Hạnh phúc chỉ có thể ở ngay đây

19/03/2016 - 07:52

PNO - Hạnh phúc không phải là sự kéo dài của một sự vật cụ thể. Nếu bạn coi hạnh phúc là một điều gì tĩnh tại, thì hạnh phúc đó vô nghĩa...

Hanh phuc chi co the o ngay day
Ảnh minh họa

“Hoàng tử bé”, “ông tiên” là những cái tên mà sinh viên khoa Văn khắp TP.HCM vẫn “lén” dùng để gọi nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, bởi cái phong thái du tử của ông. Trong một buổi sáng, người ta có thể thấy ông lang thang bách bộ ngoài phố, rồi lại gặ p ông say sưa trò chuyện văn chương triết học ở một salon văn hóa. Tóc đã bạc màu, nụ cười luôn trên môi, hình ảnh thong dong ấy gợi cho người ta cảm thức an bình, hạnh phúc. Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), chúng tôi tìm đến ông để trò chuyện về đề tài mà nhiều người quan tâm. Đó là hạnh phúc.

* Thưa nhà văn, ông vừa sáng tác, nghiên cứu, vừa tham gia dạy đại học dù đã về hưu, ngay cả trong những hội thảo quan trọng, người ta cũng thấy ông như đang thong thả dạo chơi và tận hưởng công việc, chứ không ra dáng một người tất bật. Trong cuộc tiêu dao đó, có bao giờ ông băn khoăn về hạnh phúc, hay hạnh phúc cứ tự nhiên mà đến?

- Trên đời chắc cũng có những hạnh phúc tự nhiên mà đến, nhưng đó sẽ chỉ là những niềm hạnh phúc ngẫu nhiên, ngắn ngủi và đầy may rủi. Trong khi, điều mà con người ước mong không thể là một niềm hạnh phúc chập chờn những ngắt quãng như thế. Tôi nghĩ, một người luôn hạnh phúc là một người ý thức rất rõ rằng đó là điều họ chủ động mà có.

Sự chủ động ấy, tôi lại không nghĩ là việc đi tìm hạnh phúc, hoặc đón đợi hạnh phúc, mà người ta phải sáng tạo hạnh phúc. Nói cách khác, ta phải sáng tạo hạnh phúc như là sáng tạo một trò chơi, như trẻ thơ, nghệ sĩ, những vận động viên thực thụ vẫn quen làm. Trước tiên, ta hình dung một tác phẩm hay, một cuộc chơi hay thì như thế nào, tức là ta bắt đầu sáng tạo. Rồi ta phải huy động năng lực, tạo cớ, tạo cơ hội cho tiến trình hạnh phúc được diễn ra. Nếu ta không chuẩn bị, không bắt tay, không lên đường, thì không có hạnh phúc.

Mà sáng tạo thì rất gần với chơi đùa, trong chơi đùa thì bao giờ cũng hiện hữu niềm vui dào dạt. Thực ra, ngay công việc cũng có thể là chơi đùa, nếu công việc đó được thực hiện với niềm vui và tinh thần sáng tạo. Như vậy, một đứa trẻ đang chơi đùa trên bãi biển chẳng hạn, em đắp cát, em đào hào, em nặn hình, em làm tất cả với niềm vui không vị kỷ, không vị lợi. Đó chẳng phải là hình ảnh của hạnh phúc hay sao?

* Nhưng rồi, trò chơi ấy cũng phải kết thúc, phải không thưa ông?

- Đúng thế. Và ngày mai, em bé lại bắt đầu trò chơi mới, không chỉ là trò đắp cát bên bờ biển mà còn là trò làm chị em với búp bê, làm thầy cô giáo dạy học... Niềm vui của em bé không bị đóng đinh vào một trò chơi nào, nó là một tiến trình, và trò chơi trong đó biến đổi liên tục. Hạnh phúc cũng vậy. Có điều, người ta hay bị đồng hóa hạnh phúc vào một vật, một người, một câu chuyện, một mối quan hệ nào đó. Khi ấy, hạnh phúc trở nên quá đỗi mong manh, bởi những vật - ngoại - thân ấy, nó nằm bên ngoài ý chí, ý muốn chủ quan của con người.

Hanh phuc chi co the o ngay day
Nhà văn Nhật Chiêu

* Thế nhưng, chẳng phải một người thương, một vật yêu quý, một mối quan hệ được dựng xây bằng rất nhiều kỳ vọng, hay một câu chuyện dành cả đời để tin và theo đuổi - là tất cả những dáng dấp hạnh phúc của một con người sao? Nếu người ta không đồng nhất để rồi tìm hạnh phúc trong những điều đó, hạnh phúc còn có thể hiện lên ở đâu?

- Một người thương có thể bỏ ta đi, một vật yêu quý có thể mất đi, một mối quan hệ có thể đổ vỡ và một câu chuyện rất dễ thành hư vô. Còn chúng ta, vẫn phải sống hạnh phúc. Nếu bạn đồng nhất hạnh phúc với tuổi trẻ, lẽ nào, người bước vào tuổi trung niên thì không thể hạnh phúc nữa? Nếu nói, đời sinh viên vô lo mới là hạnh phúc, lẽ nào, người đã tốt nghiệp phải sống đời địa ngục? Ở tuổi 65, tôi thấy niềm vui của mình chưa hề vơi đi, dù tuổi trẻ đã qua, thể lực suy giảm, khát vọng đã phai.

Hạnh phúc không phải là sự kéo dài của một sự vật cụ thể. Nếu bạn coi hạnh phúc là một điều gì tĩnh tại, thì hạnh phúc đó vô nghĩa, phù du. Tiến trình là hết cái này đến cái khác, chỉ có tiến trình và hạnh phúc là một, còn trò chơi có thể luôn biến đổi.

* Nhận thức ấy, sự tách rời hạnh phúc với những điều được nhìn thấy hàng ngày ấy, liệu có khiến con người trở nên bất an hơn?

- Ngược lại, nếu chấm dứt được xu hướng lầm lẫn hạnh phúc theo kiểu đồng nhất như trên, sự vận hành tự nhiên và bất khả cưỡng của đời sống không còn làm con người đau khổ nữa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI