'Giành anh từ biển': Yêu thương là chiếc phao sinh tồn

11/06/2018 - 09:30

PNO - Giành anh từ biển có cách kể đan xen quá khứ và hiện tại để vừa cân bằng cao trào vừa giữ được cảm xúc liền lạc của khán giả.

Bạn sẽ làm gì khi tỉnh dậy và thấy mình đang ở trên một con tàu ngập nước, lênh đênh giữa biển khơi, các thiết bị điện tử đi biển đều hỏng, nước ngọt khan hiếm, đầu bị thương và kinh khủng hơn cả là hôn phu đã mất tích? 

Đoạn phim mở đầu của Giành anh từ biển (Adrift) đem đến sự tò mò cho người xem về những diễn biến trong hành trình giành lấy sự sống sau 41 ngày trôi dạt trên biển của nhân vật Tami Oldham.

'Gianh anh tu bien': Yeu thuong la chiec phao sinh ton

Bên cạnh cốt truyện cảm động, diễn xuất của nữ chính Shailene Woodley là một trong những điểm sáng của phim

Những bộ phim chủ đề sinh tồn hay những tác phẩm dựa trên chuyện có thật luôn có sức hút vì sự ly kỳ, hồi hộp và tính thực tế cao.

Giành anh từ biển hội đủ những yếu tố này khi dựa theo câu chuyện của một đôi tình nhân vượt biển vào năm 1983. Tami Oldham và Richard Sharp, từng có kinh nghiệm đi biển 50.000 giờ, nhận lời lái giúp chiếc du thuyền Hazana của một đôi vợ chồng giàu có, vượt 4.000 dặm đi từ Tahiti đến San Diego (California, Mỹ) và đụng phải siêu bão Raymond - cơn bão thảm khốc nhất trong lịch sử Thái Bình Dương.

Giữa biển trời bao la và những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, con người trở nên nhỏ bé, yếu đuối. Nhưng cuồng phong vẫn không đáng sợ bằng cơn bão trong lòng - nỗi đau mất đi người thân. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có sức mạnh của yêu thương mới giữ cho đầu óc con người được tỉnh táo, đem lại cho họ niềm tin để cố gắng sống sót.

Giành anh từ biển có cách kể đan xen quá khứ và hiện tại để vừa cân bằng cao trào vừa giữ được cảm xúc liền lạc của khán giả. Những hình ảnh lúc hạnh phúc của Tami - Richard hiện lên giữa cảnh trôi dạt đầy tuyệt vọng của Tami càng khiến người xem cảm nhận giá trị của cuộc sống, dù đó chỉ là những phút giây bình thường như cùng nhau đi chợ, thưởng thức một ly rượu, ngắm mặt trời trên biển…

Trailer Giành anh từ biển: 

 

Tất nhiên, phim không phản ánh hết những đau đớn, vất vả mà Tami đã trải qua, vì thực tế còn khốc liệt hơn nhiều, nhất là đoạn sau khi Tami được cứu: vết thương ở trán khiến cô gặp khó khăn trong việc đọc chữ suốt sáu năm, mái tóc dài bết cứng phải mất hai ngày cùng ba người thợ mới xử lý xong, chứng sợ đi biển…

Nhưng những gì được tái hiện trên màn ảnh cũng đủ khiến người xem rùng mình. Cảnh Tami tự may vết thương ở trán, một mình dựng cột buồm, nhọc nhằn săn cá và ăn ngấu nghiến mớ cá sống dù cô là người ăn chay… khiến người xem tự hỏi nếu mình rơi vào hoàn cảnh ấy, liệu có xoay xở được như cô.

Khi phim kết thúc và chân dung “người thật việc thật” hiển thị trong phần credit, nhiều khán giả đã rơi nước mắt vì câu chuyện tình quá đẹp của Tami và Richard. Câu nói “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa” dường như đã sai, bởi với những người yêu nhau như Tami - Richard thì dù định mệnh có cướp đi một người, linh hồn người ấy vẫn đồng hành với người yêu, tiếp thêm cho người ở lại nghị lực sống. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI