy tôi tròn 18 tuổi. Và người con gái ấy lúc đó 17 tuổi. Chúng tôi cùng sinh ra và lớn lên ở làng Chùa. Và sau những năm tháng sống trong yêu thương tưởng không gì chia cắt được, chúng tôi đã ly biệt nhau. Đó là một chiều mùa đông bên chiếc cầu Trắng bắc qua sông Nhuệ ở thị xã Hà Đông, chúng tôi đứng bên nhau dưới một vòm cây. Tôi đã đưa cho người con gái một bức thư nhỏ bằng chiếc bao thuốc lá. Bức thư ấy chỉ vẹn vẻn một dòng: “Em yêu dấu, từ hôm nay chúng ta không còn thuộc về nhau nữa”. Rồi tôi ra đi trong đau đớn khôn cùng. Tôi đã tự đánh mất người con gái ấy. Sông Nhuệ chiều ấy như ngừng chảy và gió trên vòm cây ấy như ngừng thổi. 

Sau này, khi viết trường ca về thị xã Hà Đông có tên NHÂN CHỨNG CỦA MỘT CÁI CHẾT, tôi đã dành một Khúc để viết về người con gái ấy.  

Nha tho Nguyen Quang Thieu: Ve mot nguoi phu nu da di qua cuoc doi
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Khúc Mười Ba 

Lần cuối cùng anh nhìn thấy em khóc
Anh mơ một ngôi nhà trong ánh sáng của cây
Có tiếng nấc đêm đêm vọng về từ con đường xa khuất thế gian này
Cái cây nhìn thấy chúng ta ngày ấy còn kia.
Đã rất nhiều con mắt cây biến mất.
Và rất nhiều con mắt mới nảy ra.
Con đường em ra đi vẫn còn kia và gió chiều ấy vẫn thổi.
Số phận như gió mang chúng ta mỗi người một ngả.
Cái cây nhân chứng đêm đêm mở mắt trừng trừng. 

Đêm nay con đường xưa đã ngập chìm trong nước.
Nhưng đôi bờ cây chỉ lối cho chúng ta.
Chúng ta phải đi khỏi làng quê yêu dấu.
Và cơn mơ chúng ta buồn bã chó sủa trăng.

Đêm nay anh không biết em ở đâu
Nhưng chúng ta cùng chung một cơn mưa
Tóc em còn nặng như xưa?.
Mắt em còn buồn như xưa?.
Và hơi thở em còn phả mờ mặt anh như xưa?.
Những câu hỏi trong im lặng của anh lại rền vang mặt nước.
Kí ức mùa thu nở bạt ngàn hoa cúc.
Mỗi bông cúc thắp trong anh im phắc một ngọn đèn.

Nước mắt rơi đã quá nhiều, im lặng đã quá lâu.
Rồi nước mắt sẽ ngừng rơi
Nhưng im lặng sẽ kéo dài vô tận
Và anh mơ một ngôi nhà trong ánh sáng của cây.

 (Trích từ trường ca NHÂN CHỨNG CỦA MỘT CÁI CHẾT, rút từ tập BÀI CA NHỮNG CON CHIM ĐÊM, nxb Hội Nhà văn 1999) 

Sau này tôi sống ở thị xã Hà Đông và làm việc ở Hà Nội. Ngày ngày tôi ra Hà Nội làm việc và tối trở về nhà. Chính thế mà hầu như ngày ngày tôi đều đi qua cầu Trắng và đi qua cái cây nơi chúng tôi nói lời ly biệt. Cái cây ấy chính là nhân chứng của sự ly biệt của chúng tôi. Cây cầu kia và cái cây kia như không bao giờ rời bỏ tôi. Chúng như đi theo tôi ngày ngày và nhắc tôi về cuộc ly biệt ấy. Bây giờ có thêm đường Tố Hữu để có thể đi từ Hà Đông ra Hà Nội, nhưng tôi vẫn đi con đường cũ. Tôi vẫn muốn đi qua nơi mà 41 năm trước tôi đã nói lời ly biệt người yêu mình. Con đường ấy vừa hạnh phúc vừa đớn đau.  

Khi biết chúng tôi yêu nhau, cha tôi đã kiên quyết ngăn cản mối tình ấy bởi những lý do liên quan đến dòng họ của tôi. Tôi biết cha tôi vô cùng đau đớn khi ngăn cản mối tình của chúng tôi. Ngày ấy, mẹ tôi đã từng nói với chúng tôi là hãy đi đâu thật xa, có một đứa con rồi quay về thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng chúng tôi không thể làm như vậy được. Hay nói đúng hơn là tôi đã không làm được. Sau này nhắc lại chuyện xưa, mẹ tôi vẫn nói: “Con là một người đàn ông hèn nhát”. Mẹ tôi đã nói đúng. Tôi yêu người con gái ấy và tôi yêu cha tôi. Cha tôi đã từng khóc khi nói với tôi về mối tình của chúng tôi. Nhưng cha tôi không thay đổi quyết định của ông. Cuối cùng, tôi xin đi miền Nam công tác một thời gian để hy vọng cha tôi sẽ nguôi đi và cho phép chúng tôi yêu nhau và đi đến hôn nhân.  

Nhưng chỉ rời xa thị xã Hà Đông được mấy tháng thì tôi không chịu đựng nổi nỗi nhớ người yêu. Hồi đó, việc xin nghỉ phép đối với người vừa mới nhận công tác quả là khó. Chính thế tôi đã bịa ra một lý do là cha tôi ốm nặng để xin về phép. Ông thủ trưởng cơ quan tôi bèn gọi điện ra cơ quan ở Hà Nội tìm hiểu xem cha tôi ốm đau như thế nào, có cần thiết tôi phải ra không. Và thật kinh hoàng, cha tôi bị cấp cứu trong bệnh viện. Khi biết tin cha tôi, tôi không sao ngủ được. Tôi vừa thương cha vừa sợ hãi nghĩ rằng có lẽ vì lời nói dối cha tôi ốm nặng mà Trời Phật đã trừng phạt tôi bằng cách bắt cha tôi phải chịu trận ốm ghê gớm đó. Tôi vẫn trở về Hà Đông để thăm cha và để nhìn thấy người yêu. Và sau những ngày ở bên cha trong bệnh viện, tôi quyết định nói lời ly biệt người con gái ấy và ra đi. 

Hai năm sau, người yêu tôi đi lấy chồng. Tôi trở về quê thăm mẹ. Mẹ tôi kể người yêu tôi bế đứa con nhỏ của mình đến chào mẹ tôi để chuyển công tác về quê chồng. Mẹ tôi nói: “Nó ôm con và khóc mãi ở đầu ngõ trước khi đi”. Câu chuyện mẹ tôi kể lại như giết chết lòng tôi. Đêm ấy, tôi đã ngồi ở bậc ngõ suốt đêm và nhớ về những năm tháng chúng tôi yêu nhau. Chính trên lối ngõ ấy tôi đã hôn người yêu tôi cái hôn đầu tiên. Mấy tháng sau, tôi đã viết một bài thơ về người con gái ấy. Bài thơ có tên HOA DÂM BỤT. 

HOA DÂM BỤT 

Anh về thăm lại xóm mình xưa
Hàng dâm bụt xanh, hoa đỏ mắt chờ
Chim khách cuối vườn kêu luýnh quýnh
Mẹ già không kịp gọi tên anh

Chiều nay chuồn ớt bay nhiều quá
Cay vào nỗi nhớ thuở yêu nhau
Em run rẩy đâu rồi, em nóng hổi
Em trắng ngần sợ sệt cuối đêm trăng

Nơi ta hôn nhau giờ sắc hoa đỏ gắt
Hoa nở bật ra như vết cứa máu trào
Làng mình xưa cũ nghèo vách đất
Anh tặng em hoa dâm bụt cuối mùa

Giờ em theo chồng lên phố núi
Cắp nón che về phía vắng anh
Vắng anh, em nhìn hoa tiễn biệt
Em khóc thương anh trong tóc con mình

Đời anh mãi cháy mùa hoa đỏ
Mãi về ngõ ấy, mãi đêm trăng
Còn em, em mãi lòng thơm thảo
Làm hoa dâm bụt đỏ quê chồng 

Làng Chùa 1982 

Sau ngày ấy, chúng tôi biền biệt xa nhau. Nhưng một lần sau 20 năm không gặp nhau, tôi trở về quê vào một ngày cuối năm để chuẩn bị đón Tết. Tôi đã gặp lại người con gái ấy. Tôi như chết lặng. Gió chiều ấy thổi như chưa từng thổi như thế trên thế gian. Tất cả những cái cây trong làng tôi như đều mở to những mắt lá nhìn chúng tôi. Những người thân yêu bây giờ của tôi chứng kiến cảnh ấy có căm giận tôi không? Dù như thế nào thì tôi vẫn phải nói rằng: Tình yêu là một bí ẩn, là sự linh thiêng và chỉ làm cho con người luôn hướng về những điều tốt đẹp. Những buổi chiều như thế cho dù đau đớn nhưng nó luôn làm cho đời sống thế gian này ý nghĩa. Và đó cũng là lý do quan trọng nhất cho con người có thể sống qua mọi thách thức. 

Nguyễn Quang Thiều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI