Giai thoại vua Lê núp váy bà già

30/10/2015 - 08:13

PNO - Câu chuyện hi hữu này liên quan đến Lê Lợi, hoàng đế khai sáng triều Lê khi ông vẫn là thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược.

Những ngày tháng gian khổ

Tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của vương triều Hồ thất bại, ngay sau đó rất nhiều cuộc khởi nghĩa đã bùng lên, điển hình là cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần do hai vua Giản Định đế và Trùng Quang đế lãnh đạo nhưng tất cả đều bị đàn áp tàn khốc. Đánh giá ngắn gọn về tình cảnh dân chúng nước ta trong thời nội thuộc, sách Việt giám thông khảo tổng luận viết rằng: “Nhà Nhuận Hồ đã bị bắt mà nhà Hậu Trần cũng mất theo, đất nước chia xé từng mảnh, nát hơn cuối buổi nhà Chu. Quan lại chính lệnh bạo ngược, hình phạt tàn khốc, thảm hơn nhà Tần khi mất. Từ đấy người Minh thả sức bạo ngược, nhân dân lầm than, chưa có lúc nào như lúc này”.

Giai thoai vua Le nup vay ba gia
Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn (Tranh minh họa)

Trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy, Lê Lợi đã đứng lên dựng khởi nghĩa ở Lam Sơn vào mùa xuân năm Mậu Tuất (1418). Từ một cuộc khởi nghĩa nhỏ, lực lượng ít, khu vực hoạt động hẹp, trải bao gian khó, dần dần Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân đã từng bước phát triển lực lượng, mở rộng quy mô hoạt động, giành nhiều thắng lợi quan trọng để xoay chuyển dần cục diện để đi đến giành thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là giai đoạn đầu khi nghĩa quân hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa (1418-1423) với thắng ít, thua nhiều; có lúc lâm vào tình cảnh khốn quẫn:

Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,

Lúc Khôi Huyện, quân không một đội.

                                                                                           (Bình Ngô đại cáo)

Tuy gặp vô vàn khó khăn, nhưng với ý chí vững trãi không gì xoay chuyển nổi, lại được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, nhờ thế mà:

Bên trong lo rèn chiến cụ, bên ngoài giả thác hòa thân,

Quyên tiền mộ lính, giết voi khao quân.

Mọi người đều mến vua mà liều chết,

Ai nấy đều gắng sức để đền ơn.

                                                                                              (Chí Linh sơn phú)

Giai thoại dưới đây chính là minh chứng tiêu biểu cho sự ủng hộ của nhân dân đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đối với người anh hùng Lê Lợi.

Anh hùng “núp váy đàn bà”

Ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm đến tính mạng và thậm chí có ảnh hưởng đến thời cuộc của đất nước trong một giai đoạn lịch sử, nên người cả người cứu và người được cứu đều không tị hiềm bởi những quan niệm phong kiến nặng nề.

Chuyện rằng khi còn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có lần bị thua trận, binh tướng tan tác hết, chỉ còn một mình, Lê Lợi bị giặc Minh đuổi theo ráo riết. Chạy đến bờ đê ven một ngôi làng bên bờ sông Mã, ông thấy có một quán nước liền vào hỏi thăm đường và nói rõ tình cảnh của mình, cụ bà bán nước biết tình thế rất nguy mới nói rõ mọi ngả đường quanh đó đều bị quân giặc án ngữ cả, không còn lối thoát. Bà nói, nếu không tị hiềm gì thì chỉ còn cách để ông ngồi núp sau lưng mình rồi trùm váy lên che kín, nhờ vậy mà giặc Minh đi qua không nghi ngờ gì, bà cụ còn chỉ hướng sai cho chúng đuổi bắt trong vô vọng về hướng núi Vàng (nay thuộc xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Đợi giặc đi khuất, Lê Lợi lạy tạ cảm ơn bà lão rồi vội cáo biệt đi ngay, thoát được sự truy bắt của giặc. Sau này, khi sự nghiệp đã thành, nhớ ơn bà cụ bán nước, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đích thân trở lại chốn cũ đón bà cụ về Thăng Long phụng dưỡng, tôn làm Quốc mẫu.

Giai thoai vua Le nup vay ba gia
Tượng thờ Quốc mẫu Hà Thị Cai (Hình minh họa)

Ở kinh đô được ít lâu, bà cụ xin về sống tại quê gốc ở làng Quan Nội (nay thuộc xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hoá) và mất ở đó, thọ hơn 80 tuổi. Khi bà mất, vua cho làm lễ tang rất trọng thể. Tương truyền hôm đưa đám, trời mưa to như trút nước, người ta đành tạm quàn linh cữu ở giữa cánh đồng, đến sáng hôm sau dân làng ra đồng để tiếp tục đưa đám thì thấy linh cữu đã được mối đùn lên thành một gò đất. Chỗ này, về sau vua Lê Thái Tổ cho lập đền thờ bà cụ, hàng năm cúng tế theo nghi thức, làm lễ lớn vào giỗ bà ngày 12 tháng Chạp. Ngôi đền thờ bà được gọi là đền Quốc mẫu (nay ở xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá); nhà vua còn sắc phong cho bà là Hộ quốc đại vương, mỹ tự là “Hổ y hoằng hữu”.

Theo dã sử địa phương và các tài liệu như bản “Thánh tổ phổ tích”, gia phả họ Hà,… bà cụ tên thật là Hà Thị Diệu Cai (còn gọi là Hà Thị Cai). Bến sông xưa, nơi có quán nước mà bà cụ cứu Lê Lợi thoát hiểm sau gọi là “bến Tử” (bến chết) nhưng lại là nơi người anh hùng dân tộc được cứu sống.

Bà cụ Hà Thị Cai còn có công chiêu dân xiêu tán, lập ra làng Sở (sau gọi là Nghĩa Hương, nay cũng thuộc xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hoá) nên dân làng đã dựng ngôi đình thờ và tôn bà làm Bản cảnh thành hoàng.

Lê Thái Dũng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI