Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang - NSND Trần Ngọc Giàu: 'Không thể đáp ứng hoạt động biểu diễn'

09/11/2018 - 17:09

PNO - Được nhà nước đầu tư kinh phí, có cơ ngơi vật chất, nhưng nhiều năm nay, Nhà hát Trần Hữu Trang vẫn chưa thực sự là điểm đến của khán giả mộ điệu.

Được nhà nước đầu tư kinh phí, có cơ ngơi vật chất, nhưng nhiều năm nay, Nhà hát Trần Hữu Trang vẫn chưa thực sự là điểm đến của khán giả mộ điệu. Trên cương vị giám đốc, NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ: “Nhà hát hiện có ba đoàn, nên khoản kinh phí được cấp gần 6 tỷ đồng/năm phần lớn đã chi cho quỹ lương. Nếu có thể tổ chức biểu diễn, thu nhập của anh em sẽ cao hơn, nhờ có thêm khoản bồi dưỡng. Nhưng công tác tổ chức biểu diễn của nhà hát hiện vẫn gặp không ít khó khăn.

Giam doc Nha hat Tran Huu Trang - NSND Tran Ngoc Giau: 'Khong the dap ung hoat dong bieu dien'

* Phóng viên: Chỉ có hơn 100 suất diễn phục vụ mỗi năm, liệu nhà hát có cần phải duy trì đến ba đoàn?

- NSND Trần Ngọc Giàu: Khi sân khấu cải lương còn nhộn nhịp thì phải ba đoàn mới đáp ứng nhu cầu. Nhưng với tình hình hiện nay, giữ ba đoàn, theo tôi là quá nhiều. Ba đoàn cùng tồn tại, kéo theo đội ngũ nhân viên phục vụ, ánh sáng, hậu đài… Nghịch lý ở chỗ, quỹ lương tăng, nhân sự đông, nhưng lại không thể đáp ứng hoạt động biểu diễn cho từng đoàn. Kinh phí dựng vở cũng bị chia nhỏ. Lực lượng diễn viên phân tán, nhà hát khó có thể tập trung những diễn viên giỏi, có nghề cho một vở. Tác phẩm ra mắt khập khiễng do sự chênh lệch quá xa trong ca diễn giữa các diễn viên.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, có những diễn viên ăn lương biên chế nhưng nghề còn yếu. Sự tồn tại của số diễn viên này đã lấy đi cơ hội của những gương mặt nhiều triển vọng. Việc đào tạo cũng không thể thực hiện vì đào tạo xong, nhà hát không còn chỉ tiêu tuyển dụng. Trước mắt, nhà hát đang đề xuất sáp nhập thành hai đoàn và tính toán tinh gọn nhân sự, tránh lãng phí và dàn trải.

* Với cách chọn lựa kịch bản, dàn dựng và quảng bá như hiện nay, liệu ta có tổ chức biểu diễn hiệu quả?

- Là đơn vị công lập, Nhà hát Trần Hữu Trang không thể bỏ qua nhiệm vụ phục vụ, tuyên truyền. Trong kế hoạch trước đây, nhà hát phải đảm bảo việc dựng vở tuyên truyền trong những ngày lễ lớn, những dịp đặc biệt trong năm. Những vở này đã “tiêu tốn” một khoản kinh phí dựng vở được cấp hằng năm. Nhưng bên cạnh đó, nhà hát vẫn cố gắng xây dựng những vở diễn đề tài đương đại, gần gũi với nhu cầu thưởng thức của khán giả cải lương. 

Chúng tôi thừa nhận, đã có thời gian, nhà hát chưa thực sự năng động trong công tác quảng bá, tuyên truyền và còn bị lệ thuộc vào nguồn kinh phí được cấp. Sắp tới, ngoài việc chọn kịch bản phù hợp với nhu cầu của khán giả, nhà hát cũng xác định công tác tuyên truyền, quảng bá là điều rất quan trọng để đưa các vở diễn tiếp cận với công chúng.

Giam doc Nha hat Tran Huu Trang - NSND Tran Ngoc Giau: 'Khong the dap ung hoat dong bieu dien'
Hiu hiu gió bấc- vở diễn đoạt HCV Liên hoan cải lương toán quốc vẫn chưa có một suất diễn nào sau Liên hoan

* Cải lương đang thiếu một thế hệ người làm nghề có đủ tài năng, tâm huyết. Liệu sau cột mốc 100 năm, cải lương sẽ ra sao, thưa ông?

- Đã đến lúc cải lương cần có một chiến lược lâu dài. Không nhất thiết phải có đến hai đoàn cải lương. Chỉ cần một, nhưng là nơi tập hợp những nghệ sĩ giỏi. Họ cần được đảm bảo đời sống để toàn tâm, toàn ý giữ gìn một loại hình nghệ thuật là niềm tự hào của dân tộc. Lớp nghệ sĩ kế thừa cũng phải được đầu tư, chăm chút để đủ sức tiếp bước. Không thể thay đổi nếu cải lương cứ cũ kỹ, thụt lùi so với sự phát triển chung của xã hội. Nghệ sĩ tài năng cũng khó tỏa sáng khi cứ phải lo toan chuyện áo cơm, không đủ tâm trí và nhiệt huyết cho sân khấu và vai diễn.

 Hoa Nguyễn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI