Giáo sư Phan Huy Lê qua đời

23/06/2018 - 17:06

PNO - Trong khoảng 60 năm qua, GS-NGND Phan Huy Lê đã có những đóng góp tích cực cho nền sử học nước nhà với hàng loạt tác phẩm, công trình nghiên cứu.

PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết: GS Phan Huy Lê đã qua đời lúc 13g06 chiều nay (23/6) tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hưởng thọ 84 tuổi.         

Giao su Phan Huy Le qua doi
Giáo sư Phan Huy Lê

GS Phan Huy Lê sinh năm 1934, quê gốc ở H.Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Hai dòng họ nội, ngoại của GS Phan Huy Lê đều là những nhà văn hoá có đóng góp lớn trong lịch sử Việt Nam như: Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy...

Năm 1952, ông học đại học dự bị ở Thanh Hoá. Ban đầu, ông dự định học về Toán - Lý nhưng GS Trần Văn Giàu, GS Đào Duy Anh đã hướng ông vào học ban Sử - Địa, Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Những công trình nghiên cứu đầu tiên của GS Phan Huy Lê được thực hiện vào khoảng năm 1959 như: Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơĐặc điểm của phong trào nông dân Tây SơnLao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam

Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, những trận đánh lớn của dân tộc. Về sau này, GS Phan Huy Lê mở rộng nghiên cứu về các vấn đề văn hoá truyền thống như: Vấn đề dân chủ trong truyền thống Việt Nam (1988), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (1994, 1996, 1997)…

GS Phan Huy Lê từng giảng dạy tại những trường đại học danh tiếng như: Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)... Từ năm 1988, ông đảm nhận chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Năm 2015, ông xin nghỉ vì tuổi cao. Tuy nhiên, các thành viên trong hội không đồng ý nên ông tiếp tục giữ vị trí này thêm một nhiệm kỳ.

GS Phan Huy Lê đã dành tâm sức để hoàn thành bộ Quốc sử Việt Nam, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành. Ông cũng đưa ra nhiều đề nghị, quan điểm tiến bộ trong việc ghi chép, nghiên cứu lịch sử của Việt Nam.

Giao su Phan Huy Le qua doi
GS Phan Huy Lê cùng vợ chụp ảnh chung với Đại sứ Pháp - ông Bertrand Lortholary - tại lễ trao huy chương của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp vào tháng 3/2017

Ông được phong hàm giáo sư vào năm 1980. Trong khoảng 6 thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực sử, GS Phan Huy Lê đã nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý như: nhà giáo nhân dân (1994), giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka - Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (2002), danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011), Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (2016).

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI