Hãng phim truyện Việt Nam: Cái còn lại là cái không nhìn thấy được

11/12/2019 - 07:52

PNO - Việc xóa sổ một hãng phim có bề dày thành tích như Hãng phim truyện Việt Nam không đơn giản như việc xóa bỏ một đơn vị kinh tế làm ăn thua lỗ.

Có thể ngày nay nhiều người không hiểu nổi vì sao các nghệ sĩ phía Bắc phải cố đấu tranh giữ lại Hãng phim truyện Việt Nam. Nói một cách hình ảnh, hãng phim như một người mẹ già sáu mươi tuổi đang chết lâm sàng bởi sự tắc trách của bác sĩ. Nghệ sĩ là những người con không đành lòng nhìn mẹ mình ra đi.

Hãng phim truyện Việt Nam đã kỷ niệm sinh nhật sáu mươi tuổi vào ngày 6/12 tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội). Đây là nỗ lực gần như cuối cùng của những người nghệ sĩ còn sót lại (từ lâu đã bị cắt hết lương, bảo hiểm) của hãng. Khi bộ phim tài liệu về hãng được chiếu lên màn hình, tất cả những người tham dự đều rưng rưng nước mắt.

Hãng phim truyện Việt Nam trải qua sáu mươi năm (7/12/1959-7/12/2019) - đúng giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Những người làm phim sống trong giai đoạn đó đã làm phim bằng lòng nhiệt thành, say mê của những người lần đầu biết tới điện ảnh, bằng khát khao được cống hiến cho đất nước. 

Hang phim truyen Viet Nam: Cai con lai la cai khong nhin thay duoc
Những nghệ sĩ gạo cội của Hãng phim truyện Việt Nam rưng rưng trong ngày kỷ niệm sáu mươi năm thành lập hãng - Ảnh: Mộc Lan

Năm 1972, khi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, số 4 Thụy Khuê vẫn quyết làm xong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Những thước phim ngày đó không chỉ có mồ hôi, mà còn cả máu và nước mắt. Nên không khó hiểu khi Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đời cát… những đôi mắt đầy ám ảnh của những nữ diễn viên Trà Giang, Tố Uyên, Như Quỳnh, “em bé Hà Nội” Lan Hương, Lê Vân… xuất hiện trên màn hình, thì nghệ sĩ ai nấy đều rơi lệ. 

Những tiếng xuýt xoa “đẹp quá”, những lời cảm thán “đau xót quá” hòa trộn vào nhau trong ngày mừng sinh nhật Hãng phim truyện Việt Nam. Đạo diễn Xuân Sơn rưng rưng: “Vào cái ngày đáng lẽ người ta chỉ nói chuyện vui thì chúng ta phải nói về những điều cơ cực, bất công mà chúng ta phải chịu đựng”.

Cổ phần hóa đã từng được coi là phương thuốc để cứu sống Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2008 khi hãng này rậm rịch cổ phần hóa, không ai còn tin vào “phương thuốc” này nữa, sau khi có quá nhiều vụ cổ phần hóa thất bại. Hãng phim truyện có thể đã chết tức tưởi như nhiều đơn vị nhà nước sau cổ phần hóa, nhưng họ khác, bởi họ là một tập hợp của những người nổi tiếng. Khi nghệ sĩ lên tiếng, xã hội ắt phải quan tâm.

Bằng sự đấu tranh (dẫu muộn màng) của những nghệ sĩ, Thanh tra Chính phủ đã phải vào cuộc tháng 9/2018. Cơ quan này kết luận quá trình cổ phần hóa của hãng phim đầy rẫy sai phạm. Thủ tướng, Phó thủ tướng đã chỉ đạo phải xử lý dứt điểm vụ này, tuy nhiên cho đến nay, không ai biết số phận của hãng phim sẽ đi về đâu. Chủ trương cổ phần hóa của nhà nước là rất đúng đắn, nhưng những người thực hiện đã nắn chủ trương đó thành những “đường cong mềm mại” đến mức giờ nó đã trở thành một mớ bòng bong không thể gỡ rối.

Hang phim truyen Viet Nam: Cai con lai la cai khong nhin thay duoc
Cố nghệ sĩ Thế Anh và NSND Lan Hương trong phim Em bé Hà Nội

Trong cái giai đoạn vẫn còn phân vân nhà nước nên giữ bao nhiêu vốn phần trăm cổ phần, cơ quan chủ quản của Hãng phim truyện Việt Nam đã bỏ qua thời cơ vàng để bán hãng cho các đơn vị tư nhân thực sự làm điện ảnh. Để đến khi “nước đến chân”, cơ quan chủ quản vội vàng bán rẻ hãng cho Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO), đến nỗi nghệ sĩ phải la lên: “Cát sỏi thì biết gì về điện ảnh mà đòi làm cổ đông chiến lược?”.

Hãng phim truyện Việt Nam chỉ là một trong vô vàn những ví dụ cho sự lãng phí ở Việt Nam, một đất nước vẫn còn nằm trong nhóm các nước đang phát triển. Để xây dựng một hãng phim mất đến sáu mươi năm, nhưng để xóa sổ nó chỉ trong một tích tắc. Với một nước nghèo, rõ ràng đây là một lựa chọn cực kỳ phi kinh tế. 

Việc xóa sổ một hãng phim có bề dày thành tích như Hãng phim truyện Việt Nam không đơn giản như việc xóa bỏ một đơn vị kinh tế làm ăn thua lỗ. Với rất nhiều nghệ sĩ, hành động cổ phần hóa sai trái không chỉ là phát đại bác bắn vào quá khứ, mà còn là hành vi phá hủy lớp trầm tích văn hóa biết bao thế hệ dày công bồi đắp. Văn hóa là thứ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, khó có loại thước nào có thể đo đếm được.

Những nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đã rất thâm thúy khi dùng câu nói của người đã khuất dành cho người đang sống: “Cái gì còn lại mãi mãi là cái không thể nhìn thấy được” (trích câu nói của chồng nhân vật Duyên trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười). Vấn đề là những người đang nắm trong tay số phận của Hãng phim truyện Việt Nam có hiểu được sự thâm thúy trong câu nói này không, hay họ không bao giờ muốn hiểu? 

Mộc Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI