Giải thưởng Bông lúa vàng 2018: Giá như…

06/11/2018 - 06:00

PNO - Năm nay Bông lúa vàng đã có nhiều thay đổi từ công tác tổ chức đến nội dung. Nhưng bên cạnh nỗ lực là những điều tiếc nuối.

Ngày 3/11, vòng thi Trổ đòng, cuộc thi Bông lúa vàng đã khởi tranh với 18 giọng ca được tuyển chọn từ gần 300 thí sinh. Năm nay Bông lúa vàng đã có nhiều thay đổi từ công tác tổ chức đến nội dung nhằm duy trì một thương hiệu đã gắn liền với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) suốt 25 năm. Nhưng bên cạnh nỗ lực là những điều tiếc nuối.

Ngoài việc tuyển chọn ở trụ sở VOH, chương trình còn tổ chức tuyển thí sinh ở các đài phát thanh, truyền hình Bạc Liêu, Đồng Tháp và Bình Phước. Độ tuổi của thí sinh cũng được mở rộng từ 16-50 tuổi thay vì chỉ đến 35 tuổi. Để tăng tính hấp dẫn, 18 thí sinh của vòng Trổ đòng sẽ bắt cặp để tranh tài đối kháng. Điều này đòi hỏi tài năng lẫn điểm nhấn riêng của thí sinh để tự tin khoe giọng và vượt qua đối thủ. Chín thí sinh chiến thắng sẽ đi tiếp vào vòng chung kết cùng người được khán giả bình chọn nhiều nhất.

Giai thuong Bong lua vang 2018: Gia nhu…
Giải thưởng Bông lúa vàng từng phát hiện ra nhiều gương mặt tài năng

Trong đêm chung kết xếp hạng ngày 21/12, ngoài phần thi các bài ca, các thí sinh sẽ có thêm phần ca, diễn trích đoạn với các nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp.

Qua 12 mùa giải, Bông lúa vàng được xem là bước đệm của nhiều gương mặt Chuông vàng, Chuông bạc giải Chuông vàng vọng cổ: NSƯT Hồ Ngọc Trinh, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Thị Luận, Thu Vân, Huyền Trang… Nhiều giọng ca đoạt giải Bông lúa vàng cũng trở thành giọng ca chính trong các chương trình ca cổ phát trên VOH.

Những năm gần đây, mỗi năm VOH thực hiện khoảng bốn chương trình gala, quy tụ các giọng ca đoạt giải tham gia biểu diễn, truyền hình trực tiếp trên HTV1 và phát thanh trực tiếp trên VOH.

Nhưng những nỗ lực ấy dường như chưa đủ. Ngay khi nhà hát Music One khánh thành, Giám đốc VOH - ông Lê Công Đồng - đã khiến công chúng lẫn nhiều người làm cải lương khấp khởi mừng khi thông báo: “Chúng tôi sẽ tính toán xây dựng những trích đoạn cải lương từ chính đội ngũ nghệ sĩ đã trưởng thành từ giải Bông lúa vàng, làm phong phú hơn các chương trình phát sóng của đài”.

Việc xây dựng những chương trình, vở diễn từ chính những thí sinh đoạt giải Bông lúa vàng cũng từng được đặt ra trong các cuộc họp báo giới thiệu giải trước đây. Câu hỏi này, một lần nữa lại được chính giám khảo - NSƯT Kim Tử Long nêu với ban tổ chức năm nay. Câu trả lời của đạo diễn chương trình đã làm không ít người chưng hửng.

Đúng, VOH chỉ là một đài phát thanh, không có chức năng đào tạo hay làm bất kỳ việc gì khác. Nhưng nếu thực sự yêu mến nghệ thuật tài tử, cải lương và muốn góp phần giữ gìn tinh hoa của dân tộc như những lời phát biểu trước đó thì những người đã nhọc công đi tìm các giọng ca hay ở nhiều địa phương hẳn phải rất trân quý những viên ngọc mà mình đã phát hiện và sẽ tìm cách để “ngọc” thực sự tỏa sáng.

Nói “chúng tôi phát hiện, để cho ai có nhu cầu có thể sử dụng, vì chúng tôi phải đảm bảo thực hiện những chương trình phát thanh của đài” cũng không sai. Nhưng đặt để trong thực trạng của sân khấu cải lương hiện nay lại thấy chạnh lòng.

Giai thuong Bong lua vang 2018: Gia nhu…
Tường An- một giọng hát hay được phát hiện

Cải lương thiếu nhà hát, nhiều vở diễn dàn dựng xong chỉ dám diễn 1-2 buổi vì “bầu gánh” không có tiền thuê rạp. VOH có nhà hát hiện đại, có phòng thu, có đội ngũ thí sinh đoạt giải Bông lúa vàng, có những nghệ sĩ từng gắn bó nhiều năm và có cả lợi thế để kêu gọi sự chung tay của các nhà tài trợ. Giá như những người có trách nhiệm năng động hơn, quyết tâm hơn và có tình yêu đủ đầy với nghệ thuật cải lương, việc dàn dựng một chương trình phối hợp giữa các thí sinh đoạt giải Bông lúa vàng với nghệ sĩ chuyên nghiệp, để vừa biểu diễn phục vụ khán giả tại chỗ, vừa có chương trình phát thanh, phát hình sẽ không phải là điều quá tầm với.

Tuy sinh sau đẻ muộn, Chuông vàng vọng cổ đã làm rất tốt việc chắp cánh cho các thí sinh đoạt giải bay xa. Chương trình Ngân mãi chuông vàng định kỳ mỗi tháng, dù vẫn còn nhiều tranh luận về thời lượng kịch bản, công tác dàn dựng… với các nghệ sĩ trẻ, họ vẫn được học rất nhiều để trưởng thành. Chính từ sân chơi này, nhiều nghệ sĩ đã rèn giũa tài năng và được các đoàn cải lương chuyên nghiệp mời về cộng tác.

Nỗ lực yếu ớt của ban tổ chức Bông lúa vàng trong mùa giải mới đang khiến nhiều người tự hỏi phải chăng đó chỉ là những nỗ lực bắt buộc, nhằm tạo sức hút cho một chương trình đã kéo dài hơn 20 năm và giữ gìn một thương hiệu của VOH, chứ chưa thể làm điều gì có ý nghĩa lớn lao hơn. 

Giai thuong Bong lua vang 2018: Gia nhu…
Sân khấu nhà hát Music One là địa điểm ước mơ của những người làm cải lương
“Chúng tôi là đài tiếng nói, chỉ chịu trách nhiệm sản xuất các chương trình phục vụ cho đài, không phải là một trường đào tạo, cũng không làm từ thiện nên không thể thực hiện nhiều chương trình cho những thí sinh đoạt giải cuộc thi Bông lúa vàng… Chúng tôi cũng không đủ kinh phí và thời gian để có thể nghĩ ra những ý tưởng cho các chương trình định kỳ dành cho thí sinh đã đoạt giải. Chúng tôi đã cất công tìm kiếm những giọng ca hay, chúng tôi không sử dụng cũng sẽ có nơi khác sử dụng, không có gì là uổng phí” - đạo diễn Đức Thịnh.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI