Giám khảo Tây - Ta: "phát cuồng" và "ném đá"

21/07/2014 - 16:29

PNO - PN - Cùng một phiên bản truyền hình thực tế, thậm chí cùng một câu nói, hành vi nhưng giám khảo nước ngoài khiến khán giả “phát cuồng” còn giám khảo Việt lại liên tục bị công chúng “ném đá”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Giam khao Tay - Ta:
Màn tranh giành thí sinh của các huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí

ĐÓNG VAI “ÁC” KHÔNG DỄ

Nếu gọi Simon Cowell là nhân vật ấn tượng nhất trong số các giám khảo truyền hình thực tế cũng không phải quá lời. Những nhận xét của nhà sáng lập X-Factor này luôn ấn tượng, kể cả khi chúng như “đập vào mặt” người khác: “Bạn hát còn hơn 12 con ngựa hí ngoài kia”, “Bạn đã sáng tạo ra một loại hình tra tấn mới”, “Nếu bạn hát thế này vào 2.000 năm trước bạn sẽ bị ném đá”…

Nhiều người chỉ trích Simon độc ác, cay nghiệt, nhưng cũng nhiều người đến với chương trình vì muốn xem ông bình phẩm như thế.

Tuy nhiên Simon không chỉ thế. Ở Britain’s Got Talent 2009, sau khi bị giám khảo bấm nút dừng, một cô bé đã khóc nức nở quay vào cánh gà và Simon lập tức lao theo, gọi cô bé lại, mách nước em hãy le lưỡi trêu Piers Morgan vì đã làm em tổn thương. Động tác nhỏ thôi nhưng được ghi nhận như một hành vi nhân văn của người biết quan tâm đến cảm xúc của trẻ em. Cùng năm đó, Simon đã công khai nói lời xin lỗi Susan Boyle do “đã đánh giá thấp Susan Boyle vì vẻ ngoài và cách cô ấy di chuyển trên sân khấu”. Chưa một giám khảo Việt nào làm được những điều tương tự.

“Báo đen” Naomi Campbell trong The Face luôn khắt khe với các thành viên đội mình trong từng thử thách - liên tục chê họ về tạo dáng, chọn trang phục nhưng cũng chính là người động viên thí sinh và đấu tranh cho họ. Khi thí sinh có thái độ phân biệt chủng tộc, Naomi thẳng thừng phê bình trước mọi người. Tình cảm, quyết liệt để chiến thắng, đó là lý do Naomi được yêu thích hơn hẳn các siêu mẫu khác.

Tyra Banks của American’s Next Top Model cũng luôn phải đối mặt với các chỉ trích về sự hà khắc, ép người khác phải quỵ lụy. Nhưng không ai khác ngoài Tyra đã giúp các thí sinh lột xác trên hành trình nghề nghiệp. Micheal Kors, nhà thiết kế nổi tiếng của Project Runway được Huffington Post đưa vào “Top 5 những giám khảo tuyệt nhất” với những câu nhận xét ngắn gọn và độc đáo.

Điểm lại danh sách những giám khảo ấn tượng xứ người, dù Á hay Âu, điều quan trọng có thể nhận ra là họ luôn biết mình đang làm gì và nên làm gì cho cả thí sinh lẫn khán giả. Giám khảo là một vai diễn và họ đã diễn vai ấy bằng tất cả khả năng chuyên môn, kinh nghiệm đồng thời cả sự nhân văn. Nếu được giao “vai ác”, họ sẽ "ác" đến tận cùng.

Với những thí sinh mình biết rõ là năng lực không đủ, lời khuyên nên bỏ cuộc từ đầu để đi làm việc khác kiếm sống chẳng phải tốt hơn là kiểu nói đãi bôi “Hãy cứ tiếp tục nuôi dưỡng đam mê” hoặc cái bắt tay “Mong gặp em lần sau”? Cũng là động tác đổ thức ăn nhưng trong khi Luke Nguyễn ở Vua đầu bếp bị chỉ trích về ứng xử thì giám khảo Gordon Ramsay ở Master Chef Mỹ nhận được sự đồng thuận từ khán giả khi ông cho rằng một đầu bếp không thể để thực khách ăn món kém phẩm chất, có thể ảnh hưởng sức khỏe.

Giam khao Tay - Ta:
Tyra Banks (phải) - linh hồn của American's Next Top Model và Naima Mora

CẦN CHUYÊN NGHIỆP

Việc luôn bị so sánh với các giám khảo nước ngoài đã làm đau đầu sao Việt khi ngồi ghế nóng. Quá bám vào format gốc, không linh hoạt trong ứng xử đã làm không ít giám khảo phải “hứng đá” - nhẹ nhất cũng là đá “bắt chước”. Đàm Vĩnh Hưng mời bà của Lê Tích Kỳ lên sân khấu Nhân tố bí ẩn là cách đã diễn ra ở nước ngoài, trước khi chương trình này về Việt Nam. Màn khẩu chiến của các huấn luyện viên Giọng hát Việt rồi sau đó làm hòa cũng là “trích đoạn” đã được diễn trên sân khấu ngoại.

Những khác biệt văn hóa trong mỗi chương trình là thước đo bản lĩnh và năng lực giám khảo Việt. Chắc chắn sẽ có bão dư luận nếu Lam Trường, Thanh Bùi quỳ lạy thí sinh Giọng hát Việt nhí như giám khảo tại The Voice Kids Đức quỳ lạy cô bé tám tuổi Chelsea Fontenel. Động tác ném giày (để khen ngợi) của giám khảo Alfredo Torres ở Vũ điệu đam mê 2013 đã khiến ông bị dư luận chỉ trích. Xuân Lan, Đỗ Mạnh Cường hẳn đã nếm đủ trái đắng cho những hành vi, phát ngôn, thậm chí nét mặt, ánh mắt rập khuôn đồng nghiệp nước ngoài.

Để vượt qua chiếc bẫy khác biệt văn hóa ấy, các giám khảo cần một nền tảng chuyên môn rất cao, nếu không muốn trở thành những chú hề. Dù chỉ trích Alfredo, người ta vẫn phải thừa nhận khả năng của ông mỗi khi ông bước ra sàn nhảy thị phạm cho thí sinh. Ngược lại, đạo diễn Lê Hoàng với nhiều nhận xét “trớt quớt” về chuyên môn, cố tỏ ra đanh đá và cố “nói cho hết giờ” không khiến người xem tâm phục khẩu phục. Dù hoạt ngôn, Thúy Hạnh tại Vietnam’s Got Talent vẫn không thuyết phục được khán giả khi những nhận xét của chị không có nhiều yếu tố chuyên môn nên cả những khóc cười cũng bị xem là diễn.

Cách mà Joe Madden xoạc chân giống Sebastian hay Delta Lea Goodrem bế bổng cô bé Olivia trên sân khấu của The Voice Kids Úc 2014, Lena Meyer Landrut phiên bản Đức chạy lên sân khấu ôm, hét lớn tên Richard, nhường ghế cho cậu và ngồi hẳn xuống đất để cầu nguyện đem so sánh với những câu nhận xét an toàn, nhàm chán của các ngôi sao Lam Trường - Cẩm Ly thì thật khác biệt. Nhưng cái cách họ khen trẻ lại cũng xác đáng chứ không giống kiểu “diễn ” của vợ chồng ca sĩ Lưu Hương Giang - Hồ Hoài Anh. Sự khác biệt đó càng rõ rệt khi giám khảo Tây sang xứ Việt ngồi chung bàn, như Miss Jay dí dỏm, thú vị, hoạt náo và ngắn gọn ngồi cạnh Thanh Hằng “căng cứng”, Nam Trung - Mạnh Cường nói lan man, trong chung kết Người mẫu Việt Nam 2013.

Giám khảo Việt cần một sự chuyên nghiệp, nghĩa là phải biết mình có đủ năng lực chuyên môn, đủ tâm, đủ tầm để ngồi vào ghế nóng (điều này thì kể cũng hơi khó tự đánh giá), để sẵn sàng từ chối nếu thấy mình không phù hợp, thay vì cứ nhận bừa và cố diễn hài, cương ẩu.

Giám khảo Việt Nam không phải quá tệ, chỉ là không đủ nhiều so với những người “được mời thì làm”. Tại Vietnam Idol mùa đầu tiên hay Sao Mai - Điểm hẹn, người ta nhìn thấy một Tuấn Khanh luôn hướng những nhận xét của mình vào tương lai của thí sinh. Bên ngoài sân khấu, anh móc túi hỗ trợ những thí sinh có năng lực thực hiện ước mơ ca hát. Ở Thử thách cùng bước nhảy, Tuyết Minh đã ghi dấu trong lòng công chúng qua những nhận xét xác đáng và cả năng lực chuyên môn khi chị bước lên sân khấu biểu diễn. John Huy Trần có thể khiến khán giả cười vì kiểu nói tiếng Việt chưa sõi nhưng luôn được nể trọng khi anh nhận định chuyên môn. Phía sau sân khấu, anh vẫn là người khắt khe khi biên đạo từng tác phẩm cho thí sinh. Rưng rưng nước mắt khi nhận xét về các tiết mục nguy hiểm ở Người bí ẩn, Việt Hương trao một cái ôm bày tỏ sự kính phục các nghệ sĩ và trích tiền để tưởng thưởng họ.

Bên cạnh những giám khảo hiếm hoi ấy, khán giả bội thực với Lê Minh Sơn thích cho điểm mười tại Cặp đôi hoàn hảo, Chí Tài chỉ quan tâm đến chuyện nhan sắc ở Bước nhảy hoàn vũ, Minh Hằng đóng vai thân thiện trong Vũ điệu đam mê…

Để đuổi kịp (chưa dám nói là vượt qua) các đồng nghiệp nước ngoài, giám khảo Việt cần một sự chuyên nghiệp, nghĩa là phải biết mình có đủ năng lực chuyên môn, đủ tâm, đủ tầm để ngồi vào ghế nóng (điều này thì kể cũng hơi khó tự đánh giá), để sẵn sàng từ chối nếu thấy mình không phù hợp, thay vì cứ nhận bừa và cố diễn hài, cương ẩu. Một khi đã nhận, cũng nên dành thời gian đọc hết format chương trình để biết mình cần làm gì và vì sao chương trình (vốn do những bộ óc “quái kiệt” tạo ra) lại yêu cầu những điều như vậy. Có thế mới mong được khán giả chấp nhận.

 THIÊN MINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI