Giữ hồn làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa

29/01/2019 - 17:00

PNO - Khi nhiều làng nghề truyền thống ở Việt Nam dần mai một, làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa vẫn giữ cho mình nét riêng độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa Nam bộ.

Cách trung tâm Thành phố Tân An, Long An khoảng 2km, bên dòng sông Vàm Cỏ Tây hiền hòa, làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa từ lâu đã nức tiếng vùng đất phía Nam với các sản phẩm bánh tráng phơi sương truyền thống. Cách pha bột trộn gia vị, giữ được hương vị thơm đậm của bột dẻo, dai, không khô cứng và không sử dụng hóa chất đã làm nên thương hiệu cho nơi đây.

Giu hon lang nghe banh trang Nhon Hoa
Cô Huỳnh Thị Rang với hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề

Trọn tình yêu với làng nghề gần 100 tuổi đời

Ghé thăm gia đình cô Nguyễn Thị Huệ, một trong số gần 90 hộ dân theo nghề bánh tráng truyền thống ở Nhơn Hòa, nhìn những động tác thuần thục, khuấy bột, tráng bánh với tốc độ nhanh, ít ai đoán được năm nay cô Huệ đã bước sang tuổi 61. “Từ khi còn là đứa trẻ tầm 6, 7 tuổi, tôi đã tận mắt thấy bà và mẹ của mình cặm cụi tráng bánh từ giữa khuya đến tận sáng. Đến tôi là đời thứ ba chắc cũng hơn 40 năm gắn bó với cái nghề này”, bà Huệ chia sẻ.

Giu hon lang nghe banh trang Nhon Hoa
Ông Nguyễn Ngọc Thanh (67 tuổi) cho biết: “Phơi bánh đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng về độ nắng, tránh để bánh sượng và giòn vỡ”.

Các sản phẩm bánh tráng của Nhơn Hòa chủ yếu chia thành hai loại bánh ký và bánh xấp. Bánh ký thường được cắt nhỏ sau khi phơi xong để làm bánh tráng trộn, sa tế... nên không đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác cao. Ngược lại, bánh xấp thường dùng để cuốn nên yêu cầu người làm phải cẩn thận, tráng sao cho khéo, cho đẹp để thu được thành phẩm tốt nhất.

Nếu bánh tráng Tây Ninh khiến người ta nhớ ở độ dẻo kết hợp với nhiều loại gia vị như hành, ớt siêu cay; bánh tráng Giồng Trôm với vị dừa đặc trưng của xứ dừa Bến Tre thì bánh tráng Nhơn Hòa đặc biệt ở cách pha bột. Sử dụng gạo thông dụng 504 (gạo cho cơm nở xốp, mềm - PV), ngâm gạo trong 2 ngày rồi gạn nước chua, cho thêm muối giúp vị đậm đà là bí quyết riêng của làng. Không phức tạp, cầu kì nhưng có gì đó rất riêng khiến ai đã từng thưởng thức đều nhớ hương vị thuần Việt này.

Giu hon lang nghe banh trang Nhon Hoa

Các cao niên trong làng kể lại, trước thời Pháp thuộc làng nghề đã xuất hiện, không biết chính xác từ bao giờ nhưng ngót nghét cũng đã gần 100 năm. Từ cái thời các cụ bà còn đổ bánh bên bếp nhỏ thô sơ đến giờ đã có nhiều đổi mới, thuận tiện hơn. Thế nhưng cái lửa, tình yêu nghề dường như chưa bao giờ thay đổi, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời đủ vị chua cay mặn ngọt của người dân nơi đây.

Giu hon lang nghe banh trang Nhon Hoa
Gần tết, số lượng đặt hàng càng nhiều nên các hộ tăng cường sản xuất để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.

Nếu những công việc thông thường bắt đầu từ sáng đến chiều muộn thì làng nghề Nhơn Hòa lại sáng đèn từ 12 giờ khuya hôm trước đến tận 10 giờ sáng hôm sau, do tính chất đặc thù của nghề phải kết thúc mọi công đoạn sớm để kịp phơi bánh.

Bà Huỳnh Thị Rang (59 tuổi) chia sẻ: “Nghề này cực lắm, không làm giàu được. Rất nhiều người từng khuyên tôi chuyển nghề, có một thời gian tôi bán tạp hóa nhưng không hiểu sao vẫn nhớ lắm, cảm giác ngứa ngáy tay chân nên quyết tâm theo nghề truyền thống này đến khi nào không còn sức làm nữa thì thôi".

Giu hon lang nghe banh trang Nhon Hoa
Công đoạn tráng bánh 

Phải yêu, phải trân trọng nghề đến nhường nào thì họ mới gắn bó hơn nửa đời người. Bởi đứng trước lò gần 10 tiếng đồng hồ dưới sức nóng của lửa, sự mệt mỏi của cơ thể cộng với hơi bốc lên cay mắt, đôi tay phải làm việc liên tục không phải là chuyện đơn giản.

Giữ hồn làng nghề bên cạnh những thách thức

Nghề làm bánh tráng vô cùng vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là những năm gần đây mưa nắng thất thường khiến công việc bấp bênh, không ổn định. Không ít người dù nặng lòng với nghề cũng phải từ bỏ, đi làm thuê lo cho gia đình. Trách sao được khi gánh nặng cơm áo gạo tiền đã trở thành nỗi lo quá lớn không của riêng ai.

Từ hơn 100 hộ dân theo nghề thời gian trước, đến nay Nhơn Hòa chỉ còn khoảng hơn 80 hộ bám trụ. Bà Nguyễn Thị Mười chia sẻ: “Các thế hệ con cháu của chúng tôi bây giờ phần đông đi làm công nhân trên Sài Gòn, ít ai nối nghiệp gia đình”. Thế nhưng, để giữ cái hồn của làng nghề gần 100 năm tuổi, các bà, các mẹ luôn chỉ dạy, hướng dẫn tận tình cách làm, cách pha bột lẫn bí quyết cho lớp thế hệ kế cận để dù có theo hay không, nghề vẫn không bị thất truyền.

Ngay từ khoảng 10 tuổi, những đứa trẻ trong làng đã hiếu kì, dậy sớm phụ mẹ, phụ bà việc vặt, nhất là mong muốn được thử tráng bánh một lần. Lắm lúc dở khóc dở cười trong một vài tình huống: “Bếp tráng bánh khá đắt nhưng con tôi thích tự tay tráng thử nên lén mẹ, có một lần do không biết cách nên làm bánh dính vào hỏng bếp. Tôi bực lắm, nhưng cũng thương vì nó yêu cái nghề mà gia đình tôi đã gắn bó nhiều thế hệ”, bà Chín Rang chia sẻ.

Mưa dầm thấm lâu, có lẽ chính tình yêu, sự trân quý của thế hệ đi trước để lại đã ngấm rất tự nhiên vào tâm thức của tất cả người dân Nhơn Hòa, họ yêu và xem nghề tráng bánh như hơi thở cuộc sống thường nhật.

Giu hon lang nghe banh trang Nhon Hoa
Nghề tráng bánh rất vất vả, phải đứng trước lò nóng nhiều giờ liền
Sản phẩm bánh tráng Nhơn Hòa khá đa dạng với đủ loại theo yêu cầu khách hàng. Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và khắp các tỉnh miền Nam là thị trường chính tiêu thụ thành phẩm của làng nghề. Tháng 12/2013, UBND tỉnh Long An đã công nhận Nhơn Hòa là làng nghề truyền thống.

Không chỉ bám nghề, các lớp kế cận như vợ chồng anh Út Nhật – hộ có nguồn thu nhập ổn định, có thể sống được với nghề. Anh không ngừng cải thiện quy trình sản xuất, đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hàng loạt những tấm phên phơi bánh được thay mới để đảm bảo bánh không bị dính, đẹp mắt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Hiện, chính quyền địa phương đang có nhiều dự án phát triển làng nghề, góp phần giữ gìn, phát huy tiềm năng truyền thống từ bao đời, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong việc vay vốn, đầu tư kỹ thuật... bảo tồn nét đẹp văn hóa làng nghề. Đặc biệt, các bà, các cô luôn sẵn lòng chào đón du khách phương xa hay các nhóm bạn trẻ muốn tìm hiểu, trải nghiệm khi khám phá làng nghề. Đây thực sự là một cách hay để quảng bá cũng như thể hiện quyết tâm giữ gìn làng nghề bánh tráng truyền thống của địa phương.

Giu hon lang nghe banh trang Nhon Hoa
Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa đã có từ trăm năm qua

Nhộn nhịp làng nghề giáp Tết

Tết đến xuân về cũng là lúc các hộ dân làng nghề Nhơn Hòa bước vào mùa bận rộn nhất trong năm. Đến Nhơn Hòa vào đầu tháng Chạp, dọc con đường từ đầu làng, chúng tôi choáng ngợp bởi hình ảnh hàng trăm tấm phên tre phơi bánh tráng giăng kín khắp nơi. Nhìn những đôi tay thoăn thoắt tráng bánh bên bếp lửa đỏ rực, những mái tóc búi cao của các bà, các chị với gương mặt tươi tắn, rạng rỡ đem những mẻ bánh đầu tiên phơi nắng, đủ để cảm nhận niềm hạnh phúc của họ.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh (67 tuổi) cho biết: “Tết mà, làm sao thiếu bánh tráng cho được. Bên cạnh bánh chưng, bánh tét, các loại bánh mứt, bánh tráng cũng là loại thức ăn không thể thiếu trong bữa ăn, bàn tiệc ở Long An hay được dùng làm quà tặng ở các vùng”. Chính những giá trị mà chiếc bánh mang lại đã góp phần giữ được nghề truyền thống của cha ông, giải quyết được việc làm cho các lao động của địa phương vào lúc nông nhàn.

Giu hon lang nghe banh trang Nhon Hoa
Công đoạn tráng bánh đòi hỏi sự thuần thục của đôi tay, tránh để bánh chỗ dày chỗ mỏng.

Các hộ dân huy động lực lượng nhân công làm việc hối hả, liên tục để kịp cung ứng cho thị trường tết sôi động. Bà Huỳnh Thị Rang cho biết: “Thường ngày tôi làm khoảng 1000 cái nhưng gần tết, các thương lái đặt nhiều nên tăng công suất lên gấp 2, 3 lần so với bình thường”. Đặc biệt, do nhu cầu của khách hàng tăng cao nên đa phần các hộ dân đều được đặt cọc tiền trước để đảm bảo nguồn cung cho các đầu mối.

Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI