Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ hai: Chưa phản ánh được nhịp sống hiện đại

19/04/2019 - 16:36

PNO - Nhiều tác phẩm nhận giải lần này được đánh giá cao về ý nghĩa, nghệ thuật nhưng nhìn chung, giải vẫn thiếu nhịp sống hiện đại, chưa phản ánh đúng sự phát triển của văn học nghệ thuật TP.HCM từ 2012-2017.

Sáng 19/4, lễ trao giải Văn học Nghệ thuật TP.HCM lần thứ hai diễn ra tại Nhà hát Thành phố. Năm nay, Ban tổ chức (BTC) trao giải cho 53 tác phẩm thuộc 9 mảng: văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, múa và lý luận phê bình.

Trước đó, có 70 tác phẩm được đưa vào xét ở vòng chung khảo. Kết quả cuối cùng được quyết định bởi 15 thành viên của hội đồng chung khảo gồm: Phó chủ tịch UBND TP.HCM (chủ tịch hội đồng chung khảo), nhạc sĩ Trần Long Ẩn và nhà thơ Lê Tú Lệ (phó chủ tịch hội đồng), đại diện một số ban, ngành liên quan và 9 đại diện cho 9 chuyên ngành thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM.

Ở lễ trao giải lần này, thay đổi đáng ghi nhận là sản phẩm của các đơn vị xã hội hoá có chỗ đứng nhiều hơn, được trao những giải cao như: Tiên Nga (sân khấu kịch Idecaf), Châu về hợp phố (Công ty Cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn) lần lượt nhận giải nhất và giải nhì hạng mục Sân khấu; phim điện ảnh Thiên mệnh anh hùng (BHD) và Cô Ba Sài Gòn (VAA) lần lượt đoạt giải nhất và giải ba ở hạng mục Điện ảnh...

Giai thuong Van hoc Nghe thuat TP.HCM 5 nam lan thu hai: Chua phan anh duoc nhip song hien dai
Nghệ sĩ Thành Lộc diễn lại một trích đoạn trong vở nhạc kịch Tiên Nga tại lễ trao giải sáng 19/4

Trích đoạn vở nhạc kịch Tiên Nga:

 

Những tác phẩm đoạt giải truyền tải được nội dung giáo dục về truyền thống, lịch sử đấu tranh của dân tộc cũng như định hướng về giá trị thẩm mỹ. Một số tác phẩm từng đạt được hiệu ứng tốt trong dư luận hoặc được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung, nghệ thuật như: vở nhạc kịch Tiên Nga, phim Cô Ba Sài Gòn, ca khúc Nhật ký của mẹ, bộ ảnh Vượt qua bóng tốiỞ R- chuyện kể sau 50 năm.

Giai thuong Van hoc Nghe thuat TP.HCM 5 nam lan thu hai: Chua phan anh duoc nhip song hien dai
Ca khúc Nhật ký của mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được chọn trình diễn trong lễ trao giải với bản thu âm của Hiền Thục và phần vẽ tranh cát độc đáo.

Nhưng nhìn chung, qua những tác phẩm đoạt giải lần này, giải vẫn thiếu nhịp sống đương đại, sự trẻ trung. Chính xác hơn, đời sống tinh thần của người dân trong 5 năm qua không được phản ánh trọn vẹn. Bức tranh văn hoá văn nghệ của TP.HCM trong 5 năm qua có thể bị nhìn nhận khá nghèo nàn, đơn điệu bởi nội dung thể hiện khu biệt trong một phạm vi nhất định.

Trong đó, lĩnh vực Văn học không phản ánh đúng về sức lan toả của những tác phẩm được trao. Nhiều đầu sách hay, với số lượng xuất bản lớn, được nhiều độc giả yêu thích bởi sự gần gũi với cuộc sống hằng ngày trong những năm qua hầu như vắng mặt trong danh sách này.

Ở lĩnh vực Sân khấu, nội dung chủ yếu vẫn tập trung vào những câu chuyện trong quá khứ, gần như bỏ quên cuộc sống hiện đại. Chỉ có vở nhạc kịch Tiên Nga làm tốt việc mượn chuyện xưa nói chuyện nay với những tầng nghĩa khá sâu xa.

Ở hạng mục Âm nhạc, không phủ nhận Nhật ký của mẹ là ca khúc có nội dung tốt, ý nghĩa và tác động lớn đến công chúng. Tuy nhiên, bài hát này đã được Nguyễn Văn Chung sáng tác từ năm 2008. Lẽ nào trong nhiều năm qua, không có sản phẩm âm nhạc nào đạt chất lượng đủ tốt, đủ ý nghĩa để được xét trao giải lần này?

Giai thuong Van hoc Nghe thuat TP.HCM 5 nam lan thu hai: Chua phan anh duoc nhip song hien dai
Các tác phẩm ở hạng mục Múa có đề tài thiếu đa dạng, khu biệt vào một nội dung nhất định.

Ở hạng mục Điện ảnh, giai đoạn 2012-2017, Cô Ba Sài Gòn, Thiên mệnh anh hùng được đánh giá khá tốt nhưng vẫn còn nhiều tác phẩm cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về mặt sản xuất cũng như sức ảnh hưởng trong lòng công chúng. Với hạng mục Nhiếp ảnh, đề tài vẫn còn thiếu sự mềm mại, uyển chuyển, có phần đi theo lối mòn. Không khó để thấy những tác phẩm nhận giải của hạng mục Múa thiếu sự đa dạng về đề tài. 

Diện mạo của giải thưởng lần này cũng bị già hoá bởi phần lớn người nhận giải đều thuộc thế hệ trung niên trở lên. Người trẻ vẫn chưa có sự động viên cần thiết tại sân chơi này dù trong hiện tại và tương lai, họ là lực lượng chính vẽ nên bức tranh văn học nghệ thuật TP.HCM.

Lễ trao giải khép lại, có những niềm vui cho người đoạt giải nhưng còn không ít trăn trở để những tác phẩm được trao không chỉ xứng tầm ở mặt chuyên môn mà còn phải phản ánh chính xác thị hiếu, đời sống tinh thần của người dân. 

Giai thuong Van hoc Nghe thuat TP.HCM 5 nam lan thu hai: Chua phan anh duoc nhip song hien dai
Những giải thưởng đều được trao cho nghệ sĩ lứa tuổi trung niên trở lên, không có sự góp mặt của nhóm trẻ.

Những giải thưởng tại lễ trao giải Văn học Nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ hai:

Hạng mục Văn học:

- Giải nhất: Ở R- Chuyện kể sau 50 năm của cố nhà văn Lê Văn Thảo. Con trai ông lên nhận giải thưởng thay người cha quá cố.

- Giải nhì: tiểu thuyết Phượng hoàng (Văn Lê), tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy (Trầm Hương).

- Giải ba: trường ca Bước gió truyền kỳ (Phan Hoàng).

- Giải khuyến khích: tập thơ Âm thanh của những giấc mơ (Trần Hữu Dũng), Hoa hướng dương (Đồng Đen), Giữa ngày và đêm (Phạm Sỹ Sáu).

Hạng mục Âm nhạc:

- Giải nhất: Lời Bác sáng biển Đông (Trần Long Ẩn).

- Giải nhì: Nhật ký của mẹ (Nguyễn Văn Chung), Dòng sông kể chuyện (tác giả Lư Nhất Vũ, lời Lê Giang).

- Giải ba: Công ơn Hùng Vương (Hoài An), Guitar lính đảo (Nguyễn Quang Vinh).

- Giải khuyến khích: Bên tượng đài (Nguyễn Ngọc Thiện), Thiếu nhi thành phố Bác Hồ (Lê Anh Tú).

Giai thuong Van hoc Nghe thuat TP.HCM 5 nam lan thu hai: Chua phan anh duoc nhip song hien dai
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn (giữa) nhận giải nhất ở hạng mục âm nhạc. Ông đồng thời là Phó chủ tịch hội đồng xét duyệt chung khảo tại giải thưởng năm nay.

Hạng mục Điện ảnh:

- Giải nhất: phim điện ảnh Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ, Nguyễn K’ Linh).

- Giải nhì: Đội cận vệ A6 anh hùng (hãng phim Hội điện Ảnh TP.HCM, kịch bản Lê Văn Duy, đạo diễn Dương Cẩm Thuý), phim tài liệu Có một cơ hội bị bỏ lỡ (đồng biên kịch, đạo diễn: Nguyễn Mộng long, Uông Thị Hạnh).

- Giải ba: phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn (biên kịch, đạo diễn: Lộc Trần, Kay Nguyễn), phim truyền hình Cỏ biếc (hãng TFS, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng).

- Giải khuyến khích: phim truyền hình Đất mặn (hãng TFS, đạo diễn Nguyễn Tường Phương).

Giai thuong Van hoc Nghe thuat TP.HCM 5 nam lan thu hai: Chua phan anh duoc nhip song hien dai
Đại diện NSX nhận giải cho phim Thiên mệnh anh hùng.

Hạng mục Sân khấu:                                  

- Giải nhất: nhạc kịch Tiên Nga (tác giả: NSND Năm Châu, NSƯT Thành Lộc, Hồng Dung, Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn NSƯT Thành Lộc, âm nhạc: Đức Trí).

- Giải nhì: vở cải lương Chiến binh (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, tác giả: Chu Lai, chuyển thể Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu), vở kịch nói Châu về hợp phố (tác giả Trần Văn Hưng, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc).

- Giải ba: vở cải lương Trung thần (tác giả, đạo diễn Hoa Hạ), kịch bản Tổ quốc nơi cuối con đường (Lê Thu Hạnh), vở kịch Vòng xoáy nghiệt ngã (tác giả Bích Ngân, đạo diễn NSƯT Đoàn Bá), vở hát bội Đào Duy Từ (tác giả Hữu Danh, đạo diễn Hữu Nhi).

Hạng mục Kiến trúc:

- Giải nhất: Quảng trường đặt tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu.

- Giải nhì: Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10, TP.HCM.

- Giải ba: Naman Retreat Pure Spa của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng. Theo chia sẻ từ BTC, 2 công trình này nằm ngoài địa phận TP.HCM nhưng hai kiến trúc sư là hội viên Hội kiến trúc sư TP.HCM nên vẫn được xem xét trao giải.

Giai thuong Van hoc Nghe thuat TP.HCM 5 nam lan thu hai: Chua phan anh duoc nhip song hien dai
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nhận giải nhất ở hạng mục kiến trúc.

Hạng mục Mỹ thuật:

Hạng mục này không có giải nhất. BTC trao đồng giải nhì cho 2 tác phẩm: tượng đồng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Lê Lang Biên) và tranh sơn dầu Bình Lợi ngày mới (Nguyễn Trọng Hoàn).

- Giải ba: tượng đồng Chân dung nhà thơ (Lê Anh Xuân - PV) của Phan Thị Gia Hương, tranh thuỷ mặc Hợp lực (Trần Văn Hải).

- Giải khuyến khích: Tập thư pháp 40 năm huy hoàng (tác giả Chi hội Thư pháp, Hội VHNT các dân tộc thiểu số), tranh sơn dầu Sức sống thành phố (Lê Xuân Chiểu), tranh sơn dầu Mùa xuân trên bến Nhà Rồng (Nguyễn Thị Tố Uyên).

Hạng mục Múa:

- Giải nhất: Tổ quốc (Trường múa TP.HCM, tác giả: NSND Hà Thế Dũng).

- Giải nhì: Những nét son thành phố mang tên Bác (tác giả: NSND Tô Nguyệt Nga), Còn mãi bản hùng ca (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM, tác giả: NSND Vũ Việt Cường, NSND Trần Kim Quy).

- Giải ba: Huyền thoại Pa Dí (vũ đoàn Phương Việt, tác giả: Lê Vũ Phương Việt).

- Giải khuyến khích: Đất chuyển (Trường múa TP.HCM, tác giả: biên đạo Lương Xuân Thành), Những bông hoa thành phố (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM, tác giả: NSND Vũ Việt Cường, NSND Trần Kim Quy).

Giai thuong Van hoc Nghe thuat TP.HCM 5 nam lan thu hai: Chua phan anh duoc nhip song hien dai
Đại diện Trường múa TP.HCM, thứ hai từ trái sang, nhận giải nhất ở hạng mục múa.

Hạng mục Lý luận phê bình:

Hạng mục này không có giải nhất, trao đồng giải nhì cho sách Phương pháp phê bình điện ảnh (PGS.TS Trần Luân Kim), Mỹ thuật TP.HCM một chút hôm nay một chút xưa (Hoạ sĩ Huỳnh Văn Mười).

Hạng mục Nhiếp ảnh:

- Giải nhất: ảnh bộ Vượt qua bóng tối (Trần Thế Phong).

- Giải nhì: ảnh đơn Má vui lên nghe (An Dưng), ảnh bộ Độc đáo bờ biển Việt Nam (Nguyễn Minh Tân).

- Giải ba: ảnh bộ Thanh niên làm theo lời Bác (Lê Thanh Sơn), ảnh đơn Thành phố mang tên Bác (Kha Thành Trí Đạt).

- Giải khuyến khích: Xe buýt thân thiện (Lê Hữu Dũng), Xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi (Võ Văn Hoàng).

Bài, ảnh: Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI